Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường ĐH muốn thi đánh giá năng lực theo nhóm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong trường hợp phải tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ xét tuyển năm 2017, nhiều trường ĐH mong muốn thi theo nhóm để được hỗ trợ khâu đề thi…

Thí sinh thi THPT quốc gia 2016 môn sử tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

Lý do là các trường ngại tự đứng ra tổ chức kỳ đánh giá năng lực riêng vì sợ rủi ro, tốn kém.

Thi chung để giảm chi phí

Năm 2017, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ chính thức trở thành điểm thi của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thí sinh khu vực phía Nam. Đồng thời, trường sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH này để xét tuyển. Ông Nguyễn Xuân Hoàn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết, đây là thỏa thuận hai bên vừa đạt được, tuy nhiên, trong trường hợp nhóm các trường ĐH khu vực TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực thì trường cũng sẵn sàng tham gia góp sức, sử dụng chung kết quả xét tuyển.

Ở khu vực phía Nam, nhiều trường ĐH cùng cho rằng, trong trường hợp phải tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực thì nên thi theo nhóm. Ông Lê Văn Hiển (Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM) chia sẻ quan điểm cá nhân: “Việc các trường ĐH có một bài kiểm tra năng lực chung là hơi khó vì mỗi trường có những đặc thù, ngành nghề đào tạo riêng. Làm một bài thi chung, các trường sẽ thiếu mặn mà, vì bài thi đó không gắn liền với ngành nghề đào tạo của họ. Nếu có thể, nên tiến hành theo nhóm ngành”.

“Tôi mơ ước có một kỳ thi THPT quốc gia công bằng để các trường ĐH không phải sử dụng thêm một công cụ đánh giá nữa. Vì dù sao nó cũng nặng nề, tốn kém cho người học và nhà trường, đặc biệt tổn hại cho thương hiệu của giáo dục chúng ta khi nhìn vào thấy kết quả đánh giá từ bên dưới không được bên trên công nhận. Bởi thực chất, kết quả kỳ thi THPT quốc gia đã trên cơ sở đánh giá năng lực rồi”, ông Trần Thế Hoàng (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nói.

Ủng hộ quan điểm tổ chức thi đánh giá năng lực theo nhóm ngành riêng biệt, ThS. Phạm Thái Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết thêm, nếu có, trường chắc chắn sẽ sử dụng chung kết quả đánh giá năng lực của trung tâm đánh giá nào đó phù hợp bởi để có bộ đề đánh giá năng lực cần đòi hỏi đội ngũ, kỹ thuật, chi phí lớn… Ông Ngô Hồng Điệp (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một) đồng tình, việc các trường tự đơn lẻ đi thực hiện kỳ kiểm tra năng lực sẽ rất khó khăn, chi phí lớn, rủi ro cao.

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM Trần Thế Hoàng khẳng định, trường sẵn sàng tham gia tổ chức đánh giá năng lực theo nhóm, sẵn sàng đảm nhiệm một vài điểm thi, cụm thi không chỉ ở TP.HCM mà cả những địa phương khác, đồng thời cùng ký thỏa thuận công nhận kết quả kỳ thi này. “Khi tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như vậy sẽ hiệu quả về mặt kinh tế và đảm bảo công bằng, tránh tình trạng thí sinh muốn vào trường ĐH nào phải đăng ký ôn thi tại trường đó như trước kia”, ông Hoàng nói.

Cần ngân hàng đề theo từng nhóm, lĩnh vực

Cho rằng không dễ tạo được dữ liệu kiểm tra năng lực như đúng mong muốn của các trường ĐH, ông Ngô Hồng Điệp đề xuất Bộ GD-ĐT giao, chỉ định hoặc tự tổ chức một ngân hàng đề thi đánh giá năng lực theo các nhóm ngành để các trường sử dụng nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác, giảm thiểu chi phí và tránh rủi ro.

Khó tách điểm bài thi ra xét tuyển

Đối với bài thi tổng hợp là khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân), về mặt kỹ thuật, nếu tách điểm từng môn để xét tuyển sẽ rất khó. Cần cân nhắc kỹ vì một bài thi trong cùng thời gian 90 phút với 3 phần lý – hóa – sinh, giả sử thí sinh không làm phần sinh để chỉ tập trung làm 2 phần lý – hóa để đảm bảo xét tuyển thì so với thí sinh làm dàn trải cả 3 phần sẽ định lượng như thế nào?

Đối với bài thi khoa học xã hội, môn giáo dục công dân gắn với khối ngành khoa học pháp lý nhiều hơn, còn khối ngành khoa học xã hội nhân văn hay sư phạm mức đo lường từ giáo dục công dân không lớn nên có thể thí sinh sẽ không tập trung đầu tư môn này. Hoặc trường hợp các trường không lấy môn giáo dục công dân xét tuyển thì thí sinh sẽ chú trọng môn sử, địa… Khi đó, việc đánh giá bài thi cũng bị vênh.

Ông Lê Văn Hiển 
(Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM)

Cũng lo ngại rủi ro trong trường hợp tổ chức kỳ đánh giá năng lực, ông Trần Thế Hoàng đề xuất bộ phận khảo thí của ĐH Quốc gia giúp các trường ĐH được sử dụng một ngân hàng đề chung đánh giá theo từng nhóm, lĩnh vực để đảm bảo khách quan và giảm thiểu sai sót. Ông Hoàng bày tỏ phấn khởi vì vừa qua, Bộ GD-ĐT đã giao hai ĐH Quốc gia hỗ trợ các trường công tác này.

Theo ông Lê Văn Hiển, việc đảm nhiệm kỳ thi đánh giá năng lực có thể ủy quyền cho một tổ chức và tùy thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký có thể phân công trách nhiệm. Chẳng hạn, với số lượng 10 ngàn thí sinh thì sẽ giao cho một vài đơn vị đảm trách. Nếu số lượng nhiều hơn sẽ phân bổ cho các đơn vị trong nhóm trường cùng tham gia tổ chức kiểm tra năng lực. Sau đó, tùy đặc thù, từng trường có thể kết hợp xét tuyển dựa trên kết quả kiểm tra năng lực với kết quả thi THPT quốc gia hoặc chỉ xét kết quả kiểm tra năng lực.

Mê Tâm

 

 

Bình luận (0)