Trường THCS Cao Xanh nằm trên một ngọn đồi với kinh phí xây dựng 10 tỷ đồng. Được đưa vào sử dụng năm 2008, trường đã ngừng hoạt động gần 2 năm nay, biển báo được tháo xuống, cổng khóa chặt, khuôn viên không một bóng người.
Ngôi trường có quy mô 3 tầng, gồm 15 phòng học, một khu nhà hiệu bộ, có thể đáp ứng được nhu cầu học tập và giảng dạy của trên 500 học sinh và giáo viên.
Xung quanh móng ngôi trường này bị nứt với khe rộng 5-7 cm. Theo người dân, nhiều năm trước khu vực này từng có tình trạng khai thác than "thổ phỉ", nhiều hầm than đào sâu vào lòng núi. Trong đó, có cả khu đồi mà trường THCS Cao Xanh xây dựng.
Tường và trần nhà xuất hiện rãnh nứt rộng từ tầng 1 lên đến tầng 3. Khu vực tầng 1 của ngôi trường có nhiều vết nứt kéo dài. Tại các cột chịu lực chính, các vết nứt chằng chịt đan chéo vào nhau.
Tại khe co giãn giữa 2 khối nhà xuất hiện tình trạng lún, xô lệch rộng 6 đến 7 cm.
Kính của nhiều phòng học vỡ bắn tung tóe. Ông Đỗ Văn Lộc, Tổ trưởng tổ dân phố số 34 phường Cao Xanh, cho biết ngôi trường này đi vào sử dụng từ năm 2008, chỉ một năm sau hiện tượng lún, nứt xuất hiện. Từ năm 2013, do lo sợ tình trạng lún nứt ảnh hưởng tới sự an toàn của học sinh, phụ huynh đã kiến nghị tới các cơ quan chức năng, sau đó toàn bộ học sinh Trường THCS Cao Xanh được chuyển về địa điểm khác cách chỗ cũ gần 4 km.
Ngôi trường bỏ hoang, để cỏ mọc cả trên hành lang lát gạch. Trả lời về hướng xử lý với công trình 10 tỷ đồng này, ông Trần Trọng Trung, Phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long cho biết, sắp tới thành phố sẽ cho tu sửa để bàn giao cho đơn vị khác sử dụng, tránh lãng phí.
Theo ông Trung, phải có thẩm định của chuyên gia mới xác định được nguyên nhân trường bị nứt có phải do than “thổ phỉ” hay không, vì từ thời Pháp thuộc khu vực này đã bị khai thác dưới lòng đất, nên rất khó đánh giá. Trong ảnh toàn bộ bàn ghế của trường đã được chuyển đi nơi khác.
Bình luận (0)