Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều phụ huynh đã tỏ ra “thông thái” khi quyết định không chạy đua cho con vào trường điểm.
Trên web Trẻ thơ, chủ đề “bé sinh năm 2005 vào lớp 1”, dễ dàng nhận thấy đề tài chạy trường điểm đã không sôi sục như cách đây vài năm. Thậm chí, một phụ huynh có nick “trongcom” phải lên tiếng thắc mắc: “năm nay không thấy các mẹ có con 2005 bàn tán chuyện cho con vào lớp 1 nhiều như năm trước nhỉ”.
Không phải cứ trường điểm mới là tốt nhất – Ảnh: Ngọc Thắng |
Điều mà phụ huynh đề cập chủ yếu là sẽ dạy cho bé học hành ra sao, cách thức nào tốt nhất để cháu có thể tự tin bước vào lớp 1… Chị HL (khu tập thể Quỳnh Mai, Q. Hai Bà Trưng) là người từng tìm mọi cách để cho cô con gái đầu vào trường điểm LVT của quận, năm nay cậu con trai thứ hai cũng vào lớp 1 nhưng chị đã quyết định không “chạy” nữa mà cho con học đúng tuyến, ở một trường gần nhà. Phụ huynh này cho hay, sau 4 năm học trường điểm, gia đình không nhận thấy điều gì khác biệt ở con gái so với một cháu bé khác học trường “làng” gần nhà. “Cái nhìn thấy rõ nhất là đi học xa xôi, vất vả; học sinh phải luôn cố gắng để giữ thành tích của nhà trường”, chị HL nói.
Còn anh T, nhà ở Nam Thành Công, Q. Đống Đa nhưng cho con học ở một trường dân lập mà không để con học đúng tuyến là trường tiểu học Nam Thành Công vốn là một trường điểm. Anh T nói: “Tôi thấy phụ huynh thi nhau “chạy” cả hộ khẩu về đây để con được học trường này, nhưng tôi không cho cháu vào trường vì sĩ số quá đông, hơn 60 học sinh một lớp thì cô có giỏi đến mấy cũng không thể dạy tốt cho tất cả các cháu được”. Theo chị Bình, nhà A13 Thanh Xuân Bắc thì “với mật độ giao thông và khói bụi như hiện nay mà cứ đưa phải con đi học ở trường điểm xa nhà thì e rằng đứa bé ấy sẽ suốt ngày ốm chỉ vì đi lại chứ chưa nói đến học hành ra sao”. Đồng quan điểm này, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng việc giảm thiểu thời gian đi lại trên đường cho con là một việc cần thiết. Lý tưởng nhất là học ở một trường ở gần nhà, mỗi lớp có khoảng 40 em, thầy cô giáo yêu nghề, yêu trò, phương pháp giảng dạy tốt và dựa trên việc hiểu trẻ chứ không gây áp lực…
Tìm hiểu của PV cũng cho thấy, nếu như cách đây vài ba năm, rất nhiều phụ huynh chỉ có một mục tiêu duy nhất là tìm mọi cách cho con vào các trường danh tiếng, bất chấp xa hay gần, lớp đông hay vắng… Nhưng năm nay các bậc phụ huynh đã có thêm nhiều tiêu chí để lựa chọn như điều kiện bán trú, sĩ số bao nhiêu, phương pháp giảng dạy thế nào, có chú trọng tới kỹ năng sống, tính sáng tạo của học sinh hay chỉ nhồi nhét kiến thức… Thậm chí, có phụ huynh còn “soi” cả “bệnh thành tích” của trường nặng hay nhẹ!
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT cho biết: “Năm nay tôi nhận được ít hơn hẳn những lời “nhờ vả” cho con em vào trường điểm, đó là sự thay đổi đáng mừng”. Tương tự, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT nói: “Tôi cho rằng, phụ huynh đã sáng suốt khi cho con vào lớp 1 của trường đúng tuyến. Kết quả học tập hàng năm cho thấy không có sự chênh lệch đáng kể giữa những trường được mang danh là “trường điểm” và những trường bình thường. Hàng năm, ngoài việc đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất thì Sở GD-ĐT cũng đã yêu cầu các quận huyện thực hiện việc luân chuyển giáo viên giữa các trường để tạo sự đồng đều về chất lượng giảng dạy, tránh tình trạng giáo viên giỏi tập trung nhiều ở một trường”.
Tuệ Nguyễn / TNO
Bình luận (0)