Năm học 2021-2022, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở khối lớp 2 và 6, song song với khối lớp 1. Tại TP.HCM, để chương trình thực hiện một cách hiệu quả, các quận/huyện đang tích cực rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chuẩn bị nhân lực sẵn sàng “chạy” trong năm học tới.
Một tiết học chuyên đề của học sinh lớp 1 trong năm học 2020-2021
Bên cạnh đó, việc tự nghiên cứu, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch, bài giảng các môn học theo SGK mới cũng được các nhà trường gấp rút thực hiện…
Xây dựng bài giảng, nghiên cứu SGK
Rút kinh nghiệm sau năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018, để chuẩn bị tiếp tục triển khai chương trình mới trong năm học 2021-2022 một cách hiệu quả nhất, Trường TH Nguyễn Thái Bình (Q.4) đã tổ chức thiết kế nhiều đồ dùng dạy học phục vụ các môn học. Đáng chú ý, trong số đó có nhiều thiết bị do giáo viên thiết kế nằm trong danh mục mà chương trình mới yêu cầu như mô hình đồng hồ, bộ hình tam giác, hình vuông, hình chữ nhật, hình khối. Ngoài ra còn có một số vật dụng được giáo viên thiết kế thêm, bổ sung trong các hoạt động giáo dục của trường như thẻ đơn vị, bộ chữ cái, âm vần, mô hình học về số, trò chơi đổ xúc xắc. Thầy Lê Ngọc Phong (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, ngay sau khi UBND TP.HCM công bố danh mục SGK chương trình mới sử dụng cho năm học tới, công tác nghiên cứu SGK đã được giáo viên nhà trường khẩn trương thực hiện. Tập trung xây dựng kế hoạch bài giảng theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, đáp ứng đúng theo yêu cầu và mục tiêu của chương trình mới. “Các bản SGK điện tử giúp thầy cô thuận lợi trong quá trình tự nghiên cứu, bồi dưỡng. Cùng với việc nghiên cứu SGK, nhà trường cũng thực hiện rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng nào tận dụng lại hay tự thiết kế được giáo viên cùng thực hiện”, thầy Phong nói.
Thời điểm này, công tác chuẩn bị triển khai chương trình mới ở khối lớp 6 cho năm học 2021-2022 được Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) tập trung thực hiện. Cô Kiều Nguyệt Hương Liên (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, ngoài việc tập huấn SGK theo hình thức trực tuyến, giáo viên nhà trường đã tự nghiên cứu bản SGK điện tử, từng tổ bộ môn thực hiện việc sinh hoạt, tiếp cận xây dựng bài học theo chủ đề, chủ điểm, nghiên cứu bài dạy. Ngữ liệu tham khảo cũng được thầy cô tính toán, xây dựng ngân hàng, nhằm mở rộng kiến thức cho học sinh… “Với Chương trình GDPT 2018, học sinh sẽ không còn tiếp nhận kiến thức một cách thụ động mà việc tiếp nhận kiến thức sẽ thông qua chính các hoạt động giáo dục trong bộ môn được giáo viên tổ chức. Do vậy, mỗi hoạt động tổ chức, giáo viên đều phải có sự tính toán nhằm hướng đến mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Để làm tốt mục tiêu này, đòi hỏi giáo viên phải có sự nghiên cứu sâu trong từng bài học mới có thể giảng dạy theo hình thức cá thể hóa, tiếp cận được từng đối tượng học sinh”, cô Liên cho biết.
Cùng với nghiên cứu SGK, Trường THCS Nguyễn Văn Linh cũng rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy theo danh mục phục vụ chương trình mới, đảm bảo có đủ nhân lực, vật lực thực hiện chương trình mới.
Để khó khăn không là rào cản
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong năm học 2021-2022, Q.1 dự kiến trang bị cho mỗi trường một phòng học thông minh với tổng giá trị đầu tư toàn quận trên 50 tỷ đồng. Các trường trên địa bàn quận đang gấp rút xây dựng gói mua thiết bị để có thể kịp sử dụng trong năm học tới. Tại Q.4, bà Phạm Thúy Hà (Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.4) thông tin, thời điểm này các trường trên địa bàn quận thực hiện rà soát lại trang thiết bị theo danh mục trang thiết bị của chương trình mới. Ngoài các trang thiết bị bắt buộc để thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhiều trường cũng tăng cường tự thiết kế đồ dùng dạy học để làm phong phú hơn quá trình giảng dạy, đáp ứng tốt hơn với mục tiêu chương trình. “Năm học 2021-2022 là năm thứ hai triển khai Chương trình GDPT 2018, vì vậy các trường đã có kinh nghiệm hơn trong việc tận dụng, mua sắm và thiết kế trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy. Căn cứ vào danh mục SGK mới, từng trường sẽ có phương án cụ thể để tự thiết kế, bổ sung đồ dùng dạy học, phù hợp với đối tượng học sinh của trường”, bà Hà cho biết.
Học sinh được chia nhóm thảo luận một vấn đề giáo viên đưa ra
Q.12 là địa phương luôn chịu áp lực lớn về sĩ số học sinh đầu cấp khi mỗi năm quận này tăng cơ học trên 20.000 dân, kéo theo số lượng học sinh tăng ở ngưỡng cao. Sĩ số học sinh/lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận luôn ở mức vượt chuẩn, ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả khi triển khai Chương trình GDPT 2018, SGK mới. Trước những khó khăn này, ông Khưu Mạnh Hùng (Trưởng phòng GD-ĐT Q.12) cho biết, trong năm học 2021-2022, quận vẫn giữ phương án học 6 buổi/tuần để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Trong đó, toàn quận ưu tiên phòng học cho khối lớp 1, 2 và 6 thực hiện Chương trình GDPT 2018, SGK mới, làm sao tăng tỷ lệ học sinh các lớp này được học 2 buổi/ngày. “Do điều kiện về cơ sở vật chất hạn chế trong khi sĩ số học sinh lại tăng cao nên giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018, SGK mới trên địa bàn quận rất áp lực, bởi vừa phải đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu chương trình, vừa sâu sát từng đối tượng học sinh. Mặc dù vậy, để những khó khăn này không trở thành rào cản cho mỗi trường thực hiện tốt chương trình mới, địa phương luôn khuyến khích nhà trường và giáo viên cần đẩy mạnh nghiên cứu SGK, nghiên cứu bài học, linh hoạt và chủ động khi thực hiện chương trình”, ông Hùng cho hay.
Trong khi đó, tại Q.Tân Phú, trước áp lực về sĩ số học sinh cao nên tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày luôn ở mức thấp. Để khắc phục khó khăn này, hiện quận đã xây dựng phương án giảng dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp cho các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018, SGK mới, hướng tới mục tiêu học sinh được thụ hưởng tốt nhất hoạt động giáo dục trong chương trình mới, đảm bảo phát triển tối đa phẩm chất, năng lực học sinh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)