Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường học cần lưu ý phòng chống bệnh đau mắt đỏ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vấn đề này được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đưa ra tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM, do UBND TP.HCM tổ chức chiều 7-9.


Quang cảnh họp báo

Trước dấu hiệu gia tăng bệnh đau mắt đỏ, HCDC lưu ý việc phòng chống lây lan trong các trường học. “Theo số liệu từ các cơ sở điều trị, bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu tăng trong những ngày gần đây nên các trường học cũng cần lưu ý phòng chống lây lan, vì khi mắc bệnh, học sinh phải nghỉ học để cách ly, ảnh hưởng đến việc học hành”, đơn vị này nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia mắt và HCDC, đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm… thì nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc do vi rút Adenovirus, dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp. Người có dấu hiệu đau mắt đỏ cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp.

Biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Chú ý vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.


Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ (hướng dẫn từ Sở Y tế TP.HCM)

Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Cũng theo HCDC, trong tuần qua (28-8 đến 3-9-2023), TP.HCM ghi nhận 792 ca tay chân miệng, giảm 20,6% so với tuần trước và giảm 60,5% so với trung bình 4 tuần trước.

Như vậy tay chân miệng đã giảm 5 tuần liên tiếp từ đầu tháng 8-2023. Trong thời gian sắp tới, việc học sinh đi học lại có thể làm tăng số ca mắc do lây nhiễm trong trường học nên nhà trường phải thực hiện các biện pháp phòng chống theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Trong tuần 35, TP.HCM cũng ghi nhận 298 ca sốt xuất huyết, giảm 24,2% so với tuần trước và giảm 20,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tuy nhiên do TP.HCM đang trong mùa mưa nên nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực như giám sát điểm nguy cơ, loại trừ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi, lăng quăng… thì bệnh dễ có nguy cơ tăng trở lại.

HCDC nhấn mạnh, ngành y tế luôn phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để ngăn chặn lây lan các dịch bệnh trong môi trường học đường.

Sở Y tế, HCDC luôn có văn bản cảnh báo kịp thời và hướng dẫn các biện pháp PCD phù hợp trong trường học, gồm các nội dung: Dấu hiệu nhận biết bệnh; các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm; cách xử trí khi có trường hợp bệnh xuất hiện trong lớp; phối hợp với trạm y tế phường xã xử lý ca bệnh, xử lý ổ dịch trong trường; các nội dung truyền thông trong trường học.

N.Trinh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)