Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường ĐH bắt đầu giảm chỉ tiêu CĐ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường ĐH chính thức giảm chỉ tiêu đào tạo CĐ từ kỳ tuyển sinh năm nay và tiến tới ngưng đào tạo bậc học này trước thời điểm 2020.

Góp ý cho Dự thảo quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục ĐH, đại diện nhiều trường ĐH tán thành việc giảm quy mô đào tạo và dần tiến tới tách bậc CĐ khỏi các trường ĐH để các trường này tập trung nhiệm vụ đào tạo ĐH và sau ĐH.

Kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều trường ĐH chính thức giảm chỉ tiêu đào tạo CĐ, dần tiến tới ngưng đào tạo hẳn hệ này 

Sẽ sớm tách bậc CĐ ra khỏi ĐH

ThS. Nguyễn Quốc Anh – Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết, dự kiến năm 2016, trường tuyển 1.000 chỉ tiêu bậc CĐ, giảm 30% so với năm 2015. Theo ThS. Quốc Anh, chỉ tiêu CĐ thực tế đã được giảm tại trường 2 năm qua. Cụ thể, các năm 2011, 2012 chỉ tiêu ĐH và CĐ của trường xem xem nhau. Nhưng 2 năm gần đây, chỉ tiêu CĐ của trường đều đã được cắt giảm. Năm vừa rồi, trường tuyển 3.800 chỉ tiêu bậc ĐH nhưng chỉ 1.300 chỉ tiêu CĐ. Những năm tiếp theo trường tiếp tục cắt giảm chỉ tiêu CĐ và có thể chưa đến 2020 đã ngưng đào tạo hệ này.

Cách đây 2 năm, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng đã định hướng cắt giảm quy mô đào tạo bậc CĐ để tập trung đào tạo bậc ĐH. Năm 2015, chỉ tiêu tuyển sinh CĐ tại trường đã giảm còn khoảng 700. Năm 2016, trường dự kiến giảm còn 500 chỉ tiêu và tập trung cho những ngành chỉ đào tạo CĐ mà không đào tạo bậc ĐH. Duy nhất nhóm ngành về thực phẩm được vừa duy trì đào tạo ĐH lẫn CĐ. Trường tiến đến ngưng đào tạo CĐ vào năm 2018.

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã chính thức ngừng đào tạo CĐ từ năm 2014, mặc dù theo TS. Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường – thì trường ĐH đào tạo CĐ bao giờ cũng sẽ thu hút thí sinh, khâu tuyển sinh rất thuận lợi.

Thực tế, tại một số trường ĐH ngoài công lập, gần đây chỉ tiêu CĐ đã liên tục tụt giảm do tuyển không ra người học. Đại diện một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM cho biết, có năm trường chỉ tuyển được vài chục em, rất bị động nhưng “bỏ thì thương, vương thì tội”. Cụ thể, năm 2013, trường này tuyển 250 chỉ tiêu CĐ cho 3 ngành. Hai năm trở lại đây, chỉ tiêu mỗi ngành chỉ còn khoảng 50. Dù vậy, năm tới, trường vẫn tiếp tục duy trì tuyển CĐ trên tinh thần “được chừng nào hay chừng ấy”.

Các ý kiến cho rằng, việc giảm quy mô đào tạo và dần tách bậc CĐ khỏi trường ĐH không ảnh hưởng nhiều đến lực lượng giảng viên vì lâu nay, chuẩn giảng viên bậc CĐ và ĐH cũng đã xem xem nhau, cùng nằm trong bậc đào tạo ĐH. Hơn nữa lộ trình cắt giảm dự kiến kéo dài đến năm 2020, đủ thời gian thực hiện nâng cấp trình độ giảng viên trong trường hợp cần thiết.

Chuyển năng lực đào tạo vào nghiên cứu

TS. Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – đề cập vấn đề cân nhắc nguồn lực, nhân sự của các trường ĐH khi khống chế quy mô sinh viên chính quy tối đa là 15.000 đối với cơ sở giáo dục ĐH như quy định trong dự thảo. Theo ông Lý, hiện đã có rất nhiều trường ĐH đào tạo quy mô trên dưới 30.000 sinh viên chính quy, mà đã đào tạo bài bản, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực, thậm chí nguồn nhân lực chất lượng cao. Nay, các đơn vị này phải giảm xuống còn phân nửa thậm chí còn 1/3 quy mô thì vấn đề nguồn lực, nhân sự, tài chính của trường cần phải được cân nhắc.

Trong khi đó, ThS. Phạm Thái Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho rằng, những trường có năng lực đào tạo lớn có thể dồn sang công tác nghiên cứu khoa học. Bởi theo thống kê chưa chính thức, hoạt động giảng dạy hiện đã chiếm khoảng 60% thời gian của giảng viên, trong khi nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ quan trọng.

ThS. Nguyễn Quốc Anh – Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – khẳng định, trường giảm quy mô sinh viên không đồng nghĩa giảm quy mô giảng viên, thay vào đó sẽ đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học. Hiện quy mô toàn trường là 20.000 sinh viên, nếu giảm xuống còn 15.000 thì số lượng cần điều chỉnh hằng năm không đáng kể.

Bài, ảnh: Mê Tâm     

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)