Sự kiện giáo dụcTin tức

Trường ĐH phải có diện tích xây dựng 5 hecta mới được hoạt động đào tạo

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Để được phép hoạt động đào tạo, trường ĐH phải có diện tích đất xây dựng tại trụ sở chính tối thiểu là 5 hecta và muốn phát triển thành ĐH quốc gia phải đáp ứng tiêu chí về định hướng nghiên cứu.

Đây là quy định được bổ sung trong dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến đóng góp, nhằm thay thế cho Nghị định số 46 năm 2017 và Nghị định số 135 năm 2018.

Theo Bộ GD-ĐT, các Nghị định 46 và 135 chưa quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, cho phép hoạt động đối với một số loại hình trường và cơ sở giáo dục, như trung tâm GDNN-GDTX, trường dự bị ĐH, trường năng khiếu nghệ thuật…

Trường ĐH phải có diện tích xây dựng 5 hecta mới được hoạt động đào tạo - ảnh 1

Trường ĐH phải có diện tích xây dựng tối thiểu 5 hecta mới được hoạt động đào tạo. B.K

Ngoài ra, trước đó cũng chưa từng có quy định về điều kiện, trình tự, thẩm quyền để phát triển ĐH thành ĐH quốc gia. Trong khi đó, ngày 11.3.2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo “Bộ GD-ĐT khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có bổ sung các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền thành lập đại học quốc gia và phát triển đại học thành ĐH quốc gia" .

Chính vì thế, dự thảo Nghị định này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định 46 và 135 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46), đồng thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định còn vướng mắc, khó khăn để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Đầu tư…).

Để được hoạt động đào tạo, trường ĐH cần có diện tích tối thiểu 5 ha

Cụ thể, về điều kiện thành lập trường ĐH, bổ sung điều kiện có “xác nhận về quyền sử dụng đất”, đồng thời, về điều kiện trường ĐH hoạt động đào tạo, bổ sung quy định “Có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 5 hecta” để phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục ĐH và Luật Giáo dục.

Về đình chỉ hoạt động đào tạo của trường ĐH, phân hiệu của trường ĐH, so với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định đã bổ sung 2 trường hợp bị đình chỉ hoạt động gồm: “Không công khai các điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực đào tạo sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động đào tạo” và “Không triển khai hoạt động đào tạo sau thời hạn 22 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành giáo dục mầm non”, nhằm nâng cao trách nhiệm của trường ĐH trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo.

Khi nào ĐH được phát triển thành ĐH quốc gia?

Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, ĐH quốc gia là “trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển”. Với vị trí và chức năng quan trọng như vậy, việc thành lập và bảo đảm hoạt động cho ĐH quốc gia cần rất nhiều nguồn lực từ Nhà nước.

Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định việc phát triển ĐH thành ĐH quốc gia phải có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền (phương án 1) hoặc chủ trương của Chính phủ (phương án 2).

Đồng thời, đề án phát triển ĐH thành ĐH quốc gia phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tại thời điểm xây dựng đề án, phải được công nhận là ĐH định hướng nghiên cứu.

Theo Bộ GD-ĐT, quy định này nhằm bảo đảm các ĐH muốn phát triển thành ĐH quốc gia phải có đủ điều kiện để trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao.

Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)