Trước những diễn biến mới phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch cho việc dạy trực tuyến. Nhiều trường học tại TP.HCM đã khởi động lại hệ thống dạy học trực tuyến, xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2021 và chuẩn bị cho HKII.
Việc dạy trực tuyến đang được các nhà trường “kích hoạt” lại, sẵn sàng triển khai nếu dịch diễn biến phức tạp (hình minh họa)
Sẵn sàng ứng phó
Trước tình hình dịch bệnh, ngay cuối tuần qua Trường THCS Minh Đức (Q.1) đã họp và lên phương án khởi động lại hệ thống dạy học trực tuyến trên Ms Teams. Theo đó, bắt đầu từ thứ hai đến thứ tư tuần sau, nhóm giáo viên tin học nhà trường sẽ hướng dẫn học sinh dùng tài khoản cá nhân đã được nhà trường cấp để đăng nhập và tham gia vào lớp học. Lớp nào không có tiết tin từ thứ hai đến thứ tư cũng sẽ được giáo viên tin học tập huấn. Đối với giáo viên các bộ môn khác, các tổ chọn một thời điểm phù hợp để họp tổ, tự kích hoạt tài khoản, thực hiện các thao tác mở lớp, điều khiển lớp học, đảm bảo giáo viên nào cũng có thể tổ chức dạy trực tuyến ngay khi cần. Tổ trưởng và tổ phó chuyên môn sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng chuyên môn của các tiết dạy học trực tuyến. “Nếu tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, buộc phải dạy trực tuyến, thì thầy cô sẽ dạy từng lớp theo thời khóa biểu hiện hành của HKII, không áp dụng dạy trực tuyến theo nhóm như những lần trước. Do đó, đòi hỏi mỗi giáo viên cần chủ động xây dựng kế hoạch bài giảng cũng như lường trước được các kịch bản để sẵn sàng đứng lớp ngay khi được yêu cầu”, cô Trần Thúy An – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) cũng đang lên kế hoạch dạy học trực tuyến để nhằm chủ động ứng phó nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tạo tâm thế chủ động cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Theo lãnh đạo nhà trường, do đã có kinh nghiệm triển khai từ những đợt dịch trước cộng với tâm thế giáo viên đã chuyển đổi rất nhiều trong giảng dạy, nhiều giáo viên đã đưa dạy học trực tuyến trở thành phương thức giảng dạy thường xuyên, kết hợp với dạy học trực tiếp ngay tại lớp nên nhà trường “hoàn toàn tự tin khi triển khai trong đợt này”. “Trường đã triển khai mô hình lớp học đảo ngược ngay từ đầu năm và đây là một trong những phương án nằm trong kế hoạch chiến lược của nhà trường nên bây giờ dạy online là chuyện bình thường, chỉ có một điều khó là giáo viên hiện tại đang dùng Google classroom là chính, chưa có một hệ thống riêng để quản lý chung”, thầy Ngô Hùng Cường – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên cho hay.
Riêng đối với học sinh khối 12, thầy Cường cho biết, nhà trường đã sớm khởi động hệ thống hỗ trợ học sinh thi đánh giá năng lực (ĐGNL) bằng việc xây dựng kênh thông tin với mô hình là một nhóm học tập (dùng tính năng “group” của Facebook), học sinh được cung cấp thông tin, kiến thức về kỳ thi ĐGNL và tương tác với nhóm giáo viên hỗ trợ thông qua việc hỏi – đáp. Giáo viên phụ trách từng môn hỗ trợ nghiên cứu đề thi ĐGNL, xây dựng các chuyên đề ôn tập, hướng dẫn học sinh ôn tập và xây dựng được ngân hàng đề của môn mình phụ trách. “Trên tinh thần là mọi kế hoạch đều phải hoàn thành trước thời gian học sinh nghỉ Tết Nguyên đán. Tận dụng lợi thế của mạng xã hội, CNTT, giáo viên chủ động xây dựng, thiết kế giảng dạy trực tuyến theo thời khóa biểu. Làm sao để học sinh, phụ huynh không hoang mang về việc học trước tình hình dịch bệnh”, thầy Cường nhấn mạnh.
Không quá hoang mang
TP.HCM là địa phương có tinh thần chuyển đổi số mạnh mẽ. Đối với ngành giáo dục, việc chuyển đổi số không chỉ phát huy hiệu quả trong việc chuyển đổi phương thức giảng dạy từ những đợt dịch trước mà quan trọng là giúp nhà trường, giáo viên luôn có sự chủ động thích nghi trước mọi biến động.
“Ngay từ đầu năm, trường đã đưa việc dạy học trực tuyến thông qua hệ thống dạy học 789.vn trở thành một trong những phương thức cho giáo viên mỗi bộ môn, kết hợp với dạy học trực tiếp. Vì thế, nếu tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, giáo viên nhà trường cũng hoàn toàn chủ động được. Đồng thời học sinh cũng đã quá quen với phương thức này nên các em cũng không hoang mang”, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) thông tin.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), lãnh đạo nhà trường cho hay, đầu tuần tới sẽ họp với tổ trưởng, tổ phó chuyên môn các bộ môn, xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, “kích hoạt” lại tinh thần của giáo viên. “Học sinh toàn trường đã có tài khoản học trực tuyến ngay từ đầu năm nên bây giờ, nếu việc dạy trực tuyến phải đưa vào thì giáo viên, học sinh cũng luôn chủ động, không quá hoang mang hay khó khăn gì. Việc dạy trực tuyến sẽ được tính toán triển khai theo thời khóa biểu môn học, đồng thời kết hợp áp dụng linh hoạt với từng đối tượng học sinh”, cô Vũ Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trường THPT Bùi Thị Xuân cũng đã có quyết định cho gần 100 học sinh, giáo viên nhà trường nghỉ học, tự cách ly tại nhà từ tối ngày 29-1 do một phụ huynh của học sinh lớp 10A6 đi trên chuyến bay VN213 (chuyến bay có ca dương tính với Covid-19). Qua xét nghiệm lần 1 thì phụ huynh này đã cho kết quả âm tính. “Với những học sinh đang được cách ly tại nhà, nhà trường cũng đã có phương án dạy học trực tuyến cho các em. Với giáo viên cách ly, thầy cô sẽ chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy cho học sinh trong môn học của mình theo hình thức phù hợp nhất”, cô Dung bổ sung.
Từ kinh nghiệm của các lần dạy trực tuyến trước, cô Dung cho rằng, điều quan trọng nhất để việc học trực tuyến có hiệu quả không chỉ nằm ở việc chuẩn bị của nhà trường, chủ động của giáo viên mà còn là ý thức học tập của học sinh. “Nhà trường sẽ có sự phối hợp với phụ huynh để cùng giám sát, đốc thúc việc học của học sinh nếu phải áp dụng học trực tuyến”, cô Dung nói.
Tương tự, lãnh đạo Trường THCS Minh Đức cho biết, nhà trường đã có kinh nghiệm dạy trực tuyến từ những lần trước, học sinh toàn trường kể cả học sinh khối lớp 6 cũng đều đã được cấp tài khoản và được hướng dẫn, một số giáo viên nhà trường vẫn đang dạy song song cả trực tuyến lẫn trực tiếp… nên không khó khăn lắm khi khởi động lại phương thức dạy học trực tuyến. “Việc nhà trường kích hoạt lại hệ thống dạy học trực tuyến là tạo tâm thế chủ động cho giáo viên, đồng thời mong muốn rằng phụ huynh, học sinh nhà trường không quá hoang mang đối với việc học trước diễn biến của dịch. Quan trọng nhất vẫn là tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch, học sinh luôn có ý thức tự học tại nhà…”, cô Trần Thúy An – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)