Giờ học của SV Khoa Dược, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM. Ảnh: A.KHÔI |
Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các trường trong hiệp hội đóng góp cho dự thảo quy chế tuyển sinh mới của Bộ GD-ĐT. Các trường ĐH, CĐ NCL đều mong muốn quy chế tuyển sinh được mở hơn.
Chọn 3 chung cho đỡ nhiêu khê
Theo ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL, hiệp hội có một số ý kiến đóng góp chuyển tới Bộ GD-ĐT. Trong đó, tự chủ trong tuyển sinh là quyền đương nhiên của tất cả các cơ sở GDĐH. Bộ chỉ cần đưa ra các quy định về công tác này, không nên bắt từng trường phải trình duyệt phương án tuyển sinh thì mới công nhận quyền tự chủ tuyển sinh của họ. Cách làm có thể tương tự như cách bộ đã cho các trường từ năm 2011 được tự quyết định cho mình chỉ tiêu tuyển sinh, bộ chỉ thực hiện hậu kiểm. Bộ cần công bố ngay quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở GDĐH. Bộ chỉ nên xem kỳ thi chung do bộ tổ chức như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở GDĐH. Về vấn đề này, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết trong Luật GDĐH đã quy định các trường được tự chủ tuyển sinh. Đã tự chủ thì không phải trình phương án thi tuyển để bộ duyệt. Vì hiện nay, để được tuyển sinh riêng, trường phải trình phương án trước một tháng để bộ duyệt, để lấy ý kiến của dư luận. Như thế là làm khó các trường. Để cho “đỡ nhiêu khê” chắc chắn các trường chọn 3 chung cho an toàn.
Hơn nữa, theo ông Khuyến, đa số các trường đều muốn chọn phương án xét tuyển. Còn thi tuyển thì không khác gì đánh đố các trường. Trước 3 chung, các trường có thể tổ chức thi riêng nhưng ngày đó có bộ đề của Bộ GD-ĐT. Bây giờ rất nhiều trường khó có thể có đủ điều kiện để ra đề thi riêng.
Ngoài ra, theo PGS. Trần Xuân Nhĩ, để giảm phiền hà và tốn kém cho người học, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam ủng hộ đề án của Bộ GD-ĐT trước đây về nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một.
Nên có một kỳ thi quốc gia
Ông Khuyến cho rằng các kỳ thi tuyển sinh của chúng ta không phải là kỳ thi tiêu chuẩn. Vì mỗi năm mức độ khó dễ của đề có khác nhau. Thế thì không thể có điểm sàn. Đồng ý với quan điểm này, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng xã hội, các trường ĐH và ngay cả Bộ GD-ĐT cũng hiểu không chính xác khái niệm tự chủ tuyển sinh. Có hai khái niệm: Tự chủ tuyển sinh và quyền được tự chủ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh. Vì tổ chức tự chủ một kỳ thi tuyển sinh rất tốn kém. Ông Thiệp cho rằng cần phải bỏ điểm sàn và cho các trường chọn điểm từng môn để phù hợp với nhu cầu đào tạo ngành nghề của mình. Ông Đỗ Văn Trừng, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết trong thiết kế ban đầu đề án 3 chung không có điểm sàn. Ông Trừng cho rằng phải cải tiến kỳ thi phổ thông cho tốt để có cơ sở tuyển sinh. Ông cũng đề nghị, điều kiện cần vào ĐH là tốt nghiệp THPT, ngoài ra còn có các điều kiện đi kèm. Cần phải có một kỳ thi chung quốc gia. Đây là phương hướng cả thế giới làm. Đại diện Trường CĐ ASEAN cũng cho rằng chúng ta cần tiến tới bỏ nhanh kỳ thi ĐH. Vì các nước cũng đã không có kỳ thi ĐH. Lãnh đạo Trường ASEAN cũng cho rằng hiện nay có sân chơi không công bằng giữa trường NCL và công lập. Trường công đào tạo theo nhu cầu của Nhà nước và phải theo quy hoạch vùng miền. Hiện nay, trường công được Nhà nước đầu tư nhưng “bắt” từ cá mập đến con tôm con tép, từ tiến sĩ đến trung cấp, liên thông. Do đó, trường công phải xác định lại ngành nghề và xác định lại chỉ tiêu. GS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng cũng cho rằng kỳ thi ĐH tốn quá nhiều tiền của của nhân dân. Làm sao điểm tốt nghiệp phải đủ trung thực để xét tuyển ĐH. Ngoài ra có thể xét cả quá trình học.
Như vậy, có thể nói, các trường NCL đều có mong phải muốn được xét tuyển đầu vào ĐH. Vì việc tổ chức một kỳ thi rất tốn kém và có quá nhiều vấn đề phải chịu trách nhiệm. Do đó, các trường đều cho rằng bộ nên cho phép các trường được tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Bình luận (0)