Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường ĐH càng tăng, GS-TS càng giảm

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường ĐH, CĐ đang cần hơn 20.000 giảng viên. Chỉ tiêu 25% giảng viên phải có trình độ TS được xem là khó thực hiện

Dù còn một năm nữa để thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010, nhưng nhiều chỉ tiêu đặt ra chắc chắn không thể thực hiện đã được nhìn nhận tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện quyết định này do Bộ GD-ĐT tổ chức qua cầu truyền hình sáng 12-5 tại 4 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ.
Tỉ lệ giảng viên có trình độ TS giảm
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đến năm học 2007-2008, bậc ĐH có 38.217 giảng viên, bậc CĐ có 17.903 giảng viên. Tỉ lệ bình quân sinh viên (SV)/giảng viên bậc ĐH là 30,89 nhưng thực tế một số trường có đến 50 SV/giảng viên, thậm chí 100 SV/giảng viên. So với chỉ tiêu đặt ra là 20 SV/giảng viên thì với quy mô SV như hiện nay, cần phải tuyển thêm 21.783 giảng viên nữa, điều này rất khó thực hiện được trong vài năm tới.

Từ đầu cầu Đà Nẵng, GS-TS Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nêu ý kiến: Kể cả rút chỉ tiêu xuống còn 25 SV/giảng viên cũng không thể thực hiện được. Tại ĐH Đà Nẵng, nếu năm 2005 có 29 SV/giảng viên thì đến năm 2008, con số này không những không giảm mà còn tăng lên 31,6 SV/giảng viên.
Để đạt mục tiêu đề ra, 2 năm tới ĐH Đà Nẵng phải bổ sung 800 giảng viên mới. Nhưng đào tạo một giảng viên ít nhất phải mất 5 năm, làm sao trong 2 năm nữa có thể đào tạo đủ số lượng giảng viên như mục tiêu đặt ra.

Không chỉ thiếu về số lượng, mà chất lượng giảng viên ĐH, CĐ cũng chưa được cải thiện nhiều khi số giảng viên đạt trình độ sau ĐH, đặc biệt là trình độ TS có xu hướng giảm. Quyết định 09 yêu cầu năm 2010 phải có 40% giảng viên ĐH, CĐ có trình độ thạc sĩ, trong đó trình độ TS phải đạt 25%.
GS-TS Hoàng Văn Cẩn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, phát biểu tại đầu cầu TPHCM. Ảnh: N. HỮU
Thế nhưng hiện nay ở bậc ĐH chỉ có 14,77% giảng viên có trình độ TS (năm học 2005-2006 là 15,56%), bậc CĐ còn thê thảm hơn khi chỉ có 1,36% (năm học 2005-2006 là 1,83%).
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng số TS những năm qua giảm là do số giảng viên trình độ TS đến tuổi nghỉ hưu nhiều hơn so với giảng viên kế cận có cùng trình độ, mạng lưới trường mở rộng, quy mô đào tạo tăng nhanh, số lượng sinh viên tăng nhanh do đó đã làm giảm tỉ lệ TS.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác GS-TS Bùi Văn Ga cho rằng với mức lương trả cho giảng viên có trình độ TS hiện nay còn thấp, có thể giữ chân họ ở lại với phấn trắng, mực đen khi xu hướng giảng viên bỏ giảng đường ra ngoài làm ngày càng tăng. Hơn nữa, đào tạo một TS rất tốn kém, công phu nên cần phải nhanh chóng ban hành luật nhà giáo cũng như chế độ cho giảng viên để các trường giảm bớt khó khăn trong việc giữ người.

Đáng báo động là số GS, PGS cũng chiếm tỉ lệ thấp: 5,51% (năm học 2007–2008), trong đó GS có xu hướng giảm từ 1,14% (năm học 2005–2006) xuống còn 0,79% (năm học 2007 – 2008).

Bắt đầu từ trường sư phạm
Về chất lượng giảng viên, nhiều bất cập trong việc đào tạo ở các trường sư phạm cũng được đại diện Bộ GD-ĐT và đại diện các trường nhìn nhận. Nhiều đại biểu cho rằng chương trình khung của các trường sư phạm hiện nay chưa thật sự đổi mới, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành, không bắt kịp với thực tiễn đổi mới. Phương pháp dạy còn lạc hậu, nặng về kiểu truyền thụ một chiều, chưa có tác dụng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho SV.

Trong khi GS-TS Hoàng Văn Cẩn, Trưởng Khoa giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho rằng các trường sư phạm cần phải tăng cường việc thực tập sư phạm, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, giảng viên. Bên cạnh đó, các trường sư phạm cũng cần tuyển đội ngũ giảng viên có năng lực và có chế độ đãi ngộ xứng đáng để giữ chân họ.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng có sự mất cân đối lớn về số lượng và chất lượng giảng viên. Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận chỉ tiêu 40% giảng viên có trình độ sau ĐH thực sự là thách thức lớn.
Phó Thủ tướng đề nghị các trường sư phạm cần có sự phối hợp để đánh giá chất lượng SV, đến đầu năm 2010 phải rà soát lại chất lượng đào tạo, hình thành bộ giáo trình dùng chung cho các trường sư phạm, chương trình đào tạo phải được đánh giá hằng năm. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ phân công người phụ trách, phát triển đội ngũ giảng viên, sớm hình thành hội đồng hiệu trưởng các trường sư phạm…
Bậc phổ thông cũng thiếu giáo viên
Hiện giáo viên mầm non có gần 172.978 người, tăng 3,58%/năm nhưng vẫn còn thiếu so với quy định khi trung bình mỗi giáo viên phải phụ trách 11 em, trong khi quy định là 8 em/giáo viên. Với tổng số giáo viên bậc tiểu học là 344.853 người, dù số lượng học sinh đã giảm gần 1 triệu em, nhưng số giáo viên hiện có mới chỉ đáp ứng được 86% nhu cầu. Cấp THPT có 134.246 giáo viên, với tỉ lệ giáo viên/lớp là 1,98 vẫn thấp hơn so với mức quy định là 2,25. Mục tiêu đến năm 2010 phải có 10% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ trở lên, trong khi thực tế tính đến năm học 2007-2008 mới có 3,8% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ. Để đạt được mục tiêu đề ra, trong 2 năm tới phải đào tạo 8.000 thạc sĩ cho các trường THPT (6,2%). Đây được coi là mục tiêu xa vời.
Thùy Vinh (NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)