Trường học là chiếc thuyền mang sứ mệnh giáo dục chuyên chở thế hệ trẻ đến bến bờ tri thức. Hiệu trưởng là người cầm lái để mọi người cùng đi luôn cảm thấy tin tưởng, vững vàng trong bầu không khí yêu thương hạnh phúc…
Trường học hạnh phúc nhờ vào sự cầm lái vững vàng, tận tâm, mô phạm của người hiệu trưởng (trong ảnh: Thầy Nguyễn Hữu Trí – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, TP.HCM – trao giấy khen cho các em học sinh 3 tốt cấp trường)
1.Hiệu trưởng là người có tri thức, mô phạm và nhân hậu. Một cái đầu sáng suốt, bản lĩnh với trái tim biết rung cảm theo nhịp đập của thầy và trò.
Theo lý thuyết, trong hoạt động giáo dục có hai người rất quan trọng. Một là bộ trưởng – người vạch ra kế hoạch, chính sách, đường lối theo mục tiêu chương trình do Chính phủ ban hành; hai là hiệu trưởng – người thực hiện, tổ chức dạy và học theo yêu cầu nhằm đào tạo con người có tri thức, đạo đức và đầy đủ phẩm chất văn hóa trong xã hội văn minh, hiện đại. Tất cả bộ phận khác, các cấp quản lý, công ty giáo dục được sự điều hành, chỉ đạo của bộ trưởng giúp hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp nhất, hạnh phúc mỹ mãn trong mỗi ngôi trường.
Hiệu trưởng có tuổi học trò với biết bao kỷ niệm. Cũng đùa giỡn, nghịch ngợm ngày còn đi học; cũng trải qua bao cung bậc ngọt ngào và dại dột cho đến ngày tốt nghiệp phổ thông rồi chọn vào ngành sư phạm. Sinh viên trường sư phạm học tập ròng rã nhiều năm với biết bao kiến thức để hiểu về học trò cho đến ngày được đứng trước học sinh nghe tiếng “thưa thầy”. Thầy bước đi dò dẫm ban đầu bên cạnh đồng nghiệp để dạy học. Thầy cũng có niềm vui với học sinh ngoan, học giỏi. Thầy cũng lo lắng, tìm biện pháp giúp cho các em lười biếng, ham chơi. Thầy thao thức soạn từng trang giáo án, tìm phương pháp và cách thức truyền thụ dễ hiểu cho từng bài, từng tiết dạy. Thầy cũng buồn bã vì cháy giáo án, giải thích mãi mà học trò không chịu hiểu. Thầy từng gặp cha mẹ các em, cùng chia sẻ mỗi bước tiến bộ, mỗi sự thụt lùi và phối hợp tìm biện pháp giúp con em học tập tốt hơn. Thầy cũng từng nghe phụ huynh phàn nàn, trách móc, thậm chí chê bai. Quá trình đó thấm vào cuộc đời dạy học của thầy, từng tháng, từng năm và từng chức vụ mà thầy được tin tưởng cho đến ngày là hiệu trưởng.
2.Tôi nhớ, Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) mỗi năm học đều tổ chức gặp gỡ toàn bộ hiệu trưởng trong TP. Phòng luôn nhắc nhở hiệu trưởng mỗi buổi sáng nên đứng ở cổng trường chào đón thầy cô và học sinh. Hiệu trưởng trên môi luôn nở nụ cười thân thiện, ánh mắt đầm ấm, dịu dàng. Cho dù tình huống gì xảy ra cũng thận trọng tìm hiểu rồi mới giải quyết. Giáo viên có đi trễ thì phải nghĩ là có bất trắc, đau ốm gì đó rồi đến vỗ vai hỏi thăm, an ủi để giáo viên cảm thấy ấm lòng bước vào lớp học mỉm cười chào học trò của mình. Thái độ và tấm lòng của hiệu trưởng sẽ tác động, đi vào trái tim người thầy. Khi học sinh không làm bài, nghịch phá thì chưa phải là đứa bé hư mà có lẽ do tâm lý em đang bị chấn động vì nhiều lý do với các hoàn cảnh khác nhau. Tìm hiểu, chia sẻ và khuyến khích là công việc mà hiệu trưởng nên thực hiện hàng ngày. Phê bình, kỷ luật là cần thiết trong trường hợp không còn cách nào hay hơn. Tuy nhiên, quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ… mới là hạnh phúc trong ngôi trường thân yêu mà hiệu trưởng cũng là ông quan tòa công tâm, đầy lòng nhân ái. Hãy nghĩ tốt về thầy cô để giúp thầy cô yêu thương học trò, hiệu trưởng sẽ nhận lại mọi điều tốt đẹp.
Hiệu trưởng một ngôi trường là chủ một ngôi nhà nên khi khách đến trường phải đón tiếp trân trọng và thân tình. Người khách được mời và không được mời nhiều nhất là cha mẹ học sinh. Trường nên có phòng tiếp khách trang trọng và tươm tất. Phải nhắc bảo vệ chào hỏi lễ phép và hướng dẫn chu đáo. Hiệu trưởng là người lắng nghe khách nói. Dù phụ huynh dịu dàng hay la hét, nhỏ nhẹ hay hằn học thì hiệu trưởng cũng nên lắng nghe với phong thái của nhà mô phạm, của một người thầy hết lòng vì học sinh để giải thích cho phụ huynh hiểu và cùng chia sẻ trách nhiệm. Khi phụ huynh bước ra khỏi cổng trường sẽ cảm thấy đây đúng là không gian giáo dục hay nói như nhà thơ Vũ Quần Phương “trường học là ngôi đền trí tuệ”, lòng đầy cảm phục và tin tưởng, muốn hợp tác tốt hơn, nhiều hơn để giáo dục con em họ.
3.Trong một lần đến Thụy Điển thăm trường tiểu học trong dự án Quyền trẻ em, tôi được biết với những học sinh không ngoan và giáo viên đã hết cách giáo dục thì báo lên hiệu trưởng. Sau đó học sinh sẽ được mời lên phòng để hiệu trưởng tiếp. Đây là phòng được thiết kế đẹp nhất trường. Học sinh được hiệu trưởng mời ăn bánh kẹo, uống nước ngọt. Hiệu trưởng gợi ý cho học sinh nói những chuyện không liên quan đến việc học tập hay đùa nghịch, hư hỏng, lười biếng của em. Học sinh cứ thoải mái nói, hiệu trưởng luôn chú ý lắng nghe và trao đổi. Có thể gặp nhau một lần, nhiều lần cho đến khi hiệu trưởng tìm ra nguyên nhân hư hỏng của học sinh và thái độ của học sinh cũng đã chuyển biến. Lúc này học sinh trở về lớp với tâm trạng phấn khởi, vui vẻ và học tập tích cực hơn.
Chúng tôi thấy đây là phương pháp giáo dục tâm lý rất khoa học. Điều này khiến tôi nhớ khi học đại học đã học môn “Hướng dẫn và khải đạo” – Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ chứ không phải trách móc, quở phạt để làm chuyển biến thái độ của học sinh.
Hiệu trưởng còn là một nhà ngoại giao. Mối quan hệ với chính quyền là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự và giải quyết kịp thời nếu có sự cố hay trục trặc gì xảy ra. Những vị nhân hào, các vị lão thành hưu trí và những người lao động là nguồn kinh nghiệm to lớn giúp rất nhiều cho nhà trường. Tạo được mối quan hệ gắn bó, tình cảm là một nguồn lực đóng góp cho việc giáo dục học sinh.
Có dịp đến Thái Lan thăm các trường tiểu học ở vùng quê Chiang Mai, được biết là ngôi chùa ở gần trường học đóng góp rất lớn trong việc giáo dục văn hóa, đạo đức cho học sinh. Đặc biệt vị sư trưởng có uy tín, được dân nể trọng. Người hiệu trưởng của trường luôn đến chùa để nhận ân phúc và xin được cùng hợp tác dạy dỗ học sinh. Ngoài ra, các nghệ nhân, nghệ sĩ cũng tham gia giáo dục nghề truyền thống, giai điệu dân gian của địa phương cho học sinh. Hiệu trưởng còn là ca sĩ đứng chung với thầy cô và học sinh cùng hát bài đồng ca trong những buổi hội diễn. Hiệu trưởng cũng là vận động viên, là cầu thủ trong đội thi đấu của học sinh. Có hiệu trưởng trong đội, sức mạnh của các cầu thủ cũng tăng lên, thi đấu hay hơn. Không chỉ hạnh phúc trong dạy và học, thầy – trò còn tràn ngập tiếng cười trong bữa ăn bán trú. Thầy cô, hiệu trưởng cùng ngồi ăn với học sinh. Bữa ăn với sự chuẩn bị chu đáo của nhà bếp là sự ấm áp, thân thiện của ngôi trường.
4.Trường học hạnh phúc không phải là khẩu hiệu, là phong trào. Trường học hạnh phúc là ngôi nhà giáo dục đầy tình thương và ấm áp mà trước hết lan tỏa từ người hiệu trưởng đến thầy cô và học sinh. Không nhất thiết phải là ngôi trường to lớn mới có hạnh phúc mà chính những tấm lòng, những trái tim tạo ra cái hồn, cái cao đẹp của một ngôi trường. Ở đấy, mỗi ngày đến trường, thầy cảm nhận được niềm vui; trò náo nức được học tập với thầy cô vừa nghiêm khắc vừa nhân hậu, được gặp bạn bè vừa chăm chỉ vừa nghịch phá, đùa vui rất hồn nhiên…
Tất cả những điều tốt đẹp của ngôi trường mà thầy cô, học sinh, kể cả phụ huynh cảm nhận được hạnh phúc nhờ vào sự cầm lái vững vàng, tận tâm, mô phạm của người hiệu trưởng.
Lê Ngọc Điệp
(Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM)
Bình luận (0)