Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên: Điều chuyển giảng viên một cách khó hiểu!

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên – nơi nhiều giảng viên bức xúc vì bị điều chuyển công việc một cách khó hiểu

Vừa qua, chúng tôi nhận được đơn thư của tập thể cán bộ giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH KTCN) Thái Nguyên phản ánh những sai phạm của Hiệu trưởng  nhà trường là ông Phan Quang Thế. Được biết từ khi lên nắm quyền (từ đầu tháng 10-2011), ông Thế đã có những việc làm trái khoáy với đội ngũ cán bộ giảng viên của trường.
Ngay khi lên làm Hiệu trưởng, ông Thế đã đưa ra một loạt các quyết định thay thế các quyết định cũ, gây bất lợi cho các nghiên cứu sinh (NCS) là giảng viên của trường.
Làm khó NCS
Theo phản ánh của ông Cao Thanh Long, Phó bộ môn chế tạo máy – Khoa Cơ khí nhà trường, ông Thế căn cứ kết luận cuộc họp ngày 6-1-2012 của Hội đồng thi đua khen thưởng và công tác cán bộ của nhà trường để ra quy định, bắt buộc các giảng viên sau hai năm kể từ khi hoàn thành khóa đào tạo thạc sĩ theo Đề án 322, mới được theo học bậc đào tạo tiến sĩ diện nguồn học bổng nước ngoài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại Trường ĐH KTCN Thái Nguyên có 21 tiến sĩ và phó giáo sư là giảng viên cơ hữu của trường. Với quy định trên, đã có ít nhất hai NCS sẽ không tiếp tục được học tập, nghiên cứu tại nước ngoài để nâng cao trình độ. Và ngược lại, nếu tiếp tục theo học sẽ có nguy cơ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo.
Đó là giảng viên Dương Xuân Thắng (bộ môn chế tạo máy – Khoa Cơ khí) đã hoàn thành khóa đào tạo thạc sĩ vào ngày 31-3-2012, và tiếp tục được nhận làm NCS lấy bằng tiến sĩ tại Trường ĐH RWTH Aachen (CHLB Đức) với thời gian dự kiến là 3 năm kể từ khi kết thúc chương trình thạc sĩ. Thạc sĩ Thắng đã làm đơn xin tiếp tục được làm NCS tại ĐH RWTH Aachen và cam đoan sẽ trở về nước làm việc. Thậm chí, mẹ giảng viên Dương Xuân Thắng, bà Nguyễn Thị Tam đã gửi bản cam kết lên ĐH Thái Nguyên với nội dung: Cam đoan con trai mình sau khi hoàn thành khóa học tiến sĩ sẽ về Trường ĐH KTCN Thái Nguyên công tác, nhưng vẫn không được chấp nhận.
Trường hợp của giảng viên Nguyễn Vôn Dim (bộ môn chế tạo máy – Khoa Cơ khí) cũng tương tự. Được biết, giảng viên Dim sau khi bảo vệ luận án thạc sĩ tại Pháp, tiếp tục dự tuyển và trúng tuyển vào làm NCS tại Trường ĐH Công nghệ Troyes (Pháp)  trong 3 năm. Tuy nhiên, những yêu cầu nâng cao trình độ, kiến thức của hai giảng viên trên đã không được Hiệu trưởng đồng ý.
Trong khi đó, đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020” của Bộ GD-ĐT với mục tiêu: “Tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường ĐH, CĐ của cả nước, phấn đấu đến năm 2020, đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam” và “Tăng cường công tác đào tạo tiến sĩ cả về quy mô và chất lượng, nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy và quản lý ĐH tiên tiến của đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ…”. Phải chăng đề án trên  đang bị xem nhẹ tại Trường ĐH KTCN Thái Nguyên?
Điều chuyển giảng viên không đúng chức năng
Bức xúc nhất liên quan đến vấn đề điều hành của ông Phan Quang Thế phải kể đến việc điều chuyển một số lượng lớn giảng viên của trường làm công việc không đúng chuyên môn. Có 41 giảng viên đã được điều chuyển trong thời gian ông Thế lên nắm quyền. Ông Nguyễn Hồng Quang – vốn là giảng viên bộ môn giáo dục thể chất (thuộc Khoa Cơ bản) bức xúc cho  biết: Từ 1-1-2008, ông được nhà trường ký hợp đồng lao động không thời hạn làm giảng viên bộ môn giáo dục thể chất. Trong quá trình giảng dạy, ông không hề bị kỷ luật gì. Tháng 8-2010, ông thi đỗ cao học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1. Tuy nhiên, đến tháng 11-2011, ông nhận được quyết định điều chuyển sang Phòng Quản trị – phục vụ. Sau khi bị thuyên chuyển, ông Quang được phân công vào Tổ thiết bị và được  giao cho nhiệm vụ quét giảng đường. Theo lời ông Quang, ông phải quét 8 phòng mỗi ngày. Sau một thời gian đấu tranh cũng như được sự giúp đỡ của đồng nghiệp, ông Quang mới được chuyển sang làm nhiều công việc hơn như quét dọn sân tennis, nhà thi đấu, khuân bàn ghế… Cách đây hơn 2 tháng, ông tiếp tục được chỉ đạo thôi không phải quét rác nữa mà được đóng, mở sân nhà thi đấu và dạy kiêm nhiệm 2 lớp.
Còn ThS. Nguyễn Thị Hương trước khi bị điều chuyển là Trưởng bộ môn khoa học máy tính và công nghệ phần mềm. Tốt nghiệp các ngành vật lý năm 1996 loại khá tại ĐH Sư phạm Thái Nguyên, bằng 2 chuyên ngành công nghệ thông tin tại ĐH Bách khoa. Tháng 5-2002 đỗ công chức do Bộ GD-ĐT tổ chức. Tháng 6-2002 đỗ cao học tại ĐH Bách khoa Hà Nội, học theo diện ngân sách Nhà nước. Năm 2004 bảo vệ thành công thạc sĩ và về Trường ĐH KTCN Thái Nguyên công tác. Theo chị Hương, từ khi công tác tại trường chị luôn hoàn thành công việc, được cấp ĐH Thái Nguyên tặng bằng khen. Cho tới tháng 10-2011 thì bất ngờ nhận được quyết định chuyển sang làm việc tại Tổ thư viện với cương vị mới là Tổ trưởng và hoàn toàn không được thông báo trước, cũng như không được biết lí do.
Trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, trước khi bị điều chuyển xuống làm nhân viên quét rác, dọn vệ sinh (Phòng Quản trị phục vụ) đã công tác tại Phòng Đào tạo (trực giảng đường – PV). Công tác hơn 3 năm giờ phải xuống quét rác, dọn vệ sinh chị Thắm cũng không được biết lí do như thế nào. Theo tìm hiểu, một số cán bộ, giảng viên khác cũng bị điều chuyển không đúng với chuyên môn. Cụ thể, bà Vũ Thị Thúy Thảo (Phó trưởng khoa Điện tử) chuyển sang làm Phó trưởng phòng kiêm Giám đốc Trung tâm Tư vấn sinh viên. Quyết định điều chuyển thạc sĩ Phạm Thị Bình (Trưởng bộ môn tiếng Việt) sang làm Tổ trưởng Trung tâm Tư vấn sinh viên. Bà Phạm Kim Thoa, giảng viên bộ môn tiếng Việt chuyển sang làm việc tại Trung tâm Tư vấn sinh viên…
Nhà trường: “Thừa cán bộ nên phải điều tiết”
Đó là lời của ông Nguyễn Như Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH KTCN Thái Nguyên khi làm việc với chúng tôi. Ông Hiển cho rằng, do nhiệm kỳ trước (Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Bình – PV) tuyển quá nhiều nên hiện tại dẫn tới thừa cán bộ. Muốn ổn định thì phải “điều tiết” lại lao động cho phù hợp, tránh chỗ thừa ngồi chơi, chỗ thiếu lao động. Hiện tại, theo ông Hiển trường đang thừa khoảng 130 cán bộ, nếu không có biện pháp điều tiết sẽ khó hoạt động.
Tuy nhiên, “điều tiết” theo cách mà Trường ĐH KTCN Thái Nguyên đang làm, nhiều người cho rằng là “nóng vội”, cứng nhắc. Do vậy, sự việc đã đến tai Bộ GD-ĐT. Ngày 15-12-2011 Bộ GD-ĐT có công văn yêu cầu nhà trường báo cáo sự việc về một số đơn, thư phản ánh.
Ngày 30-12-2011, Trường ĐH KTCN Thái Nguyên có văn bản trả lời Bộ GD-ĐT với nội dung gồm: “Việc luân chuyển cán bộ trong trường, có một số cán bộ khi tuyển chỉ đủ điều kiện làm nhân viên tại các phòng, trung tâm, văn phòng khoa, sau thời gian công tác, cán bộ này đã có bằng thạc sĩ, có đơn xin được kiêm nhiệm giảng dạy và đã được nhà trường đồng ý, thời điểm trước tháng 9-2011, đến nay nhà trường nhận thấy các cán bộ này cần tập trung ở phòng, trung tâm và các văn phòng khoa cho tốt nên đã quyết định cho thôi kiêm nhiệm”. Theo ông Hiển, một số giáo viên được điều chuyển đảm nhận công việc của nhà trường cần trong thời gian này như Trung tâm Tư vấn sinh viên, trưởng, phó phòng thí nghiệm với chức vụ tương đương và cao hơn, các giảng viên này vẫn giữ nguyên ngạch bậc, và vẫn được kiêm nhiệm giảng dạy nếu bộ môn của khoa yêu cầu”.
Tuy nhiên, theo thắc  mắc của ThS. Nguyễn Thị Hương, sau một thời gian có ý kiến vì sao những giảng viên bị chuyển sang công việc mới không được phân khối lượng học kỳ 2 (giảng dạy – PV), hơn nữa theo lời chị Hương, việc bầu bán, chuyển nhiệm kỳ bộ môn mới chỉ tiến hành được vài tháng (tháng 3-2011 bầu lại phó bộ môn), theo nguyên tắc nhiệm kỳ này là 5 năm.
Được biết, sau khi có ý kiến từ cấp ĐH Thái Nguyên, ngày 7-2-2012, Phó hiệu trưởng Nguyễn Như Hiển ban hành một thông báo với nội dung: Phân công giảng dạy và chế độ đối với giảng viên kiêm nhiệm. Phải chăng, đây là văn bản “chống chế” sau khi đã điều chuyển vị trí công tác của các giảng viên trước đó?
(Còn tiếp)
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)