Hiện nay nhiều trường ĐH bắt đầu thông báo xét tuyển bổ sung; tuy nhiên, ở đợt này số chỉ tiêu và số lượng ngành đã hẹp hơn, vì vậy mức độ cạnh tranh để có suất học cũng sẽ không kém căng thẳng.
Thí sinh trúng tuyển đợt 1 năm nay làm hồ sơ nhập học vào Trường ĐH Hoa Sen
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, cơ sở đào tạo không tuyển đủ chỉ tiêu sau xét tuyển đợt 1 được tiếp tục tuyển sinh các đợt bổ sung. Đến nay, ở khối ngoài công lập, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã chính thức “chốt sổ”, không xét tuyển bổ sung. Trong khi tại hàng loạt trường ĐH khác, việc xét tuyển bổ sung sẽ được triển khai cho nhiều ngành.
Có trường xét tuyển bổ sung gần 50 ngành
Theo đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển bổ sung tới 49 ngành với mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm trúng tuyển đợt 1 năm nay. Cụ thể, ngành y khoa xét từ 25 điểm (kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022); từ 8,4 điểm (học bạ); 650 điểm (kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM) và 85 điểm (kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội). Ngành dược học xét từ 21 điểm đối với kết quả thi tốt nghiệp THPT; 8,0 điểm đối với học bạ; 570 điểm đối với kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; 70 điểm với kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Tương tự, điểm xét các ngành y học dự phòng, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học lần lượt đối với các phương thức nói trên là 19 – 6,5 – 550 – 70; ngành giáo dục mầm non là 19 – 8,0 – 600 – 70. Các ngành còn lại, trường xét từ 15 đến 18 điểm.
So với các trường khác, Trường ĐH Hoa Sen là một trong những trường có mức điểm trúng tuyển đợt 1 không cao. Tuy nhiên, do vẫn chưa đủ chỉ tiêu, trường tiếp tục xét tuyển bổ sung tới 33 ngành học. Các phương thức xét tuyển gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét học bạ THPT từ 6,0 điểm trở lên; xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 600 điểm trở lên; xét tuyển riêng theo yêu cầu của ngành.
Trên đây là hai trường có số lượng ngành được xét tuyển bổ sung nhiều, ở các trường ĐH khác, số lượng chỉ tiêu “eo hẹp” hơn. Theo thông báo, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục dành hơn 500 chỉ tiêu xét tuyển bổ sung, nhưng thí sinh chỉ được đăng ký trong khoảng thời gian khá ngắn là 6 ngày, từ ngày 3-10 đến 8-10. Trong đó, chương trình tiêu chuẩn xét bổ sung các ngành: Khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường, bảo hộ lao động, quy hoạch vùng và đô thị, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, golf. Chương trình chất lượng cao xét các ngành: Thiết kế đồ họa, công nghệ sinh học, kỹ thuật điện, kỹ thuật xây dựng. Chương trình ĐH bằng tiếng Anh xét các ngành Việt Nam học, tài chính – ngân hàng, kế toán (chuyên ngành kế toán quốc tế), công nghệ sinh học, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật xây dựng. Chương trình học tại phân hiệu Khánh Hòa xét các ngành Việt Nam học, kế toán, luật, kỹ thuật phần mềm, quản trị kinh doanh, marketing, ngôn ngữ Anh. Chương trình liên kết quốc tế xét các ngành: Quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh quốc tế, kế toán, tài chính – ngân hàng, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM dự kiến xét tuyển bổ sung thêm 20 chỉ tiêu cho mỗi ngành trong 8 ngành sau: Công nghệ vật liệu, công nghệ chế biến thủy sản, quản lý năng lượng, công nghệ kỹ thuật môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật nhiệt, kinh doanh thời trang và dệt may, khoa học chế biến món ăn. Như vậy, đối với những ngành thuộc nhóm thế mạnh đào tạo tại trường là công nghệ thực phẩm, thí sinh gần như rất ít cơ hội xét tuyển nữa. Đợt xét tuyển bổ sung này, trường xét từ ngưỡng điểm trúng tuyển đợt 1 trở lên.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng xét tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu cho 9 ngành với cùng ngưỡng điểm nhận hồ sơ là 15 đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, 3 ngành cùng xét 90 chỉ tiêu là cơ khí ô tô, cơ điện tử ô tô, quản lý cảng và logistics. Các ngành còn lại xét 30 hoặc 60 chỉ tiêu mỗi ngành.
Trường địa phương: Chỉ tiêu sư phạm còn ít
Cũng như mọi năm, trường ĐH địa phương thường phải xét tuyển bổ sung. Năm nay, số chỉ tiêu này lại dành nhiều cho các ngành thuộc hệ ngoài sư phạm; những ngành sư phạm có xét tuyển bổ sung nhưng số chỉ tiêu rất ít. Cụ thể, Trường ĐH Đà Lạt thông báo xét tuyển bổ sung 640 chỉ tiêu cho 32 ngành vào trường, mỗi ngành xét 20 chỉ tiêu. Đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, có 3 mức điểm xét cho các ngành là 16; 16,5 và 18. Bên cạnh đó, trường cũng xét tuyển phương thức học bạ và kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ở đợt này, thí sinh có 2 tuần để đăng ký xét tuyển, từ ngày 1-10 đến 15-10.
Là trường ĐH lớn ở khu vực Tây Nguyên, Trường ĐH Tây Nguyên tiếp tục xét tuyển bổ sung 587 chỉ tiêu cho 22 ngành. Điều đáng chú ý là số chỉ tiêu chủ yếu dành xét cho các ngành khối ngoài sư phạm. Riêng khối sư phạm, có hàng loạt ngành chỉ xét rải rác vài chỉ tiêu. Điều này cho thấy mức độ cạnh tranh để có suất học sư phạm đối với thí sinh ở đợt xét tuyển bổ sung là rất cao. Cụ thể, ngành giáo dục mầm non xét 3 chỉ tiêu; giáo dục tiểu học 1 chỉ tiêu; giáo dục thể chất 10 chỉ tiêu; sư phạm toán và sư phạm sinh cùng lấy mỗi ngành 3 chỉ tiêu; sư phạm ngữ văn 2 chỉ tiêu; sư phạm khoa học tự nhiên 10 chỉ tiêu. Nhiều nhất là ngành kinh tế phát triển xét 68 chỉ tiêu; kế đến là ngành khoa học cây trồng xét 66 chỉ tiêu; ngành công nghệ sinh học xét 53 chỉ tiêu… Mức điểm xét tuyển ấn định riêng cho từng ngành ở từng phương thức, riêng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm thấp nhất là 15, cao nhất là 24,75.
Theo thông báo của Trường ĐH Quy Nhơn, từ ngày 21-9 đến 3-10, trường nhận đăng ký xét tuyển bổ sung vào 25 ngành học. Trong đó, trừ ngành sư phạm tin học xét nhiều nhất (95 chỉ tiêu) thì hầu hết các ngành sư phạm đều xét rất ít. Cụ thể, các ngành sư phạm toán, sư phạm hóa, sư phạm lý, mỗi ngành chỉ xét 6 chỉ tiêu. Ngành sư phạm ngữ văn chỉ xét 4 chỉ tiêu, sư phạm lịch sử 3 chỉ tiêu và sư phạm địa lý 5 chỉ tiêu. Riêng ngành sư phạm mầm non xét 40 chỉ tiêu và sư phạm khoa học tự nhiên xét 45 chỉ tiêu. Ở khối ngoài sư phạm, 2 ngành công nghệ thực phẩm và kỹ thuật xây dựng xét 90 chỉ tiêu. Nhiều ngành còn lại xét từ 20 đến 50 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu ít hơn, số ngành hẹp hơn, thời gian đăng ký xét tuyển khác nhau đối với từng trường, chính vì vậy với đợt xét bổ sung, đại diện các trường lưu ý thí sinh cân nhắc tìm hiểu kỹ thông tin. Trong đó chú ý thời gian, các điều kiện xét tuyển và đặc biệt tránh đăng ký vào ngành không còn chỉ tiêu xét tuyển. Mặc dù chỉ tiêu còn ít nhưng các trường vẫn áp dụng gần như đầy đủ các phương thức xét tuyển như đợt xét trước đó, gồm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia, thí sinh cũng cần xem phương thức nào phù hợp với điểm của mình nhất để lựa chọn đăng ký nhằm tăng cơ hội trúng tuyển.
Thục Trân
Bình luận (0)