Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM trong nỗ lực đào tạo phát triển nguồn lực chất lượng cao cho ngành GTVT

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành giao thông vận tải nói chung và đơn vị đào tạo các nghành nghề giao thông vận tải đóng nói riêng có vai trò quan trọng nhằm phát triển hệ thống giao thông đô thị văn minh, hiện đại, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030, trong đó có 2 đột phá là đào tạo nhân lực giao thông vận tải và nghiên cứu khoa học về hạ tầng cụ thể là hạ tầng giao thông vận tải.

Để công tác đào tạo, phát triển nhân lực ngành GTVT từng bước chuyển biến theo hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, phục vụ tốt cho cuộc CMCN 4.0 ngày càng rộng mở, Tạp chí Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với PGS – TS Nguyễn Xuân Phương – Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM xoay quanh vấn đề này.

Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM (UTH) là trường đại học đa ngành thuộc lĩnh vực giao thông vận tải lớn nhất phía Nam Việt Nam. Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực giao thông vận tải như hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sông, đường sắt. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về hoạt động đào tạo của nhà trường trong tình hình hiện nay?

Với bề dày truyền thống hơn 36 năm, với giá trị cốt lõi “Đoàn kết – Nhân văn – Chất lượng – Sáng tạo – Hội nhập”, trong những năm gần đây, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tập thể lãnh đạo Nhà trường, UTH tiếp tục có chuyển biến tích cực trong mọi hoạt động và đã đạt được những thành tích nổi bật trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế, xây dựng cơ sở vật chất…

Giảng viên và sinh viên UTH liên tục ghi dấu ấn trên đấu trường học thuật trong nước và quốc tế. UTH nỗ lực trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, nâng cao chất lượng và số lượng bài báo trên tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước; tích cực tham gia các hoạt động giảng dạy, nâng cao chất lượng bài giảng; tăng cường sử dụng các nền tảng, công cụ học trực tuyến, chia sẻ tài nguyên phục vụ nghiên cứu học tập,…

Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM sớm xác định một trong những công tác trọng tâm của giáo dục- đào tạo là công tác Đảm bảo chất lượng và Kiểm định chất lượng. Năm 2017, Trường là một trong những trường đại học được trao chứng nhận đạt chuẩn chất lượng cấp cơ sở giáo dục sớm nhất cả nước. Năm 2022, UTH tiếp tục được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG-HCM cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2.

Từ tháng 10/2019, Nhà trường chính thức trở thành thành viên liên kết của mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network – Quality Assurance viết tắt là AUN-QA).

UTH tiếp tục có mặt trong top 50 của bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam 2024 (VNUR-2024) và xếp hạng 64 theo bảng xếp hạng Webometrics năm 2024

Học kỳ doanh nghiệp, đào tạo theo hướng "thực chiến", sinh viên ra trường có thể làm việc ngay  

Định hướng và chủ trương kết nối, hợp tác cùng các doanh nghiệp là một trong những quyết định mang tính thời đại và hiệu quả của UTH. Suốt chặng đường hành trình và phát triển, UTH

 không ngừng nỗ lực để hiện thực hoá mục tiêu đó, UTH đã đạt được những hiệu quả cao đến từ những sự kết nối quan trọng và hơn hết là nhận được sự quan tâm từ các đơn vị trong nước và quốc tế.

Trong đó, chương trình đào tạo luôn được cập nhật và xây dựng theo hướng hiện đại, kết hợp giữa học tập trên nền tảng lý thuyết với những khóa tham quan, thực tập, trải nghiệm thực tế thật sự đã giúp ích cho các bạn sinh viên nâng cao được trình độ của mình. Đặc biệt là áp dụng học kỳ doanh nghiệp cho các bạn sinh viên. Mô hình đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành của Trường giúp các sinh viên nắm vững kiến thức và rèn luyện tay nghề cao ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp cho sản phẩm đào tạo của Trường ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Điển hình học kỳ doanh nghiệp tại THACO, VINFAST, Cục Đăng kiểm Việt Nam, sinh viên UTH được các kỹ sư, chuyên gia giàu kinh nghiệm hướng dẫn các đề tài thực tế, văn hóa doanh nghiệp tại các nhà máy, dây chuyền sản xuất, trung tâm đăng kiểm các tỉnh, thành phố… Cuối học kỳ, sinh viên sẽ được chính các kỹ sư, chuyên gia này đánh giá kết quả các học phần.

Để chủ động xây dựng nguồn nhân lực, nhiều tập đoàn và công ty lớn thường liên kết với Trường để đào tạo và sẽ nhận ngay sinh viên từ khi còn trên ghế nhà trường, chỉ chờ tốt nghiệp là mời về làm việc chính thức.

UTH có chính sách thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi

Với chủ trương khẳng định uy tín và thương hiệu bằng chất lượng đào tạo, học đi đôi với hành, gắn đào tạo với thực tế và nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội, Nhà trường có nhiều chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công bố quốc tế và hỗ trợ đào tạo tiến sỹ, trong đó chủ trương hỗ trợ 100% học phí cho các giảng viên cơ hữu khi theo học các chương trình nghiên cứu sinh tại trường.

Trường thành lập các nhóm nghiên cứu, bố trí nơi làm việc và môi trường nghiên cứu học thuật, có chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí đề tài giúp các nhóm nghiên cứu phát triển đúng định hướng, qua đó nâng cao số lượng công bố quốc tế chất lượng của các thành viên trong nhóm. Việc triển khai và đầu tư bài bản cơ sở vật chất đã giúp hình thành nên những tập thể khoa học mạnh, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu lớn, mang tính dài hạn.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế và xã hội trên mọi lĩnh vực. Vậy hoạt động đào tạo của nhà trường tham gia vào xu thế này như thế nào để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực?

Lĩnh vực giao thông vận tải với xu hướng thông minh – hiện đại đang trở thành mục tiêu phát triển và đào tạo.

Để đón đầu xu hướng và đáp ứng nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực giao thông thông minh-hiện đại, các trường đại học, đặc biệt là UTH, đã và đang triển khai nhiều hoạt động và chiến lược cụ thể như sau:

Cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo

Chúng tôi đã tiến hành cập nhật và xây dựng các chương trình đào tạo mới, tập trung vào các kiến thức về công nghệ giao thông thông minh, hệ thống điều khiển tự động, trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng trong giao thông. Các môn học được thiết kế linh hoạt, tích hợp lý thuyết và thực hành, giúp sinh viên nắm vững kiến thức và có kỹ năng ứng dụng thực tế trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, đại diện các công ty, doanh nghiệp sử dụng lao động.

Hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức

Chúng tôi tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực giao thông thông minh. Việc này không chỉ giúp cập nhật kịp thời những tiến bộ công nghệ mà còn mở ra nhiều cơ hội thực tập, nghiên cứu và việc làm cho sinh viên ngay khi còn đang học, đặc biệt là sinh viên được tham gia học kỳ doanh nghiệp từ 3-6 tháng tại các công trường, nhà máy, dây chuyền sản xuất…

Đầu tư vào cơ sở vật chất và trang thiết bị

Trường đã đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại, trang bị các thiết bị và phần mềm mô phỏng tiên tiến để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu. Các sinh viên có điều kiện tiếp cận và thực hành trên những thiết bị công nghệ mới, từ đó nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề thực tế.

Phát triển đội ngũ giảng viên:

Chúng tôi chú trọng công tác đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, khuyến khích họ tham gia các khóa đào tạo nâng cao, các hội thảo quốc tế và các chương trình nghiên cứu hợp tác. Đội ngũ giảng viên với kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tiễn sẽ truyền đạt tốt hơn cho sinh viên, giúp họ sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai.

Công tác tuyển sinh của nhà trường trong năm 2024 như thế nào thưa ông?

Với nhu cầu nhân lực của ngành giao thông vận tải tăng mạnh trong những năm vừa qua, các dự án giao thông vận tải của đất nước đang triển khai mạnh mẽ (đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, metro, cảng biển, năng lượng tái tạo…), thì đây là thời điểm phù hợp để Trường xây dựng quy mô tuyển sinh đáp ứng nhu cầu nhân lực của ngành. Đặc biệt, Nhà trường chỉ tập trung đào tạo nhân lực cho lĩnh vực giao thông vận tải, không đào tạo các ngành/ chuyên ngành ngoài lĩnh vực này. Bên cạnh đó, với mục đích đảm bảo công bằng xã hội và quyền tiếp cận học đại học của người nghèo, con của các gia đình có thu nhập thấp, công tác tuyển sinh năm 2024 của UTH được thực hiện rất bài bản, chỉn chu và đảm bảo sự đa dạng, phong phú các ngành/ chuyên ngành, các chương trình đào tạo (chương trình chuẩn; chương trình tiên tiến; chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh; chương trình liên kết quốc tế).    

Và thuận lợi rất lớn là UTH luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, các công ty, đơn vị trong và ngoài nước, sự đồng hành của cơ quan báo chí. Đây là thuận lợi để Trường mạnh dạn xây dựng và tuyển sinh các ngành/ chuyên ngành truyền thống, cũng như mở các chuyên ngành mới như Smart logistics; Kỹ thuật Thiết kế vi mạch và Trí tuệ nhân tạo (AI); Công nghệ ô tô số; Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hướng đến góp phần giải quyết bài toán giao thông đặc biệt cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng như đóng góp vào sự phát triển của giao thông vận tải của Việt Nam nói chung.

Cảm ơn ông!

P.V

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)