Xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu được ngành GD-ĐT TP.HCM hướng đến trong năm học này. Để trường học hạnh phúc không là khẩu hiệu suông, cần sự nhìn nhận đúng đắn của mỗi nhà trường.
Xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu mà ngành GD-ĐT TP.HCM hướng đến trong năm học này (ảnh minh họa)
Hiện thực hóa phương châm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”
Với mong muốn bắt đầu một năm học mới vui tươi, hứng khởi, thay vì tổ chức những hoạt động khô khan trong buổi lễ khai giảng, lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) đã mời các ca sĩ nổi tiếng về giao lưu cùng học sinh, mang đến cho các em trọn vẹn một ngày vui. Điều đặc biệt là hoạt động này do chính học sinh của trường đề xuất. Bằng những hoạt động sôi nổi, sáng tạo để học sinh được thể hiện mình, Trường THPT Nguyễn Du trở thành ngôi trường ngày càng có sức hút với học sinh. Theo đó, mỗi năm trường tiếp nhận thêm trên dưới 200 hồ sơ học sinh xin chuyển về trường ở cả 3 khối 10, 11 và 12. Trong khi đó, số học sinh của trường xin chuyển đi thì gần như bằng không, ngoại trừ những em đi du học. Con số này đủ để suy nghĩ về một môi trường giáo dục theo đúng mơ ước của học sinh. “Khi học sinh vui thích với các hoạt động của trường, thấy được rằng ban giám hiệu nhà trường rất lắng nghe, luôn sẵn sàng làm những điều tốt nhất cho học sinh thì các em sẽ yêu thích và tự hào về chính ngôi trường của mình. Điều này bước đầu sẽ hiện thực hóa mong muốn “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui””, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) chia sẻ.
Theo thầy Phú, trường học hạnh phúc hiện nay không còn là một khẩu hiệu chỉ để hô lên, càng không phải là những hoạt động ngoài tầm với mà thực chất đơn giản chỉ là niềm vui của học sinh, của đội ngũ thầy cô giáo mỗi ngày đến trường. Để làm được điều này thì cần đến nhiều yếu tố, song quan trọng nhất là cần phải cởi bỏ được những áp lực cho học sinh, cho giáo viên. Thầy Phú thẳng thắn đưa ra 10 tiêu chí giúp xây dựng nên trường học hạnh phúc, đó bao gồm các tiêu chí về điểm số, phương pháp dạy học, môi trường học tập cho học sinh… “Thầy cô giáo phải luôn ghi nhận những tiến bộ của học sinh, dù là nhỏ nhất để khuyến khích các em có sức bật trong học tập. Đừng ngại ngần trong việc cho điểm cộng để động viên học sinh, tạo điều kiện để các em có nhiều cột điểm rồi lựa điểm tốt lấy, đây là cách nhìn nhận sự cầu thị và nỗ lực của học sinh. Đặc biệt, để học sinh hứng thú với môn học thì mỗi thầy cô giáo phải ý thức được việc thay đổi phương pháp dạy học, cần tôn trọng cách học và xử lý bài tập của học sinh, không được đề cao hoặc bắt buộc phải giải đúng cách của mình, là biểu hiện của tiêu cực. Ngay trong cách phê bình của giáo viên với học sinh cũng cần phải có văn hóa và tính giáo dục cao, tuyệt đối không xúc phạm các em”, thầy Phú phân tích.
Một tiêu chí nữa của ngôi trường hạnh phúc, theo thầy Phú là việc nhà trường, giáo viên phải thẳng thắn đối thoại với học sinh. Lắng nghe cả những phản biện của các em. Nghe xong là phải giải quyết. Tránh sau đối thoại các em phải chuyển lớp, chuyển trường thậm chí rơi vào trầm cảm. “Việc tạo ra một môi trường với nhiều sân chơi, câu lạc bộ, đa dạng các hoạt động công tác xã hội để học sinh trải nghiệm, vui chơi, học tập cũng là cách xây dựng nên một trường học hạnh phúc. Hiện nay, trường học không chỉ là nơi để các em học toán, học văn nữa mà còn để vui chơi, rèn luyện, trưởng thành; để các em yêu cuộc sống và có trách nhiệm với chính mình nhiều hơn”, thầy Phú nhấn mạnh.
Mỗi thầy cô giáo hạnh phúc trong… ngôi trường học hạnh phúc
Khi nhìn nhận về trường học hạnh phúc, ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết càng trong đổi mới giáo dục thì trường học hạnh phúc càng cần được hướng đến. Nó là hành trình và là đích đến của bất cứ ngôi trường nào. “Trường học hạnh phúc là khi mỗi thầy cô giáo trong ngôi trường đó được hạnh phúc. Ở đó, thầy cô giáo được an tâm với nghề, sống được với nghề. Ở đó, mỗi ngày học sinh đến trường đều là một ngày vui, các em được có các cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của mỗi thầy cô giáo, mỗi nhà trường thì còn cần đến sự chung tay của xã hội, trao cho thầy cô giáo một vị thế đúng với sứ mệnh của mình”, ông Hiếu chỉ rõ.
“Trường học hạnh phúc hiện nay không còn là một khẩu hiệu chỉ để hô lên, càng không phải là những hoạt động ngoài tầm với mà thực chất đơn giản chỉ là niềm vui của học sinh, của đội ngũ thầy cô giáo mỗi ngày đến trường”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) nói. |
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền (giáo viên khối 1 tại một trường tiểu học ở Q.Bình Tân) chia sẻ, “vị thế đúng với sứ mệnh của mình” là điều mà mỗi giáo viên luôn mong chờ. Có nghĩa là thu nhập xứng đáng với công việc bỏ ra; được phụ huynh và xã hội chia sẻ, đồng hành; được tạo môi trường làm việc thoải mái nhất. “Sĩ số lớp học hiện nay quá đông là một trong nhiều rào cản để người thầy chưa thể hạnh phúc trọn vẹn ở mỗi giờ lên lớp, nhất là với khối 1, 2 cần sự quan tâm, theo sát của giáo viên nhiều hơn. Do đó cần sự thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành của phụ huynh chứ không “khoán hết” cho giáo viên. Đặc biệt, khi giáo dục trong tiến trình đổi mới thì thầy cô giáo càng phải được trao quyền nhiều hơn nữa trong việc thiết kế các hoạt động giáo dục, theo đúng sức khỏe, cảm hứng sáng tạo của giáo viên và đặc thù học sinh. Tức là thầy cô giáo phải được tin tưởng và chia sẻ nhiều hơn nữa”, cô Huyền bày tỏ.
Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) là một trong những ngôi trường sớm theo đuổi mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc và bước đầu đạt được những thành quả nhất định khi tỷ lệ học sinh yếu ngày càng giảm đi, đội ngũ giáo viên ngày càng năng động, yêu thích đổi mới, chất lượng giáo dục của trường ngày càng đi lên… Cô Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, không có một khuôn mẫu trọn vẹn nào trong việc xây dựng trường học hạnh phúc, vì với mỗi ngôi trường khác nhau sẽ có những hướng đi khác nhau. Thế nhưng, điều quan trọng nhất mà các trường hướng đến là học sinh và giáo viên được hạnh phúc mỗi ngày đến trường. “Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, do đặc thù đầu vào học sinh không quá giỏi như một số trường khác, trường lại nằm trong địa bàn phức tạp ở Q.1. Vì thế, mục tiêu trước tiên mà chúng tôi hướng đến khi xây dựng trường học hạnh phúc là giúp học sinh ham thích đến trường, không trốn học, quan tâm đến học sinh khó khăn để phụ huynh dù khó khăn đến mấy cũng không cho con mình bỏ học. Song song đó, tạo môi trường thúc đẩy để giáo viên say mê đổi mới, luôn tìm thấy niềm vui mỗi ngày đến trường”, cô Tâm cho hay.
Ngoài ra, theo cô Tâm, tùy từng đối tượng học sinh sẽ được trường đặt vào những môi trường riêng để các em phát huy tối đa năng lực, luôn tự tin vào bản thân. Ví dụ, học sinh giỏi thì sẽ được tham gia bồi dưỡng, học sinh yếu hơn thì có các câu lạc bộ để thể hiện mình…, tất cả đều được trường ghi nhận, trân trọng. “Khi học sinh tự tin, thầy cô giáo như được tiếp-thêm-lửa trong mỗi giờ lên lớp”, cô Tâm nói.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)