Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường e dè không dám nhận tài trợ, thu quỹ vì áp lực xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường trên địa bàn huyện Hóc Môn không dám nhận tài trợ, không dám thu quỹ ban đại diện CMHS vì áp lực xã hội…


Hiệu trưởng Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn) cho hay, trường e dè không dám tiếp nhận tài trợ, không dám thu quỹ cha mẹ học sinh vì áp lực xã hội

Tại buổi khảo sát của Ủy ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM về các khoản thu dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Hóc Môn sáng 22-3, các trường trên địa bàn huyện Hóc Môn chia sẻ không dám nhận tài trợ, không dám thu quỹ ban đại diện CMHS vì áp lực xã hội…

Trường e dè thu quỹ vì áp lực xã hội

Báo cáo với đoàn khảo sát, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Tô Ký (huyện Hóc Môn) với 2.890 học sinh với 65 lớp học, tổ chức dạy và học 1 buổi/ngày.

Trong năm học, ngoài các khoản thu dịch vụ phục vụ hoạt động giáo dục nhằm giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng sống như học tiếng Anh bản ngữ, tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống, thực hành vi tính, nghề phổ thông, tham quan ngoại khóa…; thu hộ chi hộ thì năm học này trường không thực hiện thu quỹ cha mẹ học sinh và hay vận động các khoản tài trợ.

Chia sẻ câu chuyện thực tế về vận động tài trợ cơ sở vật chất trường lớp theo thông tư 16 tại trường, hiệu trưởng này cho biết, khi vừa mới nhen nhóm vận động lắp máy lạnh cho lớp nhưng ngay lập tức có một phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội phản ánh thu sai quy định, lạm thu, tạo sự e ngại cho nhà trường, trường không dám thực hiện, ngay cả khi sửa nhà vệ sinh…

Ông Nguyễn Văn Hiệp – Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn thông tin, hiện nay các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện thực hiện thu 6 khoản thu, bao gồm thu dịch vụ cho hoạt động giáo dục như dạy học 2 buổi/ngày, tăng cường tiếng Anh, tổ chức học nghề, ngoại khóa, năng khiếu, kỹ năng sống; khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục theo các đề án của UBND TP.HCM như dạy học tích hợp, dạy tin học theo đề án, thu theo mô hình trường tiên tiến; các khoản thu dịch vụ cho hoạt động bán trú của học sinh.

Theo ông Hiệp, vào mỗi năm học khi có văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT, UBND huyện, phòng GD-ĐT triển khai đến các trường lấy ý kiến CMHS và đề xuất mức thu của các khoản thu. Từ đó phòng GD-ĐT, phòng tài chính kế hoạch tham mưu UBND huyện xem xét quyết định mức thu năm học. Trong đó, các khoản thu thỏa thuận đảm bảo hợp lý, phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh, không cào bằng. Với các khoản thu hộ chi hộ, trường lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh để thực hiện.


Trưởng Ban đại diện CMHS Trường THCS Tô Ký đề xuất có cẩm nang Ban đại diện CMHS

“Từ năm 2019-2020 đến nay, phòng GD-ĐT phối hợp với phòng tài chính giữ nguyên mức thu để giảm gánh nặng CMHS. So với văn bản cho phép mức thu của Sở GD-ĐT thì mức thu của huyện là thấp để giảm gánh nặng cho CMHS. Tuy nhiên, thực tế mức thu chưa phù hợp, vừa rồi Bí thư huyện Hóc Môn cũng đã họp với hiệu trưởng các trường phải thay đổi mức thu để phù hợp với tình hình hiện nay” – ông Hiệp nói.

Nhận định về khoản thu quỹ đại diện CMHS trường, ông Hiệp cho biết địa bàn huyện có trường làm, có trường không. Trường làm được thì có quỹ hoạt động để hỗ trợ cho nhà trường chăm lo học sinh. Phòng giáo dục cũng đã triển khai đến Ban đại diện CMHS các trường để hiểu rõ về thông tư 55, biết cái gì làm được, cái gì không…. Riêng thông tư 16, các trường thực hiện theo “chìa khóa trao tay”, hiện vật, trường thành lập ban tiếp nhận.

“Các trường rất e ngại vận động quỹ cha mẹ học sinh trường mà hiện nay đang làm theo mô hình một nhóm phụ huynh có tâm huyết hỗ trợ trường làm công trình giáo dục, các phụ huynh khác nhìn thấy cũng có thêm sự đóng góp cùng chứ nhà trường không kêu gọi vận động, làm thư quyên góp hay cào bằng mức thu. Cách làm này đang được nhân rộng để thực hiện xã hội hoá giáo dục” – ông Nguyễn Văn Hiệp bày tỏ.

Được phép thu theo quy định của Bộ

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn kiến nghị cần có một mức thu chung cho các địa bàn thành phố thì sẽ thuận lợi. Có một mức thu giữa các quận huyện thì giáo viên bớt tâm tư, không so sánh giữa quận này với huyện kia…

Phụ huynh đề xuất có cẩm nang Ban đại diện CMHS

Ông Nguyễn Chí Thành – Trưởng Ban đại diện CMHS Trường THCS Tô Ký chia sẻ, trước điều kiện kinh tế khó khăn do dịch COVID và sự nhạy cảm của xã hội trước việc thu quỹ nên áp lực trong việc thu quỹ cha mẹ học sinh. Ban đại diện CMHS vào làm chứ không biết làm thế nào, không có lớp nào dạy làm ban đại diện CMHS cả. Trong khi đó xã hội luôn có cái nhìn tiêu cực về Ban đại diện CMHS nhưng nếu nhìn ở một góc độ ý nghĩa xã hội thì rất cao, chung tay với xã hội

Theo ông Thành, hiện nay mỗi lớp có quỹ nhỏ riêng để phục vụ liên hoan cho học sinh, giúp đỡ học sinh nghèo trong lớp. Riêng Ban đại diện CMHS trường thì không thu quỹ, ban chấp hành 7, 8 người tự bỏ tiền ra để chung tay tổ chức vào các sự kiện của trường như ngày khai giảng, ngày Nhà giáo Việt Nam…  “Kiến nghị Sở GD-ĐT ban hành cẩm nang về Ban CMHS để đưa xuống các nhà trường, để có sự thấu hiểu hơn rằng ban hoạt động theo quy định của Bộ GD-ĐT, ý nghĩa chứ không phải chỉ là đi xin tiền. Từ sự thấu hiểu đó sẽ huy động được nguồn lực hỗ trợ nhà trường rất hiệu quả, chứ nếu không có sự đóng góp thì rất xót xa” – ông Thành đề xuất.

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM nhìn nhận, việc thu quỹ CMHS được Bộ GD-ĐT cho phép theo thông tư 55. Như vậy, nếu nhà trường không thu quỹ trường mà thu quỹ lớp thì đã đúng chưa, hoạt động của quỹ trong từng lớp đã sát sao chưa, việc quản lý của nhà trường đối với việc thu chi của từng lớp như thế nào…

“Dù thu ở lớp hay trường đều là thu quỹ CMHS, nhưng theo Thông tư 55 thì báo cáo cho ai, ai là người chịu trách nhiệm. Thậm chí ở cùng một trường cũng sẽ có các mức thu quỹ khác nhau giữa các lớp, có thể gây ra phân biệt trong trường, các lớp chạy đua nhau cuối cùng cha mẹ học sinh gánh trên vai gánh nặng” – ông Bình đặt vấn đề.

Ông Bình đánh giá, nếu chỉ cân đối ngân sách để chi cho các hoạt động giáo dục thì ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, thu nhập giáo viên. Các sân chơi trong trường không có sự hỗ trợ của CMHS thì chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí, một số trường vẫn còn nhập nhằng 16 với 55, thu quỹ CMHS nhưng sử dụng để trang bị mua sắm thiết bị, cơ sở vật chất.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)