Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Sự lựa chọn đúng đắn: Kỳ 3: Sinh viên được đào tạo toàn diện

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các tân cử nhân, tân kỹ sư trong ngày lễ tốt nghiệp năm 2012

Hầu hết sinh viên (SV) Trường ĐH Tôn Đức Thắng sau khi ra trường đều có việc làm ngay. Thậm chí có nhiều em mới học năm 3, năm 4 đã được các doanh nghiệp “săn đón”. Nguyên nhân là do, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã được đào tạo toàn diện, cả lý thuyết lẫn thực hành, cả kiến thức lẫn kỹ năng sống, tinh thần kỷ luật; giáo dục thể chất…
Được sự tín nhiệm của người sử dụng lao động
Bà Trịnh Minh Huyền, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Có một số khoa, nhà trường thông báo với SV, em nào tốt nghiệp loại giỏi, khá nếu muốn ở lại trường tham gia công tác giảng dạy thì nộp hồ sơ. Vậy mà, nhiều năm trôi qua, hiếm khi tiếp nhận được bộ hồ sơ xin ở lại trường của SV; mặc dù rất nhiều em tốt nghiệp loại giỏi, loại khá. Bởi những SV này đã được các doanh nghiệp, công ty mời làm việc với lương cao hơn…”.
Trong một lần tiếp khách tại một quán nước đối diện Trường TCCN Nha Trang, Khánh Hòa, thuộc Trường ĐH Tôn Đức Thắng, bà Huyền đã bất ngờ khi nghe bà chủ quán nước nói rằng: “Con tôi học trường của cô, ngành khoa học bảo hộ lao động; giờ đây, cháu về làm việc tại Nha Trang trong vai trò kỹ sư bảo hộ lao động cho một công ty nước ngoài có hàng ngàn công nhân; và lương cháu hơn 1.500$/tháng”.
Trường hợp như trên khá phổ biến. Vì được giáo dục trong một trường ĐH có qui trình tuyển lựa, đào tạo, đánh giá khắt khe, kỹ lưỡng; hầu như SV nào của Trường ĐH Tôn Đức Thắng ra trường cũng cứng cáp và rất tự chủ. Khi dự tuyển công việc cùng với SV các trường ĐH lớn hơn, dưới mắt nhà tuyển dụng có thể SV của trường không có lợi thế cạnh tranh thương hiệu mạnh bằng; nhưng khi đã vào làm việc chung, SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng sau 1 năm, được đánh giá cao hơn về tinh thần kỷ luật, thái độ trách nhiệm và chăm chỉ, khả năng phối hợp tốt hơn. Chính chương trình giáo dục 03 (ba) nội dung đạo đức đã rèn các em ngay từ những ngày đầu và liên tục trong những năm tại trường về nghĩa vụ học tập hết mình để báo hiếu cha mẹ, tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm với tập thể và vì sao phải phối hợp hiệu quả với người khác trong công việc. Do vậy, khi đi làm việc, SV trường nhanh chóng thuyết phục được người sử dụng lao động.
Ngày nay, có thể tìm thấy SV Khoa Môi trường và Bảo hộ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở các đơn vị quản lý tài nguyên – môi trường, công an môi trường 24 tỉnh thành phía Nam; SV ngành điện ở các chi nhánh điện từ Ninh Thuận trở vào… Hiện trường đang đào tạo một lớp ĐH ngành điện cho Tổng công ty Điện lực miền Nam; đang chuẩn bị đào tạo lớp thứ hai; với đối tượng học là các cán bộ trong ngành điện tử Ninh Thuận đến Cà Mau. Trong lễ khai giảng khóa 01, lớp trưởng (một trưởng chi nhánh điện lực ở An Giang) đã nói rằng được đến học, và biết về trường này rồi, 2 năm sau nhất định sẽ cho con thi vào trường này.
Sự hãnh diện về nhà trường và văn hóa ứng xử công cộng

Khuôn viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng

SV được giáo dục phải tự hào và có nhiệm vụ duy trì uy tín mà nhà trường đã có. Một trong những điều phải làm để duy trì uy tín của nhà trường là phải có văn hóa ứng xử công cộng.
Hiếm thấy ở nơi đâu cảnh SV xếp hàng trật tự để vào thang máy; kiên nhẫn chờ đợi người trong thang ra trước; thầy, cô vào trước; trong thang máy, đứng sát vách thùng thang thành hình chữ U để trống giữa; và ai nấy đều im lặng như ở ĐH Tôn Đức Thắng.
Tới Trường ĐH Tôn Đức Thắng, mọi người sẽ rất ngạc nhiên bởi khó có thể nhìn thấy rác. Điều này không chỉ bởi nhà trường thuê một số công ty chuyên nghiệp thực hiện việc quét dọn; mà điều chủ yếu là đã giáo dục thành công ý thức giữ gìn vệ sinh chung của SV trong trường. Đó là điều mà không phải SV trường ĐH, CĐ nào cũng có được. Từ ý thức này ở trường, khi ra đời các em sẽ có trách nhiệm hơn với công việc, với bản thân và với xã hội. Sẽ không thể giữ được 11ha khuôn viên luôn sạch và đẹp đến nỗi đã đến chứng kiến rồi là không ai có thể tin là làm được; nếu không có sự tự nguyện hợp tác của SV. SV trường khác đến thăm bạn tại ký túc xá đã phải kinh ngạc và cho rằng chắc mỗi 5 phút người ta phải quét trường một lần mới có thể giữ được trường sạch như thế. Đương nhiên là không thể và không có chuyện mỗi 5 phút quét một lần.
Được giáo dục thể chất và kỹ năng sống
Trường ĐH Tôn Đức Thắng rất quan tâm đến cả việc phát triển thể chất cũng như kỹ năng sống cho SV.
Với hệ thống sân bãi rộng rãi, đặc biệt là các khu tập luyện thể dục như hồ bơi, sân bóng chuyền, tennis, sân bóng rổ, nhà thi đấu đa năng… Trường ĐH Tôn Đức Thắng là môi trường lý tưởng để SV được rèn luyện thể chất.
Bà Huyền cho biết, tất cả các SV đều được tập luyện kỹ năng bơi lội. Ngoài ra, các em được chọn 2 trong số 12 môn thể thao khác đang giảng dạy tại trường. Đó là các môn bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, cờ vua vận động, cầu lông, tennis, karate, Taekwon-do, thể dục, võ Vovinam, võ cổ truyền. Việc đẩy mạnh giáo dục thể chất trong trường học, không chỉ giúp SV có thể lực tốt mà: “Khi các em đã mê các môn thể thao rồi thì sẽ hết mê các trò chơi khác như game online… Qua đó, các em tránh được những cạm bẫy, tệ nạn xã hội”, bà Huyền khẳng định.
Chưa hết, Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn tổ chức cho SV được học giáo dục quốc phòng ngay tại trường chứ  không phải lên khu vực Thủ Đức để học như hầu hết các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.HCM. Tất cả các trang thiết bị phục vụ cho chương trình giáo dục quốc phòng đều được nhà trường trang bị đầy đủ. Thêm vào đó, chương trình giáo dục quốc phòng được các giảng viên giảng dạy theo phương pháp mới, theo đó tạo được hứng thú học tập cho SV. Các em đi học một cách tự nguyện, học thật chứ không phải học theo kiểu đối phó vẫn thường thấy ở SV nhiều trường…
Bài, ảnh: Kim Anh
Những SV ưu tú của trường:  Bì Mai Vy (lớp 08QT1D, Khoa Quản trị kinh doanh): Giải 2 cuộc thi tìm kiếm CEO tương lai năm 2010, SV tiêu biểu năm 2010; Trần Ngọc Lý (lớp 10020102, Khoa Kế toán): Đạt danh hiệu Sao tháng giêng của TW Hội SVVN; nhóm Trương Hương Giang, Nguyễn Phạm Quỳnh Anh và Trần Thị Diễm Châu (lớp 08SH1D, Khoa Khoa học ứng dụng): Giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo trẻ toàn thành 2010; Dương Thị Quỳnh Mai (lớp 10CN2 – Trường TCCN Tôn Đức Thắng): HCB vô địch châu Á 2010, HCV SV Đông Nam Á, HCV vô địch Đông Nam Á 2011; Châu Tuyết Vân (lớp 10CN2 – Trường TCCN Tôn Đức Thắng): HCV vô địch châu Á 2012, HCB SEA Games 2011, 2 HCV giải vô địch thế giới tại Nga 2011…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)