- 1 Trường ĐH Công thương TP.HCM dự kiến mở ba ngành mới
Ba ngành mới mà Trường ĐH Công thương TP.HCM (HUIT) dự kiến mở gồm: Bán dẫn, truyền thông đa phương tiện và trí tuệ nhân tạo. Nhà trường xem đây là bước tiến chiến lược trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao và bắt kịp xu hướng công nghệ trên toàn cầu.

Đầu năm mới, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn (Hiệu trưởng Trường ĐH Công thương TP.HCM) đã chia sẻ những thông tin trên cũng như nêu nhiều điểm mới trong công tác tuyển sinh của trường trong năm 2025.
Đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo
Trường ĐH Công thương TP.HCM hiện đào tạo 36 ngành thuộc các lĩnh vực luật, du lịch, kinh doanh và thương mại, kỹ thuật – công nghệ, ngôn ngữ. Ngành bán dẫn dự kiến mở mới tại trường sẽ được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật điện tử kết hợp công nghệ thông tin. Ngành này thường được ứng dụng trong các lĩnh vực cốt lõi như sản xuất chip, vi mạch, thiết bị thông minh và hệ thống tự động hóa.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn cho biết, sự phát triển của ngành bán dẫn thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác, từ viễn thông, y tế đến năng lượng sạch. Bán dẫn là nền tảng của mọi thiết bị công nghệ, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Còn ngành truyền thông đa phương tiện tại trường được tích hợp các công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật… Sinh viên không chỉ học cách sáng tạo nội dung mà còn được trang bị kỹ năng ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực giải trí, quảng cáo và truyền thông số. Ông Hoàn khẳng định: “Nhà trường không chỉ xác định đào tạo nên những người làm truyền thông giỏi mà còn hướng tới trang bị cho sinh viên kỹ năng làm chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao, phức tạp”.

“Đặc biệt, với tầm nhìn dài hạn, Trường ĐH Công thương TP.HCM đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng hai phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đây sẽ là môi trường cho sinh viên được thỏa sức phát triển những ý tưởng công nghệ đột phá của bản thân” – ông Hoàn cho hay.
Cũng theo ông Hoàn, đầu tư cho trí tuệ nhân tạo là đầu tư cho sự đổi mới sáng tạo, những phòng thí nghiệm này không chỉ phục vụ giảng dạy mà còn là nơi tạo ra các ý tưởng mới, thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ cao.
Người học được trang bị kiến thức, làm chủ công nghệ
Trường dự kiến ngành bán dẫn sẽ tuyển sinh theo các tổ hợp môn tương tự ngành kỹ thuật điện tử; gồm A00, A01, D01, D07. Còn ngành truyền thông đa phương tiện thì xét tuyển các tổ hợp A00, C01, D01, D10 và ngành trí tuệ nhân tạo xét tuyển các tổ hợp A00, D01, C01 và toán – tiếng Anh – tin học.

Việc mở ba ngành mới khẳng định tầm nhìn chiến lược của Trường ĐH Công thương TP.HCM trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. “Nhà trường đặt mục tiêu không chỉ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động hiện tại mà còn góp phần xây dựng hệ thống nhân lực trẻ có khả năng sáng tạo và làm chủ công nghệ. Nhà trường mong muốn sinh viên không chỉ học để làm việc mà còn để sáng tạo, làm chủ tương lai” – Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh.
“Việc mở ba ngành học mới khẳng định tầm nhìn chiến lược của Trường ĐH Công thương TP.HCM trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Nhà trường đặt mục tiêu không chỉ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động hiện tại mà còn góp phần xây dựng hệ thống nhân lực trẻ có khả năng sáng tạo và làm chủ công nghệ”, Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Hoàn. |
Được biết, năm 2025, trường dự kiến có một số điều chỉnh trong công tác tuyển sinh ĐH. Cụ thể, trường sẽ thay đổi các tổ hợp xét tuyển, thêm tổ hợp văn – sử – địa cho tuyển sinh các ngành du lịch và luật; bổ sung môn tin học vào nhóm ngành công nghệ thông tin. Trường cũng bổ sung thêm phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với khoảng 5% chỉ tiêu cho năm 2025. Đáng chú ý, trường dự kiến không xét tuyển sớm, thay vào đó, chỉ xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Việt Ngân
Bình luận (0)