Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa ra mắt ứng dụng (App) hỗ trợ nhận biết và phân loại rác tại nguồn dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), được chính giảng viên trường phát triển, dành cho các sinh viên và mở rộng miễn phí cho cộng đồng.
Bước phân loại rác được thực hiện nhanh chóng và đơn giản thông qua app, điện thoại di động
Đây là bước đi quan trọng để trường triển khai mô hình “Phòng thí nghiệm sống” nhằm hướng đến xây dựng ĐH xanh. Đây là ứng dụng chụp ảnh nhận diện rác thải tích hợp trí tuệ nhân tạo đầu tiên xuất hiện ở một trường ĐH của Việt Nam.
Theo đó, việc thực hiện phân loại rác tại nguồn sẽ theo 3 loại (thực phẩm thừa, rác tái chế, rác còn lại) hoặc theo 7 loại (chất lỏng, thực phẩm thừa, kim loại, nhựa tái chế, giấy, hộp sữa và rác thải còn lại). Việc này thực hành với nguyên tắc: Tiết giảm, tái sử dụng và tái chế.
Trong đó, ưu tiên trước hết là khâu phân loại rác tại chính các khuôn viên của trường. Vì chỉ khi việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện đúng, rác thải mới trở thành đầu vào chất lượng để tái chế và trở thành tài nguyên, bắt đầu một vòng đời mới. Từ đó, hạn chế được lượng rác thải ra môi trường. Với quan điểm này, trường cũng đã kết nối với mạng lưới các đối tác trong ngành công nghiệp tái chế để tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín.
Tuy vậy, khi thực hành phân loại rác tại nguồn, một trong những khó khăn được phản hồi nhiều nhất từ cộng đồng người trẻ nói chung và người học tại trường nói riêng chính là không xác định được cụ thể loại rác thải cần bỏ phù hợp với loại thùng nào. Để hỗ trợ việc thực hành phân loại rác tại nguồn nhanh chóng, hiệu quả, hướng đến điều chỉnh hành vi lâu dài, trường đã cho ra mắt ứng dụng nhận biết loại rác dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo dành cho các sinh viên và mở rộng phiên bản di động miễn phí cho cộng đồng.
Ứng dụng được thực hiện chỉ với 4 bước đơn giản là: Chụp hình rác thải, tải lên ứng dụng, đọc kết quả, phân loại đúng. Ở quy trình này, sau khi đăng tải ảnh lên, chỉ trong vài giây, công cụ sẽ đọc hình ảnh và trả kết quả là rác thải thuộc loại nào trong số các loại sau: Thực phẩm thừa, rác tái chế, rác còn lại hoặc chất lỏng, thực phẩm thừa, kim loại, nhựa tái chế, giấy, hộp sữa và rác thải còn lại. Từ đây, người dùng sẽ có cơ sở nhận diện để đặt đúng rác vào thùng quy định.
Tính đến thời điểm này, đây là ứng dụng chụp ảnh nhận diện rác thải tích hợp trí tuệ nhân tạo đầu tiên xuất hiện ở một trường ĐH của Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình huấn luyện cho máy học, hiện tại chưa đủ nhiều dữ liệu; một số trường hợp sẽ nhận diện chưa chính xác, do đó rất cần người sử dụng ứng dụng nhiều hơn và phản ánh thường xuyên việc phân loại chưa đúng để công cụ sẽ tiếp tục được hoàn thiện, cải thiện độ chính xác.
TS. Bùi Quang Hùng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ, với ứng dụng này, trường kỳ vọng sẽ mang lối sống xanh và bền vững đến toàn thể viên chức, người lao động, người học. Từ đó, lan tỏa thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng, đồng thời, tiếp tục kết nối cùng đối tác trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tạo ra các tác động tích cực đến kinh tế, môi trường và xã hội.
Việt Ngân
Bình luận (0)