TS dự thi vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM năm 2014. Năm 2015, đây sẽ là một trong 6 cụm thi THPT quốc gia tại TP.HCM |
Đã quen tổ chức các đợt thi “3 chung” với lượng lớn thí sinh (TS) nên hầu hết các trường ĐH tại TP.HCM khi nhận nhiệm vụ tổ chức cụm thi THPT quốc gia năm 2015 đều không thấy quá áp lực. Sự hỗ trợ của Sở GD-ĐT trong khâu tổ chức cũng giúp các trường thuận lợi hơn rất nhiều.
Được biết, tại TP.HCM, 6 cụm thi do các trường ĐH tổ chức dự kiến sẽ đón khoảng 175 ngàn lượt TS. Bao gồm: ĐH Quốc gia, ĐH Nông lâm, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sư phạm, ĐH Y dược, ĐH Công nghiệp.
Giảm áp lực về địa điểm thi
Mọi năm, các trường ĐH phải vất vả tự thuê mướn địa điểm, chủ yếu là các trường phổ thông và cả giáo viên để tổ chức thi, chấm. Năm nay, công đoạn này trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì được Sở GD-ĐT hỗ trợ thực hiện. Bản thân 6 đơn vị ĐH nhận nhiệm vụ tổ chức cụm thi tại TP.HCM năm 2015 cũng đã có kinh nghiệm tổ chức các đợt thi với khối lượng TS lớn ở các năm qua nên áp lực cũng không đáng kể.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính – Trưởng ban ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM – cho biết: “Bình thường ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức tối đa cho 65 ngàn TS thi hai đợt mỗi năm. Trong đó, đợt đầu đã chiếm gần 50 ngàn TS. Kỳ thi năm nay, theo phân bổ của Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến đón khoảng 45 ngàn TS, con số này hoàn toàn nằm trong khả năng”. Tiến sĩ Chính khẳng định, vì năm nay tổ chức kỳ thi chung cho toàn ngành, không còn chuyện các trường ĐH cạnh tranh nhau về địa điểm thi nữa. Thay vào đó, sẽ có sự điều phối chung giữa các trường ĐH và Sở GD-ĐT, do đó áp lực địa điểm giảm đi hẳn.
Tiến sĩ Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm – cũng ước tính, lâu nay trường đã tổ chức thi cho số lượng dao động từ 36 ngàn đến 76 ngàn TS mỗi năm nên dù lần này cụm thi tại trường có lượng TS khá lớn, khoảng 30 ngàn em, nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Tiến sĩ Lý nói, cùng một số lượng dự thi lớn nhưng mọi năm thường chia thành 2 đợt. Năm nay, toàn bộ TS sẽ dồn vào thi 1 đợt, bù lại trường có thêm hỗ trợ của Sở GD-ĐT và phía các trường phổ thông nên khá yên tâm.
Hết sức thận trọng
Dù không lo ngại ở năng lực tổ chức thi nhưng vì đây là năm đầu tiên nên tiến sĩ Chính cho rằng, đơn vị cũng hết sức thận trọng. Chỉ đơn cử vấn đề thời gian tổ chức, trước kia chúng ta quen thi ĐH trong 2 ngày, năm nay thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia có thay đổi, vì vậy đơn vị cố gắng để hết sức chủ động.
Lo lắng lớn nhất của hầu hết các cụm thi nằm ở khâu chấm thi. “Đối với các môn trắc nghiệm thì không quá áp lực. Riêng các môn tự luận, đặc biệt là toán, văn, vì tất cả TS đều thi 2 môn này nên việc chấm thi có hơi căng thẳng. Đơn vị dự kiến huy động cả giáo viên ĐH lẫn phổ thông tham gia chấm”, tiến sĩ Chính bày tỏ.
Đại diện một cụm thi khác cũng đặt vấn đề, cả nước có hàng chục cụm thi, đòi hỏi có sự đồng bộ nên áp lực thời gian là rất lớn. Chỉ cần cụm nào hoàn thành chấm trễ sẽ ảnh hưởng tiến độ chung trên toàn quốc. Vì vậy mà đây cũng là công đoạn được các trường lưu ý rất kỹ.
Trái với lo ngại trước đây, rằng lượng TS đổ dồn về các cụm thi ĐH quá lớn sẽ dẫn đến khó kiểm soát, đồng thời đẩy áp lực chỗ trọ cho TS và người nhà lên cao, đến nay nhiều đơn vị tổ chức cụm thi đều khẳng định có thể chủ động được. Tiến sĩ Chính phân tích, trong khoảng 175 ngàn lượt TS dự kiến thi tại 6 cụm do trường ĐH chủ trì tại TP.HCM thì đã có khoảng 70 ngàn TS sinh sống ở đây. Chỉ lo vấn đề chỗ trọ cho số TS còn lại đến từ các tỉnh thành lân cận. Riêng TS thi tại khu vực quận Thủ Đức, số lượng chỗ trọ mà ĐH Quốc gia TP.HCM cung ứng có thể đảm bảo đủ.
Tiến sĩ Trần Đình Lý lý giải thêm, trường tổ chức nhiều địa điểm thi tại các trường THPT và ĐH-CĐ trên địa bàn quận Thủ Đức và quận 9 nên áp lực chỗ trọ cho TS và phụ huynh cũng được các trường bạn san sẻ. “Khoảng trên 2 ngàn cán bộ giáo viên, nhân viên của trường, sinh viên năm cuối và lực lượng từ các “trường bạn” đủ sức đáp ứng khoảng 800 phòng thi, tương đương 30 ngàn TS” – ông Lý nói.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Bình luận (0)