Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM: Nơi đào tạo công dân tương lai có trách nhiệm với môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM: Nơi đào tạo công dân tương lai có trách nhiệm với môi trường

Trước những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay, Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM (HCMUNRE) xác định hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết; trong đó chất lượng đào tạo là những vấn đề được đơn vị này hết sức chú trọng.

Liên quan đến công tác đào tạo, Tạp chí Giáo dục TP.HCM vừa có cuộc trao đổi với PGS.TS Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về vấn đề này.

PGS.TS Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay thì hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đóng vai trò như thế nào?

PGS.TS Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp thì phát triển bền vững dựa vào kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… trở thành những tiêu chí cho mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ đã ký kết và đang thực hiện hơn 40 công ước quốc tế về bảo vệ môi trường nhằm hướng đến xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững. Trong xu thế này, thực hiện nhiệm vụ chính trị, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ngoài việc tiếp tục duy trì các ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường thì chất lượng đào tạo cho các nguồn nhân lực có trình độ Cử nhân, Kỹ sư, Thạc sĩ của Nhà trường dang được quan tâm.

Cụ thể, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thể hiện như thế nào thưa ông?

Chương trình đào tạo của nhà trường luôn luôn cập nhật theo hướng liên ngành- xuyên ngành, nghiên cứu ứng dụng đáp ứng nhu cầu hiện nay, đặc biệt trong thời kỳ Giáo dục 4.0. Các kiến thức về môi trường không đơn thuần đi riêng mà phải kết hợp với một số kiến thức khác, trong đó có cả văn hóa nhận thức của con người. Đơn cử, một hoạt động về thực hiện quy hoạch một khu công nghiệp đòi hỏi một cử nhân, kỹ sư ngành Quản lí Đất đai ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn về tài nguyên đất, quy hoạch đất còn phải hiểu biết các kiến thức về đánh giá tác động môi trường, về phát triển bền vững… Để từ đó thực hiện quy hoạch được hài hòa giữa các mối quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực đó.

Cũng trên cơ sở này, chương trình đào tạo của nhà trường từng bước điều chỉnh theo quy định của Bộ GD-ĐT thì đầu năm 2021, nhà trường đã tổ chức hội thảo chương trình đào tạo mang tính liên ngành- xuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và theo đó, các chuyên ngành cũng được gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng bền vững.

Trong quá trình học tập, ngoài kiến thức nhà trường sinh viên còn được tham quan, thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp. Sắp tới, sinh viên một số ngành địa chất, khoáng sản được giao lưu, học tập tạp một số trường đại học trong khuôn khổ hợp tác với một số trường đại học châu Á. Việc trải nghiệm thực tiễn sẽ giúp sinh viên rèn luyện tốt các kỹ năng làm việc của mình.

Mặt khác, mỗi chương trình đào tạo như lĩnh vực đất đai, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, môi trường, địa chất, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu,… đều có “sự nhúng” của các chương trình khác liên quan để sinh viên sau khi ra trường có kiến thức liên ngành- xuyên ngành, đáp ứng được yêu cầu khắc khe của nguồn nhân lực thời kỳ CN 4.0, kỹ nguyên số.

Qua công tác xếp hạng đánh giá về chất lượng đào tạo thì Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM năm 2023 đứng vị trí 64/240 trường đại học trên cả nước. Hơn 60% chương trình đào tạo của nhà trường đã được kiểm định. Và trong lộ trình sắp tới sẽ kiểm định tất cả các chương trình ở phạm vi trong nước, sau đó sẽ vươn ra nước ngoài.

Đây là sự đột phá rất lớn. Có được kết quả này còn phải kể đến đội ngũ giảng viên trình độ, nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản từ các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học đầy đủ và hiện đại. Tất cả các chuyên ngành đào tạo của trường được đội ngũ các giảng viên, các nhà khoa học có trình độ chuyên môn, kiến thức thực tế và thâm niên trong nghề tham gia xây dựng và trực tiếp giảng dạy.

Một số ngành nghề được các giáo sư thính giảng người nước ngoài tham gia giảng dạy trực tuyến để chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế về giáo dục và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã trở thành xu thế tất yếu, nhà trường cũng chủ động tăng cường nhiều chương trình hợp tác chiến lược trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học trên thế giới (MOU), từng bước nâng cao phương pháp và nội dung giảng dạy.

Ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn thì sinh viên ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM còn được trang bị ý thức, trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường

Thưa ông, công tác tuyển sinh năm 2024 của nhà trường như thế nào?

Hiện Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM  có 11 khoa và 1 bộ môn. Đối với chương trình sau đại học có 6 ngành, sắp tới mở thêm đào tạo tiến sĩ.

Trong 11 khoa, nhà trường đang xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học với 19 ngành nghề. Hàng năm, xác định theo tiêu chí của Bộ GD-ĐT về nhân lực, cơ sở vật chất nhà trường tuyển 1.800 chỉ tiêu chính quy phân bổ cho 19 ngành nghề.

Trong các ngành nghề, có ngành bao trùm lĩnh vực tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, cũng như thực hiện chương trình đào tạo liên ngành tài nguyên và môi trường gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhà trường đang mở các ngành nghề như quản trị kinh doanh, kinh tế tài nguyên thiên nhiên, quản lý đô thị,…

Có thể thấy, vấn đề ngập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán của Tây nguyên, bảo vệ nguồn nước là vấn đề đòi hỏi các địa phương phải có tầm nhìn giải quyết theo một chiến lược lâu dài. Tương tự, Việt Nam có vị trí địa lý hơn 3.000 km bờ biển nhưng phát huy kinh tế biển cho nền kinh tế của quốc gia chưa được khai thác như logistics, kinh tế biển, du lịch biển…. Do đó, nhu cầu nhân lực ngành tài nguyên nước, quản lý môi trường biển, hải đảo,… thực sự đang rất cần và câu chuyện nguồn nhân lực này cũng đang được đặt ra. Đáp ứng nhu cầu, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tiếp tục từng bước duy trì đào tạo, đáng chú ý, năm nay một số ngành nghề như địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, quản lí môi trường biển đảo bắt đầu có nhiều sinh viên đăng ký.

Có thể thấy, vấn đề môi trường không chỉ giải quyết một sớm một chiều bằng công nghệ mà phải được giải quyết bằng ý thức, trách nhiệm cộng đồng và đó chính là lớp trẻ sinh viên. Ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn thì sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM còn được trang bị ý thức, trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Tôi hy vọng không riêng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mà cả các trường đại học khác đều có quan điểm chủ đạo này trong chương trình đào tạo thì nước ta sẽ có được một thế hệ công dân tương lai có trách nhiệm với môi trường, tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM là trường công lập được quản lý trực tiếp bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng nằm trong hệ thống các trường đại học công lập của Việt Nam, thực hiện đúng các quy định đào tạo của một cơ sở giáo dục đại học công lập. Trường là đơn vị đào tạo đặc thù đi sâu vào lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế bền vững hiện nay.

Trần Ngọc An (thực hiện)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)