Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM : Tuyển sinh ngành mới

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa có quyết định chính thức giao cho Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo ngành giáo dục quốc phòng – an ninh.

Ảnh minh họa

Theo Thanh niên- Bộ GD-ĐT vừa có quyết định chính thức giao cho Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo ngành giáo dục quốc phòng – an ninh, trình độ ĐH chính quy (mã ngành: 52140208).
Trường sẽ tuyển sinh ngành này trong năm 2012-2013, lấy kết quả tuyển sinh ĐH từ thí sinh dự thi khối A, A1, C và D1 với 120 chỉ tiêu.
Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội: Năm 2012 đào tạo cử nhân tài năng
Báo HNM đưa tin- Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) cho biết, bắt đầu từ năm 2012, trường mở hệ đào tạo cử nhân tài năng, lựa chọn từ những sinh viên xuất sắc nhất của trường.
Những sinh viên này sẽ nhận học bổng trên 10 triệu đồng và được thực hành trong các viện nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngay từ năm thứ nhất. Ngoài ra, chương trình đào tạo cử nhân chung của nhà trường được thực hiện theo hệ thống giáo dục Châu Âu với 3 năm ĐH, 2 năm thạc sĩ và 3 năm tiến sĩ, giảng dạy bằng tiếng Anh. Sau một năm đại cương, sinh viên sẽ lựa chọn vào các chuyên ngành gồm: Công nghệ sinh học – dược học, khoa học công nghệ về môi trường, khoa học vật liệu và năng lượng, công nghệ thông tin và truyền thông.
25 trường trung cấp chuyên nghiệp tuyển học sinh tốt nghiệp THCS

Theo HNM- Năm học 2012-2013, trên địa bàn Hà Nội có 25 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) có tuyển HS tốt nghiệp THCS theo phương thức xét tuyển, được tổ chức nhiều đợt trong năm. Sau 3 năm học, HS tốt nghiệp được cấp bằng TCCN hệ chính quy theo quy định của Bộ GD-ĐT; có thể học liên thông lên CĐ hoặc ĐH.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 25 trường này là gần 4.000 HS. Trong đó có nhiều trường có chỉ tiêu trên 200 HS trở lên như trung cấp (TC) Nông nghiệp Hà Nội – 200 HS, TC Kỹ thuật Tin học Hà Nội – 200 HS, TC Kinh tế – Kỹ thuật Bắc Thăng Long – 225 HS, TC Kinh tế – Kỹ thuật Thương mại Hà Nội – 200 HS, TC đa ngành Vạn Xuân – 220 HS, TC Kinh tế – Công nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm – 300 HS, TC Công nghệ Hà Nội – 300 HS; TC Công nghệ Thăng Long – 400 HS, TC Bách khoa Hà Nội – 200 HS…
308 học sinh tham dự Hội thi Tin học trẻ TP Hà Nội
Cũng theo HNM – Ngày 11-6, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở TT-TT TP Hà Nội tổ chức khai mạc Hội thi Tin học trẻ TP Hà Nội lần thứ XVII – năm 2012.
Tham dự hội thi lần này có 308 học sinh đoạt giải ở các cuộc thi cấp cơ sở thuộc 3 khối tiểu học, THCS và THPT. Sau lễ khai mạc, các thí sinh tham gia đua tài theo 4 bảng: phần thi chung khối tiểu học (bảng A) có 130 thí sinh, khối THCS (bảng B) có 98 thí sinh, khối THPT (bảng C) có 38 thí sinh và 42 thiếu nhi thi phần mềm sáng tạo (bảng D).
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, đề thi năm nay phù hợp với trình độ của thí sinh, không nặng về lý thuyết, tập trung đánh giá năng lực thực hành, đề cao tính ứng dụng, sáng tạo của thí sinh.
Dự kiến ngày 16-6 tới, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả, chọn đội tuyển của TP Hà Nội tham dự Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XVIII vào tháng 8-2012 tại tỉnh Lâm Đồng.
Trường công lập nhận học sinh dân lập

Ảnh minh họa

Tờ Thanh Niên đưa tin- Ngày 11.6, Phòng Giáo dục Q.Tân Bình (TP.HCM) công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2012-2013.
Riêng lớp 6, sau khi các trường có chương trình tăng cường ngoại ngữ tuyển sinh xong, phòng sẽ thực hiện xét tuyển học sinh theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 xét tuyển theo nguyện vọng; giai đoạn 2 thực hiện phân tuyến theo địa bàn. Các trường THCS có nhận học sinh của các trường dân lập, cụ thể như sau: Trường THCS Âu Lạc, Trần Văn Đang nhận học sinh Trường dân lập Quốc tế; Lý Thường Kiệt 2 nhận Trường dân lập Thanh Bình; Võ Văn Tần nhận Trường dân lập Rạng Đông. Thông tin chi tiết xem tại www.thanhnien.com.vn.
Giáo viên không muốn làm cán bộ quản lý
Tuổi Trẻ đưa tin- Lãnh đạo ngành giáo dục ở nhiều tỉnh ĐBSCL đang đau đầu vì tình trạng giáo viên giỏi tìm mọi cách né tránh lệnh điều động về làm chuyên viên, cán bộ quản lý ở phòng và sở GD-ĐT.
Theo quy định hiện hành, giáo viên được hưởng tiền đứng lớp, phụ cấp, thâm niên, nhưng khi về sở làm chuyên viên hay cán bộ quản lý thì bị cắt hết các khoản này. Những trường hợp được điều động về sở sau ngày 1-9-2010 cũng chỉ được bảo lưu phụ cấp ba năm, sau đó bị cắt luôn.
Thầy N.V.K. (trưởng phòng của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang) cho biết trước đây ông làm hiệu trưởng một trường trung học thì được hưởng tiền đứng lớp, phụ cấp thâm niên… nên thu nhập tương đối khá. Tuy nhiên, hiện nay thu nhập của ông giảm 4 triệu đồng so với trước. Cũng vì chuyện này mà mới đây thầy L. (hiệu phó rất giỏi môn lý một trường THPT tại TP Mỹ Tho) cương quyết từ chối ghế phó phòng còn trống ở sở.
Tại các tỉnh Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre… cũng có rất nhiều giáo viên giỏi được “nhắm” để đưa về các sở GD-ĐT, nhưng khi nghe tin họ đều tìm cách từ chối, thậm chí nhờ người quen là cán bộ lãnh đạo tỉnh can thiệp. Cũng có người sau khi về sở một thời gian thì cương quyết “từ chức” để trở về trường hoặc dọa sẽ bỏ ngành nếu bị giữ lại sở.
Bà Phan Thị Thu Hà, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng ngành giáo dục sẽ tiếp tục gặp khó trong việc giải quyết tình trạng thiếu chuyên viên và cán bộ quản lý nếu các cơ quan chức năng không có chế độ đãi ngộ. Theo bà Hà, một trong những điều cần làm ngay là nên trả tiền phụ cấp thâm niên cho giáo viên khi điều động họ về sở hoặc phòng GD-ĐT.

Theo GDVN

Bình luận (0)