Sự kiện giáo dụcTin tức

Trường ĐH Tôn Đức Thắng: SV “khóc” với đồ án tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Tác phẩm của SV Phan Anh Tuấn “bị” xem là sao chép từ mẫu thiết kế trong bộ sưu tập của Christian Dior

Chỉ một tuần sau khi đăng ký đề tài tốt nghiệp và nhận giảng viên hướng dẫn, các SV khóa 09, Khoa Mỹ thuật công nghiệp (MTCN) Trường ĐH Tôn Đức Thắng “bỗng dưng” được nhà trường thông báo hủy tất cả đề tài, thay vào đó họ phải thực hiện những đề tài hoàn toàn mới…
SV từ chối thiết kế cho trường
Những đề tài mới nhằm mục đích phục vụ cơ sở đang xây dựng tại quận 7 của trường. Cụ thể, ngành đồ họa được giao thiết kế bộ truyện tranh về Bác Tôn, bộ tranh treo dọc hành lang trường, thiết kế bộ poster về cuộc đời sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng… Ngành tạodáng thiết kế thùng đựng rác đặt trong khuôn viên trường, bộ bút viết dành cho SV, giảng viên trường… Ngành nội thất, mỗi SV lựa chọn thiết kế một số hạng mục tại cơ sở Tân Phong của trường. Riêng ngành thời trang, thiết kế đồng phục cho trường. Phản ánh với Giáo Dục TP.HCM, SV khóa này cho rằng: “Đồ án tốt nghiệp là cơ hội để SV sáng tạo, thể hiện thế mạnh và sau khi tốt nghiệp có thể gửi sản phẩm này đến nhà tuyển dụng. Trong khi đó, những đề tài trường đưa ra không phù hợp với quy mô một đồ án tốt nghiệp, thậm chí có những đề tài không nằm trong chuyên ngành mà chúng em muốn được theo đuổi”. Cũng theo ý kiến SV, với ngành MTCN việc lựa chọn đề tài tốt nghiệp phải được bắt đầu sớm, cách thời điểm đăng ký nửa năm. Khi đề tài đột ngột thay đổi, họ không đủ thời gian để thực hiện. Bên cạnh đó, SV còn phải “tự bơi” vì trường không hỗ trợ tư liệu nghiên cứu, SV mất gần một tháng để thu thập tư liệu. 
Liên quan đến chương trình liên kết đào tạo giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng với ĐH Shute (Đài Loan), SV tỏ ra “nghi ngờ” về kết quả đánh giá thực chất dành cho hơn 10 SV tham gia khóa này. SV dẫn chứng, những SV nào có đủ điều kiện kinh tế, đóng lệ phí 80 triệu đồng sẽ được tham gia lớp học vét để hoàn thành hết số tín chỉ còn nợ rồi sang học tại trường đối tác. Ở Đài Loan, số SV này được tự chọn đề tài, được các giảng viên ĐH đối tác hỗ trợ hết mình nên mang về kết quả rất cao. Hầu hết đồ án của nhóm SV này đều xếp loại khá, giỏi trong khi một số đồ án của SV trong nước được xem là ấn tượng hơn lại chỉ được “khá”. Chưa hết, SV không giấu sự “bất bình” khi cho rằng đồ án của SV Phan Anh Tuấn thực hiện tại ĐH Shute là “sao chép” ý tưởng từ mẫu thiết kế của Christian Dior nhưng vẫn được đánh giá cao.
Trường muốn tận dụng “cây nhà lá vườn”
Trao đổi với Giáo Dục TP.HCM hai ngày 8 và 9-9, thầy Vũ Hiền (Trưởng Khoa MTCN) khẳng định trường đã không làm sai so với quy trình ra đề tài và giao đề tài thực tập tốt nghiệp định hướng thực hiện khóa luận tốt nghiệp/đồ án tốt nghiệp tại trường. Theo đó, “quy trình ra đề tài, giao đề tài do trưởng khoa quy định cụ thể và công bố rộng rãi cho SV biết vào trước thời điểm xét điều kiện tham gia hoạt động tốt nghiệp; trong đó có quy định đề tài do giảng viên được phân công hướng dẫn (trên cơ sở có tham khảo ý kiến SV), không được để SV tùy chọn đề tài phòng ngừa tình trạng sao chép các đề tài đã có. Chủ nhiệm bộ môn (ngành) phải duyệt các đề tài do giáo viên hướng dẫn được phân công đề xuất, nếu cần thiết có thể yêu cầu giảng viên điều chỉnh đề tài”. Theo thầy Hiền, đã là thi thì không ai ra đề trước, như vậy mới công bằng. Hơn nữa, khoảng thời gian 4 tháng hoàn toàn đủ để SV thực hiện đồ án. Chỉ SV nào để “nước đến chân mới nhảy” thì mới đáng lo. Những năm qua, trường phát hiện không ít đồ án mà người thực hiện đi sao chép từ “tác phẩm” của các trường bạn hoặc nhờ người khác “phụ giúp”… Chính vì vậy, việc ra đề như năm nay sẽ góp phần loại bỏ được tình trạng trên. Trường lại đang xây dựng nên muốn sử dụng “cây nhà lá vườn” thay vì phải đi thuê bên ngoài. Bên cạnh sự sáng tạo, trường luôn đánh giá cao những tác phẩm có tính ứng dụng. Vì vậy đây được xem là cơ hội để SV được thể hiện mình trong một bối cảnh cụ thể. Bởi những thiết kế này nếu thành công sẽ được sử dụng tại chính ngôi trường các em đã theo học. Thực tế, qua đợt này đã có hai tác phẩm của SV được trường mua lại để phục vụ giảng dạy: bục giảng và bộ bàn ghế học tập cho SV.
Thầy Vũ Hiền cũng nhìn nhận, đây là ngành học khá “tốn tiền” trong khi điều kiện nhà trường chưa thể hỗ trợ SV về nguyên vật liệu. Nhưng trong 4 tháng thực hiện đề tài, nhà trường vẫn lo được xưởng làm việc, cho SV mượn dụng cụ, đưa nghệ nhân đến hướng dẫn SV… Thay vì mọi năm trường chỉ tổ chức 2 lần duyệt bài thì năm nay phải đến 4 lượt. Chính qua những lần duyệt bài này mà không ít đề tài của SV đã được hướng dẫn, điều chỉnh kịp thời.
ThS. Nguyễn Quốc Bảo (Phòng Kiểm định và Giám sát nội bộ Trường ĐH Tôn Đức Thắng) bác bỏ ý kiến cho rằng thiếu sự công bằng trong kết quả đánh giá giữa SV học tại trường và SV tham gia chương trình liên kết đào tạo với ĐH Shute (Đài Loan). Thầy Bảo giải thích, điểm của SV được chấm thông qua cả quá trình họ tham gia học với các tiêu chí: tính chuyên cần, khả năng giao tiếp, sự sáng tạo và tinh thần làm việc nghiêm túc. Tuy nhiên, trường đối tác chỉ đánh giá một phần đối với kết quả đầu ra. Nhóm SV này khi trở về trường phải thực hiện một tiểu luận lý thuyết do chính thầy cô tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng hướng dẫn và chấm điểm. Điểm phần tiểu luận được nhân hệ số 2, cùng với điểm số mà SV đạt được khi bảo vệ đề tài tại ĐH Shute tính trung bình sẽ cho ra kết quả chính thức của SV. Do đó, không thể khẳng định là trường “ưu ái” nhiều quyền lợi hơn cho nhóm SV tham gia liên kết đào tạo.
Cô Nguyễn Thanh Mai (GV ngành thời trang, Khoa MTCN) cũng cho rằng SV đã “nhầm” khi “đánh đồng” tác phẩm của SV Phan Anh Tuấn với mẫu thiết kế của Christian Dior. Khi so sánh hai tác phẩm, khoa thống kê được các điểm khác biệt trong thiết kế của Phan Anh Tuấn. SV này lấy ý tưởng từ nghiên cứu loài rắn và thể hiện khá thống nhất trên thiết kế. Về tạo hình: sự kết hợp giữa mảng hình chữ nhật và hình thang trong hai mẫu thiết kế hoàn toàn khác nhau về tương quan và tỷ lệ. Về phong cách mẫu, trong khi mẫu của Christian Dior sang trọng, lịch lãm, khỏe khoắn thì tác phẩm của Phan Anh Tuấn lại mềm mại với các nếp vải rũ xuống. “Xét về chuyên môn, thiết kế của SV Tuấn không hề có sự sao chép. Tuấn cũng đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng xu hướng thời trang hiện nay nên các mẫu thiết kế trong đồ án đều mang tính hiện đại và hợp mốt. Đây có thể là yếu tố khiến các sáng tác của nhiều nhà thời trang có tính thống nhất, khiến người xem hiểu nhầm” – cô Nguyễn Thanh Mai bày tỏ.
Qua sự việc, phải chăng nhiều SV vẫn chưa tự tin bước ra khỏi lối mòn sẵn có và phải chăng trường sẽ không gặp trở ngại trong việc xóa bỏ tính thụ động ở SV bằng một cách làm hợp lòng khác?
MÊ TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)