Mô hình xe đua tiết kiệm nhiên liệu của Khoa Cơ khí động lực đạt giải nhì cuộc thi Shell Eco – Marathon Asia 2015 tại Philippines |
Được đánh giá là cơ sở đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học giáo dục và cung cấp nguồn nhân lực, các sản phẩm chất lượng cao cho xã hội mỗi năm, tuy nhiên, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM vẫn luôn có những bước chuyển mình nổi bật nhằm hướng đến hội nhập quốc tế.
Mỗi năm, trường đón nhận gần 4.000 sinh viên hệ ĐH và CĐ chính quy với chất lượng đầu vào và điểm chuẩn các ngành cao hơn năm trước. Các em luôn được tiếp cận môi trường giáo dục tiên tiến, dưới sự giảng dạy của đội ngũ giảng viên có tâm huyết, chú trọng định hướng trí tuệ sinh viên theo hướng phát triển khoa học công nghệ hiện đại.
Chương trình đào tạo được thiết kế hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, theo hướng tiếp cận CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate), có nghĩa hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. Còn cơ sở vật chất luôn được trường đầu tư, trang bị đầy đủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy học, rèn luyện, thực hành cho từng chuyên ngành. Đặc biệt, hàng năm trường luôn có sự ưu tiên phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mở rộng môi trường vừa học vừa thực hành cao. Trong năm học 2014-2015, thông qua sự tài trợ của chương trình HEEAP, trường đã đưa vào sử dụng phòng dạy học số trị giá gần 6 tỷ đồng với trang thiết bị hiện đại, một số bài giảng sẽ được phát trực tuyến trên server của trường. Trước đó, trong các hoạt động thường niên của trường luôn có sự hợp tác với các công ty Toyota, General Electric, Siemens, Bosch, Intel Việt Nam…, qua đó trường nhận sự hỗ trợ về trang thiết bị học tập hiện đại nhất trị giá nhiều tỷ đồng mỗi năm.
Trong điều kiện học tập đầy đủ tiện nghi, sinh viên luôn được rèn luyện kỹ năng tay nghề, tác phong năng động, sáng tạo, đồng thời nâng cao kỹ năng mềm cho bản thân. Hàng năm, nhiều sinh viên tham gia các cuộc thi khoa học trong và ngoài nước, đạt được nhiều giải thưởng giá trị. Chỉ tính riêng cuộc thi Robocon 2015, trường có 2 đội lọt vào vòng chung kết toàn quốc; cuộc thi Dancing Robot 2014 có tổng cộng 72 đội tham gia tranh tài; cuộc thi Thiết kế LED có tổng cộng 30 đội tham gia tranh tài. Đặc biệt, cuộc thi Shell Eco-Marathon Asia 2015 tại Manila (Philippines), đội CKD-Min 10 của trường đã đạt giải nhì Mô hình cơ sở (nhiên liệu gasoline)… Ngoài ra, nhiều sinh viên còn đạt các giải thưởng cao ở nhiều cuộc thi tài năng khoa học trẻ, Euréka, giải thưởng Holcim Prize…, cũng như sở hữu nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng thực tiễn cao.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng phát biểu tại Lễ khánh thành phòng dạy học số |
Song song với công tác đào tạo chuyên môn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM còn chú trọng phát triển hệ thống quản lý ứng dụng CNTT nhằm tăng hiệu quả, năng suất công việc, giảm thiểu nguồn nhân lực và vật lực trong vận hành hệ thống đào tạo. Đặc biệt chú trọng phát triển hơn nữa năng lực sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên, đặc biệt là sinh viên.
Năm học 2014-2015, trường đã nâng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên không chuyên ngữ là 500 TOEIC và chuyên ngữ là C1, đồng thời cũng đặt chuẩn cho giảng viên không chuyên ngữ là B2 và chuyên ngữ là C2. Hướng đến năm 2018, 50% các môn học chuyên ngành sẽ được giảng dạy bằng tiếng Anh, 100% các môn học có slide song ngữ Anh – Việt.
Những năm qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là đơn vị luôn được đánh giá có môi trường giáo dục năng động, được Tổ chức Phát triển của Hoa Kỳ (USAID) công nhận điều này năm 2010. Theo đó, bên cạnh việc thu hút thêm sự đầu tư về đào tạo, về cơ sở vật chất của các đối tác nước ngoài, trường vẫn luôn duy trì, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ, CHLB Đức, nâng cao vị thế của trường trong cách nhìn của các đối tác. Đây cũng chính là những điều kiện giúp trường hàng năm tiến tới đăng ký đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA (chuẩn đào tạo các trường ĐH khu vực Đông Nam Á). Hoạt động hợp tác quốc tế góp phần đảm bảo chương trình đào tạo đạt chất lượng ngang tầm các chương trình cùng lĩnh vực trong khu vực ASEAN.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (trái) và PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường (phải) – cắt băng khánh thành phòng dạy học số |
Với mục tiêu: “Không ngừng nâng cao chất lượng dạy học, nhằm mang đến cho người học những điều kiện tốt nhất để phát huy tiềm năng sáng tạo, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng đáp ứng nhu cầu xã hội”, trường sẽ tiếp tục đổi mới triệt để phương pháp dạy học, đánh giá trong quá trình triển khai chương trình đào tạo theo CDIO. Phát triển hệ thống trợ lý giảng dạy và tư vấn học tập, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy hiện đại, đặc biệt tiếp tục nâng cao năng lực tiếng Anh của giảng viên và sinh viên nhằm đưa trường phát triển toàn diện, bền vững và hội nhập quốc tế, nhanh chóng lọt vào top 50 trường kỹ thuật hàng đầu của khu vực như tầm nhìn 2020 đã đặt ra.
PGS.TS.NGƯT Đỗ Văn Dũng
(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM)
Thành lập và phát triển đến nay trên 50 năm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM luôn có những bước đi vững chắc, trở thành một trong các trường hàng đầu của Việt Nam và khu vực về đào tạo kỹ thuật công nghệ. Chất lượng đào tạo luôn ở mức cao là nhờ kết hợp hài hòa 3 trụ cột chính: Đào tạo lý thuyết gắn liền với thực hành, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và liên kết với doanh nghiệp để cùng đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Kết quả sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay cao nhất nước, với 95% có việc làm trong vòng 3 tháng. |
Bình luận (0)