Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường học gồng mình chống dịch bệnh: Bài 2: Trăm dâu đổ đầu… giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi buổi sáng, khi đón cháu, cô Nguyễn Thị Vinh (phải) lớp Cơm nát Trường MN 14B, Q.5 đều tầm soát sức khỏe của trẻ

Về công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM), thầy thuốc nói sao, thầy giáo làm vậy. Thế nhưng học sinh vẫn cứ mắc bệnh, không ít lớp học phải đóng cửa. Và mọi phiền toái đổ hết lên đầu giáo viên…
Cháu không khỏe, gọi điện cho phụ huynh tới đưa con đi khám. Phụ huynh cứ chần chừ đến khi đi khám bác sĩ nói bệnh nhẹ là đưa vào trường. Giáo viên không nhận trẻ thì phụ huynh trách móc, nếu nhận, ngành y tế lên án. Không ai khổ bằng giáo viên, nhất là những ngày cao điểm của dịch bệnh.
Phụ huynh thiếu hợp tác
Ở trường mầm non (MN), mỗi ngày 1 lớp có 3-5 học sinh nghỉ học là chuyện bình thường. Nhưng từ khi dịch bệnh TCM “tràn về” thì chuyện này không bình thường chút nào. Theo yêu cầu của ngành y tế, cô giáo phải gọi điện cho từng phụ huynh hỏi lý do tại sao trẻ nghỉ. Nếu nghỉ vì bệnh thì phải hỏi là bệnh gì, đã đi khám bác sĩ chưa. Việc gọi điện không chỉ diễn ra vào ngày đầu tiên trẻ nghỉ mà ngày nào trẻ chưa đi học thì ngày đó giáo viên còn phải “làm phiền” phụ huynh.
Với những phụ huynh dễ tính thì vui vẻ trả lời, ngược lại thì cáu gắt. Cô Nguyễn Thị Thanh Vân (giáo viên lớp Mầm 1, Trường MN Tuổi Xanh, Q.Tân Bình kể lại: “Thấy cô giáo hỏi thông tin của cháu nhiều, phụ huynh nổi quạu: Cô giáo hỏi làm gì mà hỏi nhiều thế, thậm chí có phụ huynh còn la: Cái gì mà hỏi hoài vậy…”. Cô Nguyễn Thị Tám (Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, Q.11) cũng cho biết: “Cháu nghỉ, cô gọi cho mẹ, mẹ không bắt máy. Cô gọi cho ba, mẹ la cô: “Sao cô giáo cứ gọi điện cho chồng tôi hoài vậy”…
Không chỉ có vậy, việc tầm soát sức khỏe của cháu vào mỗi buổi sáng cũng không dễ chút nào. Mắt cô quan sát cháu, miệng cô trao đổi với phụ huynh. Để hoàn thành nhiệm vụ bất khả kháng này, “Giáo viên phải nhìn mặt phụ huynh mà chống dịch. Phụ huynh nào khó tính thì phải hỏi thật khéo léo”, cô Phạm Minh Hiếu, giáo viên lớp Cơm thường 3, Trường MN 1, Q.5 tâm sự.
Nhưng khổ nhất vẫn là trẻ bệnh ở trường, kêu phụ huynh tới đưa đi khám. Có phụ huynh không thèm nghe máy, hoặc nghe rồi để đấy, đợi đến giờ nghỉ trưa, hay tan tầm buổi chiều mới vào trường. Trước khi đưa con về, nhiều phụ huynh còn phản ứng gay gắt hoặc tranh cãi với cô giáo. Đơn cử như phụ huynh bé T.Tr.Kh lớp Cơm thường Trường MN 14B, Q.5, khi cô giáo báo là trẻ có thể mắc bệnh TCM (do cô phát hiện có hai mụn ở trong miệng và chảy nước dãi) thì nói: “Không phải bệnh đâu, cháu đang mọc răng đấy”…
Ngành y tế “quây”
Ở bậc MN, học mà chơi, chơi mà học. Do vậy, trong từng trường, từng lớp không thể thiếu đồ chơi. Nhưng khổ nỗi, một trong những vật truyền bệnh TCM lại chính là đồ chơi.
Cô Nguyễn Thị Tám (Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, Q.11) cho biết: “Y tế xuống trường kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh TCM, có bác sĩ đã nói: Cháu không chết vì không được chơi đâu mà chết vì dịch bệnh. Nghe họ nói vậy, mình cũng không thể không suy nghĩ. Nhưng, nếu không cho trẻ chơi đồ chơi thì tội lắm. Chẳng lẽ vì dịch bệnh mà cứ bắt các cháu ngồi ì một chỗ”.
Tới những trường đã xảy ra dịch bệnh TCM, phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM đều ghi nhận sự mệt mỏi của giáo viên trước các đoàn kiểm tra. Từ đoàn y tế thành phố, rồi y tế quận, huyện và y tế phường, xã. Các thầy thuốc hỏi các thầy giáo về công tác phòng, chống dịch cứ như hỏi… cung.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD-ĐT Q.3 bức xúc: “Khi Trường MN 9, Q.3 có học sinh bị TCM, nhà trường phải tiếp rất nhiều đoàn y tế. Họ hỏi cái này, chỉ trích cái kia khiến giáo viên bị áp lực nặng nề, mặc dù trẻ bị bệnh ở nhà chứ không phải ở trường”.
Vấn đề bức xúc hiện nay của các trường là ngành y tế đòi hỏi giáo viên phải làm hết việc này đến việc khác, còn ở gia đình và cộng đồng thì sao?
“Ở trường, mỗi ngày cô rửa tay cho cháu cả chục lần. Trước khi cháu vào lớp, trước khi  ăn, trước khi ra về đều rửa tay; sau khi cháu đi vệ sinh, sau khi chơi cũng phải rửa tay… Nhưng về nhà, phụ huynh có rửa tay cho cháu không hay lại để con bốc bãi lung tung. Ở trường, ngày nào các cô cũng làm vệ sinh, lau rửa đồ chơi từ 2-3 lần, mỗi tuần khử khuẩn bằng dung dịch cloramin 1 lần. Còn ở nhà, phụ huynh có làm được như vậy không? Trên thực tế, trẻ mắc bệnh từ nhà chứ không phải ở trường. Hai ca đầu tiên của trường đều bị ở nhà. Thứ sáu (ngày 9-2), cả hai em đều đi học bình thường. Thứ hai (ngày 13-2), phụ huynh gọi điện báo cháu bị bệnh TCM. Y tế địa phương phải giám sát ở cộng đồng dân cư, chứ cứ để trẻ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào trường rồi lại đổ hết trách nhiệm cho giáo viên, các cô khổ lắm”, cô Ngô Thị Mỹ Linh – Phó hiệu trưởng Trường MN 14B, Q.5 tâm tư.
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)