Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường ĐH phi lợi nhuận “thuần Việt”: Tại sao không?

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, UBND TP.HCM đã trao quyết định thành lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam. Theo đó, đây là trường ĐH phi lợi nhuận (PLN) đầu tiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, ĐH Fulbright là trường có yếu tố nước ngoài. Vậy tại sao lại không thể có một trường ĐH PLN “thuần Việt”?

ĐH PLN – đòn bẩy thúc đẩy phát triển GD

Trường PLN là gì? Theo TS. Vũ Ngọc Hoàng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW – thì: “Trường PLN chủ yếu là nhìn từ góc độ tài chính đối với hoạt động của nhà trường. PLN tức là lợi nhuận không chia cho cá nhân mà để tăng vốn phát triển nhà trường thành sở hữu chung của cộng đồng xã hội do cộng đồng trường quản lý sử dụng, không phải sở hữu của cá nhân ai, cũng không phải của Nhà nước”.

Cũng theo TS. Vũ Ngọc Hoàng, với quan niệm không chia lợi nhuận cho cá nhân, tất cả các trường công lập (CL) ở nước ta đều là PLN. Nhưng vấn đề là chỗ, nước ta có gần 80% các trường CĐ, ĐH CL. Các trường này được Nhà nước bao cấp, song vì khả năng ngân sách có hạn nên để có được một nền giáo dục (GD) ĐH giá rẻ mà chất lượng cao là khó khả thi. Vì vậy, cần phải phát triển nhiều và mạnh khu vực ngoài công lập (NCL) theo tỷ lệ 50% – 50% thay vì là gần 80% (CL) – trên 20% (NCL) như hiện nay…

Hiện nay các trường NCL của nước ta “đã ra đời và hoạt động tựa như các công ty cổ phần. Điều ấy là một hướng đi đúng, song giới hạn bởi lợi nhuận, các trường này khó có thể đi xa hơn. Muốn trở thành nơi truyền tinh thần tự do khám phá và trách nhiệm xã hội giữa các thế hệ, trường ĐH phải được độc lập và chịu được sức ép can thiệp của cả Nhà nước và thị trường”, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – ĐH Kinh tế TP.HCM – nhấn mạnh. Và theo ông, cần phải có sự xuất hiện của loại hình trường NCL PLN.

“Sự ra đời và tồn tại của trường PLN còn là sự khẳng định GD có sứ mệnh khác, ý nghĩa khác, không phải là ngành thương mại thuần túy. GD là lĩnh vực không thể giao hoàn toàn cho thị trường như kinh tế. Đây cũng là cách thức dần dần hình thành sở hữu xã hội trong lĩnh vực văn hóa – GD. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, các trường PLN đã giải quyết đáng kể vấn đề chất lượng cao, vì họ không bị “thương mại hóa”, không chạy theo mục tiêu lợi nhuận tối đa để chia cho các cá nhân và cơ chế quản trị nhà trường năng động hơn các trường CL. Chất lượng cao của GD chỉ có thể đạt được chủ yếu bằng tâm huyết, công sức, tình yêu, sự say mê của những con người hết sức đáng trân trọng đã đầu tư cho sự nghiệp trồng người chứ không phải bằng mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Vì vậy, các trường PLN cho hy vọng về một chất lượng tốt hơn trong tương lai gần. Và từ đó, thông qua cạnh tranh về chất lượng, các trường NCL không PLN và các trường CL cũng được thúc đẩy cùng nâng cao chất lượng”, TS. Vũ Ngọc Hoàng khẳng định.

“Ngọn cờ” PLN “thuần Việt”

Mặc dù còn phải chờ thủ tục công nhận là trường ĐH không vì lợi nhuận (KVLN) theo quy định gần đây của Nhà nước, nhưng: “Cuối tháng 5 vừa qua, trong buổi làm việc của Thành ủy TP.HCM với Ban Giám hiệu và Hội đồng Quản trị Trường ĐH Hoa Sen, lãnh đạo TP luôn trân trọng những đóng góp của ĐH Hoa Sen vào sự nghiệp phát triển GD của TP. Đồng thời, lãnh đạo TP cũng tiếp tục ủng hộ chủ trương của nhà trường, đó là hoạt động KVLN (hay còn gọi là PLN)”, TS. Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen – cho biết.

TS. Phượng dẫn chứng, năm 1991 Trường Hoa Sen được thành lập dưới sự bảo trợ của UBND TP.HCM. Mục tiêu hoạt động vô vị lợi (KVLN) được ghi trong điều lệ hoạt động của trường và được UBND TP.HCM phê duyệt. Năm 1994, trường trở thành trường bán công và vẫn hoạt động KVLN. Năm 2006, trường thành ĐH và chuyển sang cơ chế tư thục hoạt động KVLN theo Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ. “Tính chất KVLN được thể hiện không chỉ ở Đề án thành lập trường được Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM và các cơ quan Nhà nước khác thẩm định, mà còn được thể hiện ở bản báo cáo minh bạch khi đấu giá cổ phần Trường ĐH Hoa Sen; quy chế tổ chức và hoạt động của trường được Đại hội đồng cổ đông thành lập thông qua vào ngày 3-2-2007”, TS. Phượng nhấn mạnh.

Không những thế, năm 2012, Luật GD ĐH được ban hành, quy định rõ hơn về trường ĐH hoạt động KVLN. Theo quy chế của trường, ĐH Hoa Sen tiếp tục hoạt động KVLN, thể hiện qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013 (tổ chức ngày 11-1-2014) giữ nguyên quy chế tổ chức và hoạt động của trường (với tỷ lệ biểu quyết 100%). Điều này cũng có nghĩa là trường tiếp tục hoạt động KVLN theo quy định của pháp luật: mức cổ tức được khống chế không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ, chênh lệch thu chi từ hoạt động đào tạo của trường là tài sản chung không phân chia. Tháng 3-2014, trường đã có bản cam kết hoạt động KVLN theo quy định của Luật GD ĐH gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Chủ tịch UBND TP.HCM.

Mặc dù vậy, cũng theo TS. Phượng, trong buổi làm việc với trường, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM cũng yêu cầu nhà trường phải làm hồ sơ để công nhận Trường ĐH Hoa Sen là trường PLN. Và hiện nay nhà trường đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ.

Hòa Triều

Bình luận (0)