Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trường ĐH có được phong giáo sư, phó giáo sư danh dự?

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH phong chức danh giáo sư, phó giáo sư danh dự cho nhà khoa học đến nay vẫn là hiện tượng mới lạ. Vậy trong trường hợp nào trường ĐH được phép thực hiện việc này?

 /// yds.edu.vn

yds.edu.vn

Câu hỏi này được đặt ra nhân sự kiện Trường ĐH Y dược TP.HCM vừa ban hành quy định về việc trường tự phong giáo sư, phó giáo sư danh dự cho các nhà khoa học có tham gia hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với trường.

Hiệu trưởng ra quyết định

Theo đó, đối tượng được xét phong các chức danh này gồm các nhà khoa học đã và đang làm việc tại các trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhưng có tham gia hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với Trường ĐH Y dược TP.HCM.

Cụ thể, người được phong giáo sư và phó giáo sư phải tham gia hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với trường từ 5 năm trở lên và tiếp tục cống hiến trong việc xây dựng và phát triển trường trong tương lai.

Người này cần có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động phát triển trường hoặc những đóng góp tích cực trong việc xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác giữa Trường ĐH Y dược TP.HCM với các tổ chức liên quan.

Dựa trên kết quả hồ sơ được phê duyệt bởi Thường trực hội đồng khoa học giáo dục của trường, hiệu trưởng sẽ ra quyết định phong chức danh giáo sư, phó giáo sư cho nhà khoa học.

Thực hiện theo quy định nào?

Theo Trường ĐH Y dược TP.HCM, quy định này được ban hành dựa trên Điều lệ trường ĐH và quyết định 174/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư và phó giáo sư.

Theo Điều lệ trường ĐH, hội đồng khoa học và đào tạo trường có nhiệm vụ tư vấn cho hiệu trưởng trong việc trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự của trường cho các cá nhân.

Trong khi đó, quyết định 174/2008 chỉ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư với các nhà giáo đang làm nhiệm vụ giảng dạy. Việc xét công nhận hoặc hủy bỏ công nhận các chức danh này phải thông qua Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước do Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập dựa trên đề nghị của Bộ GD-ĐT.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, GS-TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho biết, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước chỉ xét phong học hàm giáo sư, phó giáo sư theo quy định 174/2008 chứ không thực hiện phong chức danh giáo sư và phó giáo sư danh dự. Hội đồng chỉ xét phong đặc cách giáo sư, phó giáo sư cho những người Việt Nam xuất sắc ở nước ngoài nhưng đã được các trường ĐH nước ngoài công nhận là giáo sư.

Không được dùng như “chức vụ học thuật”

Tiến sĩ Bùi Đại Lịch, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết đây là lần đầu tiên trường ban hành quy định về việc này. Việc phong các chức danh này chỉ có ý nghĩa vinh danh những người có nhiều đóng góp cho trường.

Trước đó, Bệnh viện ĐH Y dược (thuộc Trường ĐH Y dược TP.HCM) đã phong chức danh giáo sư danh dự cho ông Daniel Dung Truong – một Việt kiều Mỹ có nhiều đóng góp trong việc tổ chức thành công nhiều hội thảo quốc tế cập nhật kiến thức thần kinh học.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, nhìn nhận đây là hiện tượng bình thường vì nhiều trường ĐH trên thế giới đã thực hiện. Chức danh này chỉ là biểu tượng vinh danh, không sử dụng được như chức vụ học thuật.

Một chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, các chức danh danh dự này chỉ được sử dụng trong phạm vi hẹp và có ý nghĩa ngay trong chính trường ĐH tổ chức phong tặng. 

Hà Ánh/TNO

Bình luận (0)