Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường ĐH tự in phôi bằng: Nên “ràng” thêm điều kiện?

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận bằng trong ngày lễ tốt nghiệp năm 2014
Với cách vận hành theo hệ thống tín chỉ như hiện nay thì việc cấp phôi bằng theo kiểu cũ đã trở nên lạc hậu, thậm chí còn gây khó khăn cho các trường. Vì vậy, nhiều trường ĐH hào hứng với việc được giao quyền tự quản lý phôi bằng. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nên “ràng” thêm điều kiện hoặc lùi thời gian áp dụng nhằm hạn chế tiêu cực.
Dự thảo thông tư ban hành quy chế quản lý văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các trường ĐH, chủ yếu xoay quanh vấn đề tự quản lý phôi bằng.
Phù hợp học chế tín chỉ
Không chỉ nhiều nước trên thế giới mà ngay cả ở nước ta, việc tự in phôi bằng từ trước đến nay đã được ĐH Quốc gia, kể cả các trường nghề thực hiện. Để triển khai hoạt động này đại trà, TS. Trần Đình Lý – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho rằng, điều quan trọng, các trường phải công khai hệ thống số liệu về sinh viên tốt nghiệp và số hiệu văn bằng. Việc này giúp các nhà tuyển dụng hoặc cơ quan khác có thể dễ dàng kiểm tra, xác minh thông tin khi cần. Nói cách khác, thông qua việc công khai này, nội bộ trường và cả đơn vị bên ngoài đều có thể “chung tay” kiểm soát. Cũng theo TS. Lý, vì hệ thống văn bằng được quản lý bằng số hiệu rõ ràng, do đó rất khó xảy ra tình trạng tiêu cực.
Đồng quan điểm, ThS. Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cũng nhìn nhận, trong dự thảo có yêu cầu các trường công bố số liệu sinh viên nên với vấn đề bằng giả, các doanh nghiệp tuyển dụng không khó để xác minh. “Khi giao quyền tự in phôi bằng, vấn đề của các trường chính là tự chịu trách nhiệm về hoạt động đào tạo. Thương hiệu của các trường sẽ quyết định toàn bộ. Các trường muốn tồn tại phải phụ thuộc vào thương hiệu, đơn vị nào không khẳng định được thương hiệu sẽ tự… chết”, ThS. Sơn phân tích. Nhưng cũng theo ông Sơn, thương hiệu của các trường cũng cần thời gian để định vị, nếu trường nào không thực hiện được cam kết chuẩn đầu ra như đã công bố, người học sẽ phản ứng.
TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cũng chỉ ra những thuận lợi khi giao cho các trường tự in phôi bằng. Cụ thể, các trường đỡ tốn công sức đi mua phôi bằng như thời điểm hiện tại. Đồng thời, khác với đào tạo theo niên chế, thời gian đào tạo theo tín chỉ được kéo dài, do đó số lượng đầu vào và đầu ra có biến động. Cho nên việc báo cáo theo hình thức đầu vào bao nhiêu, đầu ra bao nhiêu các trường không làm nổi. Việc giao quyền in phôi bằng cho các trường rõ ràng giúp các đơn vị đỡ “nhọc công” đi rất nhiều.
Cần “ràng” thêm điều kiện
Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, khi hệ thống quản lý còn yếu, việc giao quyền in phôi bằng cho các ĐH cần “ràng” thêm điều kiện nếu không sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, như tình trạng bằng thật, học giả… Những điều kiện mà các trường đáp ứng phải khách quan và được công luận nhìn thấy, công nhận chứ không phải theo chủ quan đánh giá của một vài người đi phê duyệt. “Vì lo ngại tiêu cực nên cách quản lý của chúng ta từ trước đến nay cứ khư khư theo kiểu “xin – cho”. Hình thức này đã lạc hậu so với cách vận hành của hệ thống tín chỉ, thậm chí còn gây khó khăn cho các trường”, TS. Dũng đánh giá.
Cũng tán thành vấn đề giao cho các trường tự in phôi bằng nhưng TS. Trần Mạnh Thành – Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt – lại cho rằng, việc này cần phải đi kèm với một loạt hoạt động khác như phân tầng, đánh giá… nếu không sẽ gây rối. TS. Thành nhìn nhận, ngay cả hiện nay, phôi bằng đang được quản rất chặt chẽ mà số lượng bằng giả vẫn xuất hiện. Nhiều trường vẫn còn tuyển vượt chỉ tiêu nhiều lần so với năng lực đào tạo, dẫn đến không đảm bảo chất lượng đầu ra, gây mất lòng tin với xã hội. Theo TS. Thành, ngoài ĐH Quốc gia hay những trường ĐH có uy tín khác, rất khó kiểm soát các trường khi tự in phôi bằng. Vì vậy, điều cần làm trước mắt là sắp xếp quy trình, tập trung vào các vấn đề trọng tâm khác. Việc giao các trường quyền tự in phôi bằng cần lùi lại để hệ thống giáo dục ổn định trước đã.
Trong khi đó, TS. Trần Đình Lý quan điểm ngược lại khi cho rằng những trường có bề dày quản lý lâu nay có thể thực hiện ngay, không cần chần chừ thêm nữa. Những trường mới hoặc chưa vận hành tốt thì Bộ GD-ĐT có thể kiểm soát.
Bài, ảnh: Mê Tâm
TS. Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – nói: “Khi giao các trường tự quản lý phôi bằng không có nghĩa là “thả” các đơn vị muốn làm như thế nào cũng được. Thay vào đó, các trường cần đáp ứng một số điều kiện khách quan. Có thể một số trường khi chưa được giao quyền tự in phôi bằng sẽ… tự ái, nhưng quản lý Nhà nước không thể nào vận hành theo sự tự ái được”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)