Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trường ĐH có nên thuê nhà hát vài trăm triệu đồng để tổ chức lễ tốt nghiệp?

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen phản đối trường tổ chức lễ tốt nghiệp tại Nhà thi đấu Nguyễn Du và muốn được dời đến Nhà hát Hòa Bình. Hiện Trường ĐH Hoa Sen đã điều chỉnh địa điểm theo ý kiến sinh viên. Vậy các trường ĐH khác thường tổ chức lễ tốt nghiệp ở đâu?

"Ở đâu" không quan trọng bằng "thế nào"

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hương, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho biết ban đầu, trường dự kiến tổ chức lễ tốt nghiệp tại Nhà thi đấu Nguyễn Du nhưng do nhiều sinh viên phản đối nên trường tiến hành cuộc khảo sát và kết quả có khoảng 60% sinh viên muốn trường tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM.

Lý do mà sinh viên muốn thay đổi là vì cùng đóng học phí hàng trăm triệu đồng nhưng sinh viên khóa trước được nhận bằng tốt nghiệp ở Nhà hát Hòa Bình trong khi lần này tổ chức tại nhà thi đấu, phải ngồi ghế nhựa nóng bức và thiếu trang trọng.

Trường ĐH nên tổ chức lễ tốt nghiệp ở nhà hát hay nhà thi đấu? - Ảnh 1.

Lễ tốt nghiệp là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi sinh viên. X.P

"Vì đây là sự kiện dành cho sinh viên nên chúng tôi đã lắng nghe ý kiến các bạn và điều chỉnh địa điểm tổ chức theo nguyện vọng của đa số các em. Dù tổ chức ở đâu thì trường cũng chú trọng đến phần nội dung để mong muốn mang đến cho các em một lễ tốt nghiệp ý nghĩa với những khoảnh khắc đầy dấu ấn sau 4 năm học tập", bà Tuyết Hương chia sẻ.

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, cho biết các lễ tốt nghiệp luôn được tổ chức tại trường với hội trường khoảng 1.000 chỗ. Trường mời cả đại diện gia đình sinh viên gồm một phụ huynh đến dự.

"Tôi cho rằng lễ tốt nghiệp nên tổ chức ngay tại trường chứ không cần phải thuê một địa điểm thật lớn, thật hoành tráng. Vì đây là một buổi lễ mang nhiều ý nghĩa, các em có thể nhận bằng và lưu lại những khoảnh khắc ngay tại ngôi trường mình đã gắn bó 4-5 năm. Phụ huynh cũng có thể cảm nhận được nơi học tập của con mình", tiến sĩ Thưởng nói.

Theo tiến sĩ Thưởng, chỉ khi trường nào không có không gian hay cơ sở vật chất thì mới nghĩ đến việc tổ chức lễ tốt nghiệp ở ngoài. Tuy nhiên, dù là ở đâu thì quan trọng nhất vẫn là nội dung buổi lễ, có thiêng liêng trang trọng không, có mang đến những khoảng khắc đáng nhớ cho sinh viên hay không.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cũng cho rằng địa điểm tổ chức không quan trọng bằng buổi lễ mang lại cho sinh viên những cảm xúc gì.

"Tuy nhiên, nếu trường có cơ sở vật chất để tổ chức ngay tại trường thì sẽ có sự gắn bó, thân thuộc hơn. Cảm xúc đó ý nghĩa lắm, khác với việc đi đến nhà hát để nhận bằng. Các em xúng xính trong bộ lễ phục, cùng chụp hình với thầy cô, bạn bè tại những nơi mà suốt 4 năm qua các em vẫn đi lại. Thậm chí chia sẻ niềm vui với chú bảo vệ hay chị lao công rồi chụp với họ tấm hình lưu niệm", thạc sĩ Tư bày tỏ.

Các nước tổ chức lễ tốt nghiệp ra sao?

Các ĐH trên thế giới tổ chức lễ tốt nghiệp trong khuôn viên trường, hội trường lớn, nhà thi đấu thể thao của trường hoặc những địa điểm đặc biệt mang tính lịch sử tại địa phương…

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng lễ tốt nghiệp giờ đây không chỉ đơn giản phát bằng tốt nghiệp cho sinh viên, mà còn là cơ hội để thu hút sinh viên tương lai. Vì thế, lễ tốt nghiệp thường là sự kiện lớn nhất, thu hút nhiều người tham dự như giảng viên, sinh viên tốt nghiệp, gia đình của sinh viên và cựu sinh viên.

Lễ tốt nghiệp của nhiều trường được đầu tư chu đáo về khâu tổ chức, từ những màn trình diễn sân khấu cho đến diễn giả khách mời. Các trường hàng đầu của Mỹ như ĐH Harvard năm nay mời nam diễn viên-nhà làm phim Tom Hanks làm diễn giả tại lễ tốt nghiệp ngày 25.5 tới.

Không ít trường đầu tư phát trực tuyến video lễ tốt nghiệp và nhiều hình ảnh đặc biệt từ buổi lễ trên những nền tảng mạng xã hội vì đây là cơ hội để giúp sinh viên tương lai cảm nhận về văn hóa, truyền thống của trường. Theo nghiên cứu thị trường năm 2020 của hai công ty mStoner và TargetX, 58% thiếu niên tìm hiểu thông tin về ĐH, CĐ thông qua mạng xã hội.

Ông Lê Đình Hiếu, chuyên gia cao cấp Tổ chức giáo dục MAX Education, Giám đốc điều hành Học viện G.A.P, cho biết tại các trường ĐH nước ngoài, lễ tốt nghiệp là một sự kiện vô cùng trọng đại và là một trong những hình ảnh tốt nhất để truyền thông cho trường ĐH.

Chính vì vậy, khâu tổ chức rất được nhà trường chú trọng và giảng viên, sinh viên, phụ huynh đều rất mong chờ buổi lễ ý nghĩa này.

Phúc Duy-Mỹ Quyên

Tổ chức tại trường chia thành từng khoa

Trường ĐH Tài chính-Marketing thì tổ chức lễ tốt nghiệp ngay tại trường và phân theo khoa, mỗi khoa một ngày khác nhau. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho hay, nếu các trường ĐH chỉ có hội trường nhỏ thì có thể tổ chức thành từng khoa như vậy, vẫn đầy đủ và ý nghĩa. "Đây là nơi các em bắt đầu một hành trình mới và cũng chính là nơi các em dời đi để bước ra một môi trường khác rộng lớn hơn, nên việc nhận tấm bằng ở trường giúp các em cảm nhận khoảnh khắc ý nghĩa hơn", thạc sĩ Phụng nhận định.

Trường ĐH nên tổ chức lễ tốt nghiệp ở nhà hát hay nhà thi đấu? - Ảnh 2.

Nhiều trường ĐH mời phụ huynh có mặt trong lễ tốt nghiệp để chứng kiến thành quả của con sau 4 năm học tập. N.V

Theo thạc sĩ Trung, để thuê một địa điểm như Nhà hát Hòa Bình, chi phí mỗi ngày thuê lên tới 300-400 triệu đồng. Mỗi năm 3-4 đợt tốt nghiệp mà đều tổ chức ở nơi như vậy thì trường ĐH tốn hàng tỉ đồng, chưa kể các chi phí tổ chức. "Với chi phí như vậy, trường nào không có đủ kinh phí thì có thể sẽ phải thông báo sinh viên đóng góp, lúc đó, các em chắc chắn sẽ phản ứng", thạc sĩ Trung nêu.

Đối với tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lễ tốt nghiệp tại trường luôn chú trọng đến tính chất, nghi thức của buổi lễ nhiều hơn là những gì mang tính hình thức.

"Tuy nhiên, đối với sinh viên, các em cũng cần một chút hình thức để thấy vui hơn. Trường có 2 hội trường ở 2 cơ sở nên lễ tốt nghiệp tổ chức ngay tại trường. Tùy vào quy mô của mỗi đợt mà tổ chức ở hội trường 1.500 chỗ hay hội trường 850 chỗ. Trường nào không có địa điểm lớn đủ để tổ chức thì có thể thuê bên ngoài, ở nhà hát hay nhà thi đấu hay bất cứ đâu cũng được. Quan trọng là phần nội dung buổi lễ, cách bố trí, trang trí, cách tổ chức ra sao, có mang lại những cảm xúc đẹp cho các tân cử nhân hay không", tiến sĩ Quốc Anh nhìn nhận.

Có sinh viên thích hoành tráng, có sinh viên thích ấm cúng gọn nhẹ

Nguyễn Hoàng Ngọc Bích, sinh viên năm 3 ngành marketing Trường ĐH Sài Gòn, nêu quan điểm: "Đối với em, lễ tốt nghiệp là dấu mốc hết sức quan trọng và ý nghĩa. Vì thế, em muốn được nhận bằng trong một không khí trang trọng, thiêng liêng ở chính ngôi trường mà mình đã học. Em không cần phải ở một nơi quá rộng lớn hoành tráng, mà thích không gian ấm cúng thân tình nhiều hơn".

Trong khi đó, Ngô Thị Lan, sinh viên năm cuối Trường ĐH Hoa Sen, lại cho rằng vì là buổi lễ quan trọng trong cuộc đời, nên muốn được nhận bằng tốt nghiệp ở một nơi thật sang trọng và thật đẹp, có sân khấu lớn và ánh đèn rực rỡ.

"Em nghĩ những nơi sang trọng và hoành tráng thì giá thuê rất đắt. Mỗi năm mà có 4-5 đợt tốt nghiệp, trường phải thuê những nơi đắt tiền như vậy thì sẽ rất tốn kém. Nếu đó là khoản đã tính vào học phí hoặc phải đóng thêm, thì em không cần phải nhận bằng ở những nơi như vậy. Em chỉ cần buổi lễ tốt nghiệp đủ trang trọng và có những tiết mục thật ý nghĩa", Dương Hải Như, sinh viên năm 3 ngành điều dưỡng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)