Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường ĐH Y dược Cần Thơ: Mục tiêu rèn đức – luyện tài

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sinh viên lớp học Khoa Y

Một đêm cuối tháng 6-2012, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ có một ca tai nạn giao thông phải mổ cấp cứu. Nhưng nhóm máu mà bệnh nhân cần thì không còn. Vậy là chuông điện thoại của Huỳnh Thị Thảo Minh, lớp y – B.K35, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hiến máu nhân đạo Trường ĐH Y dược Cần Thơ, reo lên với nội dung cầu viện của bệnh viện.
Nhận được tin, Thảo Minh lật danh sách và tìm ra người có nhóm máu đó: Nguyễn Quốc Thắng, bạn học cùng lớp. Thảo Minh kể: “Lúc ấy gần 2 giờ sáng, em ngại quá, nhưng cứ bấm máy gọi. Không ngờ Thắng nhiệt tình nhận lời, tự lấy xe máy phóng đến bệnh viện. Em cũng đến bệnh viện. Sau khi lấy đủ đơn vị máu cho ca phẫu thuật, em đưa Thắng về nhà. Xong mọi việc, về tới phòng trọ của em thì gần 5 giờ sáng”…
1. Thành lập năm 1997, đây là CLB hiến máu đầu tiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, và mau chóng trở thành trợ thủ đắc lực của các bệnh viện tại Cần Thơ trong công tác cứu người. CLB có 60 thành viên, tất cả được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn lấy máu, truyền máu và 200 tình nguyện viên. Ngoài những dịp hiến máu theo định kỳ, CLB có mô hình hiến máu cấp cứu, đáp ứng yêu cầu của các bệnh viện ở bất cứ thời điểm nào. Nhiều thành viên CLB, khi thực tập lâm sàng tại bệnh viện, trước tình cảnh bệnh viện không có nhóm máu điều trị đã tự nguyện hiến máu cứu người… Hoạt động cao đẹp này đã góp phần cảm hóa sinh viên các trường ĐH khác trong nhận thức về hiến máu. Riêng tại trường, số sinh viên đăng ký tham gia ngày càng đông. Nếu năm 2011, CLB vận động được 246 đơn vị máu, thì năm 2012, chỉ tính đợt hiến máu tổ chức ngày 21-10 có hơn 500 sinh viên tham gia. Đang học năm thứ 4, thường xuyên đi lâm sàng tại các bệnh viện nhưng “thủ lĩnh” Thảo Minh vẫn thu xếp thời gian dành cho CLB. Thảo Minh chia sẻ: “Tham gia hoạt động này em và các thành viên rất vui vì thấy mình được đóng góp phần nào trong công tác điều trị, cứu người. Có những người như anh Đỗ Minh Cường (lớp răng hàm mặt – K.33) đã hiến máu cấp cứu 7 lần, trong đó 3 lần hiến tiểu cầu, nhưng khi Đoàn trường đề nghị khen thưởng thì anh từ chối vì cho rằng đó là trách nhiệm giữa người với người…”. Ngoài CLB Hiến máu, sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội khác, như: Dạy các lớp học tình thương, giáo dục phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em đường phố, tham gia khám chữa bệnh cho bà con vùng sâu vùng xa… ThS.BS Nguyễn Hồng Hà – Bí thư Đoàn trường – cho biết: “Nhà trường có điểm rèn luyện nhưng đa số sinh viên không quan tâm đến điểm này, các em làm vì tấm lòng đối với cộng đồng. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu cũng hỗ trợ, tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều hoạt động thu hút sinh viên tham gia phù hợp với ý thích, năng lực; qua đó góp phần giúp các em rèn luyện kỹ năng, giáo dục ý thức chính trị và đạo đức, lòng nhân ái – một trong các yếu tố quan trọng trong việc hình thành y đức cho sinh viên”.
Theo PGS.TS Phạm Văn Lình – Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ: “Vấn đề chất lượng được nhà trường đặt lên hàng đầu, bởi “nghề” bác sĩ gắn bó trực tiếp với sinh mạng con người nên không thể nói một bác sĩ có y đức nếu chuyên môn kém, hoặc thiếu tấm lòng khi đứng trước nỗi đau của bệnh nhân. Để thực hiện mục tiêu trên, nhà trường luôn khuyến khích sinh viên tham gia những hoạt động xã hội và đầu tư các phương tiện phục vụ việc dạy và học”.

Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ Phạm Văn Lình (thứ 3 từ phải sang) và các đại biểu cắt băng khánh thành bệnh viện của trường

2. Khi mới thành lập (tháng 4-2003), cơ ngơi của trường chỉ có 2 khối nhà của Khoa Y, Trường ĐH Cần Thơ. Do đó, nhà trường phải thuê mướn văn phòng làm khu hiệu bộ, hội trường và phòng học… Năm 2008, trường được Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nâng cấp dự án xây trường lên nhóm A. Từ đó đến nay hàng loạt công trình xây dựng giảng đường và các phòng thí nghiệm liên tiếp khởi công, và lần lượt đi vào sử dụng. Đến tháng 5-2009, trường không còn phải thuê mướn phòng học. Năm 2010, có đủ điều kiện dời toàn bộ số phòng học và các phòng chức năng mượn của Trường ĐH Cần Thơ về cơ sở của trường (đặt tại số 179, đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Khánh, quận Ninh Kiều). Trường cũng được đầu tư gần 30 tỷ đồng trang bị máy móc, phương tiện phục vụ việc dạy và học. Ban giám hiệu trường tạo điều kiện và động viên giảng viên học chương trình sau ĐH. Đến nay, trong tổng số 315 giảng viên thì hơn 70% có trình độ sau ĐH, kết hợp 137 cán bộ kiêm nhiệm và thỉnh giảng thì tỷ lệ sinh viên trên giảng viên là 13. Nhà trường thực hiện đồng bộ đổi mới nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp thi kiểm tra, đánh giá kết quả; tổ chức thi lý thuyết trắc nghiệm bằng hình thức chạy trạm cho gần 50% môn thi lý thuyết. Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi cho từng môn học và học phần… Bên cạnh việc đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, nâng cao kinh nghiệm trong khám phát hiện, điều trị và giảng dạy; đồng thời dành một phần kinh phí để tặng học bổng cho sinh viên. Ngoài việc tạo mọi điều kiện giúp sinh viên nghèo và diện chính sách hưởng các chế độ theo qui định, Phòng Công tác sinh viên và Hội Sinh viên còn tích cực vận động các tổ chức trong và ngoài nước… để có những suất học bổng cho sinh viên. Bà Trần Hoàng Ngôn, Trưởng phòng Công tác sinh viên, bộc bạch: “Những suất học bổng tuy trị giá không nhiều nhưng rất có ý nghĩa trong việc góp phần động viên sinh viên phấn đấu hơn trong học tập, rèn luyện…”.
Trường ĐH Y dược Cần Thơ hiện đào tạo 16 mã ngành bậc ĐH chính qui và không chính qui; 30 mã ngành đào tạo sau ĐH. Qui mô đào tạo 8.000 sinh viên. Trường đã xây dựng các tiêu chí theo 10 tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT và xây dựng chuẩn chất lượng đầu ra cho các mã ngành đào tạo… Đặc biệt, thành tựu nổi bật nhất của trường là đã khai trương và đưa vào hoạt động bệnh viện trường vào cuối năm 2011, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong điều trị bệnh với các kỹ thuật chuyên môn cao; qua đó đánh dấu sự phát triển toàn diện của nhà trường. Qua gần một năm hoạt động, với tay nghề của những bác sĩ bậc thầy về các chuyên khoa, kết hợp hệ thống thiết bị y tế, kỹ thuật hiện đại, và cái tâm của những thầy thuốc – nhà giáo, bệnh viện từng bước trở thành mô hình chuẩn mực về y đức và chuyên môn. Hiện nay một ngày bình quân có hơn 900 bệnh nhân đến khám và điều trị.
3. Dù đạt những thành quả  bước đầu, nhưng theo PGS.TS Phạm Văn Lình, để đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước, trường còn phải phấn đấu nhiều hơn. “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển với lộ trình phù hợp. Trước mắt, chuẩn bị các điều kiện để khởi công xây dựng công trình Khoa Dược và Khoa Răng hàm mặt; thiết kế xong Khu hiệu bộ và Bệnh viện Thực hành giai đoạn II với qui mô 500 giường để có thể khởi công vào năm 2013. Ngay đầu năm 2013, chúng tôi  mở rộng thêm bệnh viện hiện có; triển khai Khoa Ung Bướu và Khoa Tim mạch can thiệp. Đầu tư thêm máy móc, thiết bị để phát triển một số kỹ thuật cao, chuyên sâu; đồng thời tiếp tục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị đảm bảo điều kiện cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên…”, PGS.TS Phạm Văn Lình cho biết.
Bài, ảnh: Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)