Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường Đại học Sư phạm TP.HCM: Cầu nối quá khứ và tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

Mô hình Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: T.L

Nhân dịp 35 năm kỉ niệm ngày thành lập, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã trân trọng mời các thầy cô Trần Thanh Đạm, Huỳnh Thế Cuộc, Cao Minh Thì, Nguyễn Tấn Phát, Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Thị Bê, Nguyễn Giáo Huấn, Lê Vinh Quốc… nguyên là lãnh đạo và giảng viên của trường về dự buổi mạn đàm đầy ý nghĩa.
Nhìn lại chặng đường 35 năm
Mở đầu buổi mạn đàm, GS. Trần Thanh Đạm – Hiệu trưởng đầu tiên của trường xúc động khi nhớ lại những khó khăn ngày về tiếp quản trường. Lúc bấy giờ, vì trở ngại vây quanh, nhiều giảng viên (GV) quyết định ra đi. Trường lâm vào tình trạng thiếu người dạy các môn khoa học xã hội nên buộc thầy cô thỉnh giảng phải dạy dồn. Những GV biệt phái đa phần không an tâm công tác lâu dài do cuộc sống còn lắm gian nan.
Thế hệ GV đầu tiên của trường sau ngày thống nhất đất nước giờ đã sắp đến tuổi nghỉ hưu. Nhiều GV giảng dạy tại trường những năm 1977-1978 bây giờ đã là cán bộ lãnh đạo trường như các thầy cô Bùi Mạnh Nhị, Bạch Văn Hợp, Hoàng Văn Cẩn, Phạm Xuân Hậu… Không ít GV trẻ hồi đó đã có học vị tiến sĩ, và là những cán bộ có tên tuổi trong các ngành khoa học. Trong số đó phải kể đến Nhà giáo nhân dân GS. Trần Văn Tấn – Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn, người đã ở lại với đất nước cho đến ngày hôm nay. GS. Trần Văn Tấn hiện là đại biểu Quốc hội và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Hay như GV Tôn Nữ Thị Ninh. Tuy chỉ dạy ở trường một thời gian ngắn rồi chuyển sang làm công tác ngoại giao cho Chính phủ nhưng cô đã để lại ấn tượng tốt trong lòng đồng nghiệp và sinh viên (SV).
Thầy Đạm chia sẻ, mặc dù ngày 27 tháng 10 năm 1976 mới có quyết định thành lập nhưng ngay sau khi thống nhất đất nước, và xa hơn nữa (năm 1957), Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã có SV theo học. Vì vậy, nếu tính chính xác thời điểm ra đời, 5 năm tới, trường vừa tròn 60 tuổi.
Mới đây, Sở Kiến trúc và Xây dựng TP.HCM đã thông qua bản quy hoạch của trường. Song song với việc phê duyệt quy hoạch địa điểm mới ở Tây Bắc Củ Chi, UBND TP.HCM cũng cấp phép để cơ sở chính của trường tại số 280 An Dương Vương được xây cất thêm vài tòa nhà cao tầng. Theo đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cũng được Ban giám hiệu hết mực quan tâm. Nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, nhà trường đầu tư cho công tác bồi dưỡng GV, đưa nhiều thầy cô đi đào tạo ở nước ngoài. “Trường Đại học Sư phạm TP.HCM phải là Havard, Lômônôxốp của giáo dục Việt Nam”, thầy Đạm nhấn mạnh.
Tham dự buổi mạn đàm, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, tâm sự: “SV chọn trường chúng ta là để làm thầy giáo. Vì vậy, phải làm cho SV tự hào về nghề dạy học. Ngành sư phạm những năm vừa rồi đã trải qua sóng gió, giờ đã bắt đầu là mùa xuân. Để trường chúng ta phát triển nhanh, phát triển vững chắc, tôi nghĩ những người làm thầy cần nêu gương trong học tập và cống hiến”. Đồng quan điểm, PGS.TS Cao Minh Thì cho rằng, sau 35 năm hoạt động, chúng ta cần tổng kết, đánh giá những mặt làm tốt và chưa được của nhà trường để rút ra bài học kinh nghiệm. Sau đó, mời các sở GD-ĐT đến đánh giá sản phẩm đào tạo của trường.
Thầy Nguyễn Quốc Bảo nhận xét, những năm cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này, điểm tuyển vào Trường Đại học Sư phạm TP.HCM thường đứng trong top đầu cả nước. Giờ thì thời hoàng kim ấy đã qua. Vì vậy, chúng ta phải lường trước 5-10 năm nữa mình còn đối mặt với những khó khăn nào. Bởi chờ đến khi Nhà nước có chính sách mới cho giáo dục, cho nghề dạy học để khuyến khích SV thi vào sư phạm chắc còn lâu. Chi bằng chúng ta đóng góp ý kiến nhằm tìm ra chính sách thích hợp cho nhà giáo. Tôi muốn trường chúng ta có tiếng nói trong mô hình trường sư phạm. Đa ngành hay chuyên ngành? SV vào trường sư phạm, học xong 4 năm ra làm thầy hay tham gia một mô hình khác? Cán bộ quản lý cần nghiên cứu kỹ vấn đề này để có mô hình đào tạo tốt nhất.
“Trường Đại học Sư phạm TP.HCM là một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, có uy tín trong việc đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản và khoa học giáo dục – sư phạm. Mục tiêu của trường thì nhiều nhưng trong đó, nâng cao phẩm chất nhà giáo phải là mục tiêu hàng đầu”, thầy Huỳnh Thế Cuộc phát biểu tại buổi mạn đàm. Ngay sau đó, thầy Nguyễn Giáo Huấn đề nghị: “Khi chưa có điều kiện tổ chức đào tạo thạc sĩ cho tất cả giáo viên đang làm việc trong các trường phổ thông, thì việc trường sư phạm đứng ra tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ để các thầy cô giáo vững tay nghề nghiệp là điều rất cần thiết”.
Đón nhận tất cả những tâm sự, những lời gửi gắm của các thầy cô lãnh đạo tiền nhiệm với tấm lòng tri ân sâu sắc, TS. Bạch Văn Hợp – Hiệu trưởng nhà trường vui vẻ chia sẻ về chương trình hoạt động của trường trong thời gian tới.
Hướng đến tương lai tươi sáng
Đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã xác định mục tiêu chung và các chương trình cụ thể mang tính chiến lược phát triển cho riêng mình trong tương lai.
Mục tiêu chung: Xây dựng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM thành trường đại học đa ngành, trọng điểm sư phạm với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học đạt trình độ tiên tiến đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế.
Các chương trình chiến lược
Chương trình 1: Xây dựng đội ngũ giảng viên, chuyên viên và cán bộ quản lý giáo dục chuẩn về chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu để có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong thời kì mới.
Chương trình 2Xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường trang bị thiết bị dạy học và nghiên cứu khoa học theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa. Từng bước hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ công tác dạy học, nghiên cứu khoa học cũng như quản lý.
Chương trình 3Đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu và thực hiện đổi mới phương thức đào tạo, mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp dạy – học, cách thức kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Kim Hồng
35 năm qua, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã đào tạo 72.563 SV (35.241 SV chính quy, 37.322 SV chuyên tu và tại chức), hơn 2.000 học viên sau đại học, hàng trăm lưu học sinh nước ngoài; đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên cho 75.932 giáo viên của các địa phương; hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với hơn 80 trường đại học trên thế giới. Trường đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba (năm 1986), Huân chương Lao động hạng nhất (năm 1996), Huân chương Độc lập hạng ba (năm 2007). Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM và các địa phương tặng nhiều bằng khen cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phong trào, đoàn thể của nhà trường.
 

Bình luận (0)