Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường học gồng mình chống dịch bệnh: Bài 1: Kinh hoàng khi trường có dịch

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Phạm Minh Hiếu rửa tay cho các bé lớp Cơm nát (lớp có 3 trẻ bị TCM) Trường MN 1, Q.5 (ảnh chụp ngày 12-4)

Dịch bệnh xuất hiện, trường học biến thành bệnh viện (BV), giáo viên kiêm bác sĩ và ôsin. Đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, loay hoay với cloramin. Thời gian còn lại thì dán mắt vào cháu, một thay đổi nhỏ cũng không được bỏ qua. Đây là cơn ác mộng của không ít trường mầm non (MN)…
Nhớ lại giai đoạn điểm lẻ của trường (899 Nguyễn Trãi) có học sinh mắc bệnh tay chân miệng (TCM), cô Ngô Thị Mỹ Linh – Hiệu phó Trường MN 14B, Q.5 tâm tư: “Cháu thường ủ bệnh từ ở nhà, vào trường mới phát và lây cho các bạn. Trường học bây giờ không chỉ là nơi giữ trẻ mà còn là một BV nữa. Giáo viên đã quá tải, khi có dịch lại càng quá tải”.
Cô giáo… chuyên khoa TCM
Theo hướng dẫn của ngành y tế thì giáo viên phải biết phát hiện bệnh sớm để ngăn chặn sự lây lan. Theo đó, hầu hết giáo viên MN hiện nay đều có thêm chuyên môn chẩn đoán bệnh TCM. Đơn cử như cô Nguyễn Thị Vinh, lớp Cơm nát Trường MN 14B, Q.5 có kinh nghiệm phát hiện sớm bệnh TCM ở trẻ không thua gì một bác sĩ.
“Sáng 14-2, khi đón L.H.M từ phụ huynh, thấy bé vẫn bình thường. Ăn sáng xong, bé vẫn vui chơi. Nhưng đến 9 giờ thấy bé kỳ kỳ nên tôi lại kiểm tra chân, tay thì phát hiện có chấm đỏ. Kêu bé hả họng ra thấy có hai nốt đỏ. Gọi điện cho phụ huynh đưa bé đi khám bệnh tại BV Nhi đồng 1, bác sĩ cho biết bé bị TCM. Ngày hôm sau (15-2), buổi sáng đón bé T.Tr.Kh thấy vẫn khỏe mạnh. Ăn xế xong (hơn 2 giờ chiều), thấy bé không còn quậy như mọi ngày nên kêu bé hả họng ra và phát hiện có hai mụn. Gọi phụ huynh đưa bé đi khám, bác sĩ cho biết bé bị TCM. Bé T.Tr.Ph em song sinh của Kh cũng bị TCM ngay sau đó. Đến ngày 16-2, khoảng 8 giờ, phụ huynh đưa bé Tr.Ng.Ph.A tới, kiểm tra thì thấy có chấm đỏ ở chân nên nói phụ huynh đưa cháu về. Đi khám BV Nhi đồng 1, bác sĩ nói bé bị TCM”, cô Vinh nhớ lại. Trước đó, ngày 13-2, lớp Cơm nát có hai bé nghỉ do mắc bệnh TCM. Mặc dù ngày 10-2 (thứ 2) cả hai vẫn đi học bình thường.
Bé B.Ng.K.A (lớp Cơm thường Trường MN 14B, Q.5) bị TCM cũng là do cô giáo Đào Thị Bạch Yến phát hiện. Cô Yến kể: “Ngày 13-2, bé K.A đi học và sinh hoạt bình thường. Gần đến giờ về buổi chiều, tôi phát hiện bé có mấy mụn ở tay nên gọi phụ huynh tới đưa bé đi khám tại BV Nhi đồng 1 và phát hiện bé bị TCM”.
Trường MN 1, Q.5 cũng có 3 bé bị TCM, trong đó có 1 bé được giáo viên phát hiện. “Đó là bé M.Q, sáng 19-3, tầm soát sức khỏe của bé thì không phát hiện gì. Đến khoảng 9 giờ thấy bé hơi chậm so với ngày thường, mắt đỏ, sờ thì thấy ấm đầu nên cách ly bé. Đến trưa, phát hiện tay bé nổi mụn. Gọi phụ huynh tới đưa bé đi khám và phát hiện bị bệnh TCM”, cô Phạm Minh Hiếu – lớp Cơm thường 3 cho biết.
Pha cloramin… mòn cả da tay
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP, tính đến cuối tháng 3-2012, toàn TP có 25 trường MN và 1 trường tiểu học có học sinh mắc bệnh TCM. Trong đó, 10 trường có từ 2 ca bệnh trở lên. Theo quy định của ngành y tế, những trường này đều phải đóng cửa các lớp có học sinh mắc bệnh trong thời gian 10 ngày.
Gần đây nhất là lớp Cơm nát (cơ sở 3) Trường MN 9, Q.3 được nghỉ 10 ngày từ 27-3. Buổi sáng cùng ngày, một học sinh của lớp đã tử vong do mắc bệnh TCM tại BV Nhi đồng 2. Mặc dù trước đó, ngày thứ 6 (ngày 23-3) bé vẫn đi học bình thường. Cứ tưởng cháu nghỉ 10 ngày thì cô cũng được nghỉ, nào ngờ… Cô Đặng Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng Trường MN 9, Q.3 cho biết: “Hai cô giáo của lớp Cơm nát vẫn phải vào trường để vệ sinh khử trùng lớp học và đồ chơi của trẻ trong suốt thời gian cháu nghỉ”.
Việc vệ sinh khử trùng lớp học khi có dịch không hề đơn giản chút nào. Cô Hiếu – lớp Cơm thường 3 Trường MN 1, Q.5 (lớp có 3 học sinh bị bệnh nên nghỉ 10 ngày) kể lại: “Việc đầu tiên là quét nhà, lau bằng nước sạch, sau đó lau bằng dung dịch cloramin. Đồ chơi cũng vậy, lau bằng sạch, ngâm dung dịch cloramin trong thời gian 15-20 phút rồi rửa lại bằng nước sạch và phơi khô. Không chỉ lớp có ca bệnh mới phải khử trùng mà các lớp xung quanh cũng phải làm vậy, sau khi cháu đã về hết”.
Bình thường thì các trường MN vẫn phải khử khuẩn bằng dung dịch cloramin nhưng mỗi tuần chỉ làm một lần. Khi có dịch thì ngày nào cũng phải làm và nồng độ cloramin cao gấp 5 lần bình thường. Với nồng độ này, nhiều giáo viên… bệnh luôn.
Cô Yến – Trường MN 14B, Q.5 giơ hai bàn tay ra và nói: “Dù đã đeo tới hai bao tay nhưng vẫn bị thuốc ăn mòn cả da, còn nổi cả chấm đỏ. Mặt đeo khẩu trang nhưng da căng cứng, mắt cay, mũi thì bị viêm. Nhớ lại khoảng thời gian đó mà muốn bệnh…”.
Bác sĩ Nguyễn Tài Dũng – phụ trách công tác y tế trường học, Sở GD-ĐT TP cũng thừa nhận: “Đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các trường, nhiều giáo viên đưa hai bàn tay lở hết cả da ra thấy tội lắm”.
Và các cô giáo MN sẽ còn phải khổ dài dài khi mà ngành y tế vẫn chưa khống chế được dịch bệnh TCM!
Bài, ảnh: Hòa Triều
LTSTừ năm 2011 đến nay, tình hình dịch bệnh tay chân miệng ngày càng diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu rơi vào trẻ dưới 5 tuổi. Theo đó, các trường mầm non luôn chịu áp lực nặng nề về công tác phòng, chống dịch bệnh…
 

Bình luận (0)