Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Sự lựa chọn đúng đắn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Kỳ1:  Môi trường dạy và học hiện đại

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại trường

“Cơ sở chính của trường tại Khu đô thị mới Nam TP, đường Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM là một môi trường hiện đại, đủ điều kiện học tập cho 20 ngàn sinh viên. Đặc biệt, đáp ứng được yêu cầu mới về điều kiện cơ sở vật chất cho sự phát triển trong tương lai; được lãnh đạo các trường ĐH trong nước đến tham quan đánh giá là một trong những trường ĐH đẹp và hiện đại nhất Việt Nam”, bà Trịnh Minh Huyền, Phó hiệu trưởng nhà trường tự hào cho biết.
Trường chuẩn quốc tế
Cơ sở chính của trường (đường Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) có thể sánh ngang với cơ sở ĐH của nhiều trường quốc tế trong khu vực. Trường hiện có hai khối nhà học với những phòng học khang trang, môi trường thoáng mát, đặc biệt sạch sẽ với đầy đủ tiện nghi như hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy chiếu trong và ngoài… Trong nhiều phòng học, sinh viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng được ngồi một bàn, một ghế. Điều này rất thuận tiện cho các em di chuyển, xoay bàn ghế để thảo luận nhóm, tạo các kiểu ngồi đối thoại, vốn rất tốt cho việc học tập của các em.
Lâu nay các nhà tuyển dụng thường chê sinh viên Việt Nam chỉ có lý thuyết. Phần lớn đều phải đào tạo lại thì mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Hiểu được điều này, lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng đặc biệt chú trọng đến việc thực hành của sinh viên và đầu tư cho trang thiết bị thực hành, thực nghiệm. Theo đó, “đến thời điểm này, hầu hết các ngành đào tạo của trường đều có phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thực tập, phòng máy tính mô phỏng thực tế, xưởng chế tác, sản xuất. Các phòng mô phỏng thực tiễn như phòng thực hành nghiệp vụ ngân hàng, thị trường chứng khoán, nghiệp vụ kế toán, nhà hàng khách sạn theo đúng mô hình thực tế của doanh nghiệp bên ngoài, giúp sinh viên ra trường nắm bắt ngay được công việc”, bà Huyền nhấn mạnh.
Bảo đảm cho sinh viên, thầy cô luôn có đủ điều kiện tốt để dạy và học là phương châm của trường. Ngoài 80 phòng thí nghiệm và thực tập các loại; hơn 1.000 máy tính dành riêng cho thực hành tin học; với diện tích 2.700m2 tại cơ sở chính, thư viện nhà trường có Thư viện Truyền thống với trên 10 ngàn tên sách, Thư viện Điện tử với 200 máy tính kết nối internet tốc độ cao, truy cập các cơ sở dữ liệu của quốc tế và trong nước. Các phòng học, hội nghị chuyên dùng đặc biệt hiện đại; trong đó phải kể đến Hội trường đa chức năng với 1.400 chỗ ngồi, lớn nhất TP.HCM hiện nay và có thể tổ chức hội thảo, hội nghị, họp mặt, sự kiện, văn nghệ, các show diễn, khai giảng, tốt nghiệp…; 5 phòng hội thảo quốc tế kiêm phòng học chuyên dụng và nhiều giảng đường đặc thù khác.
Ngoài cơ sở chính, trường còn 4 cơ sở đào tạo khác ở: Q.Bình Thạnh, TP.HCM; TP.Nha Trang, Khánh Hòa; tỉnh Cà Mau; TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, cơ sở tại Nha Trang (Trường TCCN Nha Trang) có diện tích 3ha  được đưa vào sử dụng từ ngày 12-11-2010. Đây là một một cơ sở đào tạo đạt chuẩn. Cơ sở đào tạo tại tỉnh Cà Mau có tổng diện tích hơn 21.000m2, đã chính thức khai giảng năm học đầu tiên vào ngày 15-11-2010. Riêng cơ sở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng có diện tích đất trên 400.000m2 đã giải phóng mặt bằng xong và sẽ sớm được xây dựng. Sau khi xây dựng xong, đây sẽ là một cơ sở học tập và nghiên cứu hiện đại cho các ngành y, dược, điều dưỡng, săn sóc người cao tuổi, khoa học môi trường, công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh…
Ký túc xá cao cấp
Có thể nói, với lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng thì sinh viên là tài sản lớn nhất. Do đó, nhà trường không chỉ đầu tư điều kiện học tập hiện đại, hệ thống thực hành chất lượng cho các em mà còn đặc biệt quan tâm đến nơi ăn, chốn ở và khu vui chơi giải trí…
Mặc dù hình thành và phát triển chỉ mới 16 năm (1997-2013), nhưng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM đã có một vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà. Được trở thành sinh viên của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là niềm tự hào của nhiều thanh niên Việt Nam…
Bà Huyền cho biết: “Khu ký túc xá của trường là hai tòa nhà cao 11 tầng có thang máy (trong đó một tòa dành cho nam và một tòa dành cho nữ), có sức chứa khoảng 2.300 chỗ ở cho sinh viên với đầy đủ tiện nghi như phòng ở đạt tiêu chuẩn, phòng sinh hoạt cộng đồng, phòng giặt đồ, phòng karaoke, hồ bơi, sân tennis, sân bóng rổ, sân bóng chuyền… Khuôn viên của trường rộng rãi với nhiều cây xanh, thảm cỏ. Đặc biệt là dòng kênh chảy ngang được kè bê tông chắc chắn, hai bên là hai hàng cây xanh mát trông rất thơ mộng. Ngoài ra, tháng 8 năm nay, hai công trình là nhà thi đấu đa năng (với khán đài di động 3.000 chỗ ngồi, có thể tổ chức tất cả các giải thể thao quốc tế trong nhà) và sân bóng 7.000 chỗ ngồi sẽ được đưa vào sử dụng; đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, học tập, giải trí của sinh viên nội trú trong một môi trường sinh thái tốt, lành mạnh nhất”.
Theo chân bà Huyền, chúng tôi có mặt tại ký túc xá dành cho nữ. Tùy theo diện tích, mỗi phòng có từ 5-8 sinh viên. Mỗi em được trang bị một chiếc tủ đứng để treo quần áo, một cái kệ đựng sách vở, một cái bàn học có tủ để tư trang. Mỗi phòng đều được trang bị quạt điện, bóng đèn. Thậm chí, ngay cả cây treo đồ, màn cửa, móc treo mùng cho sinh viên cũng được nhà trường trang bị luôn. Ngoài ra, ở mỗi lầu đều có bình nước nóng, lạnh có chứng nhận kiểm định của Viện Pasteur để sinh viên sử dụng; wifi mạng. Nhiều sinh viên nội trú thừa nhận với chúng tôi là khi vào ở trong ký túc xá, các em không cần phải sắm thêm đồ dùng.
Điều an tâm nhất cho các sinh viên mới chân ướt chân ráo ở tỉnh lên TP học là được bảo vệ trước những cạm bẫy, nguy hiểm luôn rình rập các em. Anh Nguyễn Đình Thọ, nhân viên Ban quản lý ký túc xá cho biết: “Ký túc xá không cho người ngoài vào, kể cả là phụ huynh. Mỗi phòng có 1 trưởng phòng, mỗi tầng có 1 trưởng tầng. Mỗi ngày, các trưởng phòng có trách nhiệm báo cáo với trưởng tầng về tình hình sinh viên trong phòng. Mỗi buổi tối, Ban quản lý ký túc xá đều đi kiểm tra các phòng vừa là để điểm danh, vừa để kiểm tra vệ sinh…”.
Không chỉ có vậy, tại tầng trệt của hai tòa nhà đều có cửa hàng tạp hóa, siêu thị nhỏ tiện lợi (mở cửa 7 ngày/11 giờ), căng tin phục vụ nhu cầu của sinh viên, sảnh cà phê, thiết bị nạp tiền điện thoại, Box ATM để rút tiền mặt… Có thể nói, sinh viên nội trú của Trường ĐH Tôn Đức Thắng không cần bước chân ra khỏi cổng trường mà vẫn có thể được đáp ứng tất cả các nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt hàng ngày của mình với giá phục vụ rẻ.
Một điều mới nữa là trong khuôn viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng có một trạm xe buýt tuyến ĐH Tôn Đức Thắng – Bến Thành và Bến Thành – ĐH Tôn Đức Thắng do Sở Giao thông vận tải TP.HCM lắp đặt riêng cho sinh viên, giảng viên của trường. Tuyến xe buýt này tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc đi lại của sinh viên, giảng viên trong trường, cũng như kết nối nhanh giữa cơ sở Tân Phong của trường với trung tâm TP…
Bài, ảnh: Kim Anh
“Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, trong lúc các thí sinh làm thủ tục dự thi, nhà trường đã mời những phụ huynh đứng bên ngoài cổng trường chờ con vào tham quan. Sau khi tham quan xong, nhiều phụ huynh đã khẳng định: “Tôi sẽ cho con học ở trường này, nếu không trúng tuyển ĐH thì học CĐ. Trường đẹp và hiện đại quá!”…”, bà Huyền kể lại.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)