Ông Dương Trí Dũng (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhấn mạnh điều này khi trao đổi với Giáo dục TP.HCM về công tác xây dựng mô hình trường học hạnh phúc hiện nay. Ông Dũng cho biết, năm 2025, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng trường học hạnh phúc gắn với việc thực hiện những công trình, đề án lớn của ngành giáo dục như trường học số, lớp học số…
+ Phóng viên: Mô hình trường học hạnh phúc được TP.HCM thực hiện thí điểm vào năm học 2022-2023, bắt đầu nhân rộng trong năm học 2023-2024. Đến năm học 2024-2025, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã triển khai. Nhìn lại kết quả triển khai mô hình trường học hạnh phúc tại TP.HCM, ông có những đánh giá như thế nào, thưa ông?
– Ông Dương Trí Dũng: TP.HCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai một cách quy mô, bài bản về mô hình trường học hạnh phúc. Năm 2023, thành phố đã ban hành bộ tiêu chí trường học hạnh phúc với 18 tiêu chí được chia làm 3 nhóm tiêu chuẩn: về con người; về dạy học và hoạt động giáo dục; về môi trường. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục triển khai xây dựng trường học hạnh phúc nhằm nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của cơ sở giáo dục, cải thiện kết quả học tập của học sinh.
Trường học hạnh phúc được TP.HCM triển khai nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và học viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng hình ảnh con người TP.HCM “sống tử tế, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo”.
Dựa trên bộ tiêu chí, mỗi nhà trường xây dựng kế hoạch thực hiện từng tiêu chí theo điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đối tượng học sinh để thực hiện. Việc thực hiện trường học hạnh phúc bám sát, không tách rời với việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục, đặc biệt là việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong từng tiêu chí, mỗi nhà trường đều soi vào để xây dựng kế hoạch, phổ biến cho đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện, trên tinh thần cùng nhau kiến tạo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện.
Sau quá trình triển khai, từ thí điểm đến áp dụng đại trà, dễ dàng nhận thấy tại từng nhà trường đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Môi trường giáo dục với sự kết nối từ gia đình, nhà trường, xã hội; gắn kết mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với thầy cô, gia đình. Điều đặc biệt là ở mỗi nhà trường, tùy theo đặc thù đối tượng học sinh, phụ huynh, nhà trường lại có những cách thức, mô hình xây dựng trường học hạnh phúc riêng biệt, đặc thù. Những khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc” đã thực sự hiện hữu tại mỗi trường học ở TP.HCM, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường.
+ Theo ông, trường học hạnh phúc đóng vai trò như thế nào đối với việc giúp TP.HCM thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án lớn mà ngành giáo dục thành phố đang đặt ra như trường học số, lớp học số, giáo dục thông minh, chiến lược phát triển ngành…?
– Trường học hạnh phúc là điểm sáng của ngành GD-ĐT TP.HCM, góp phần phát triển toàn diện học sinh theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc xây dựng trường học hạnh phúc sẽ mang tới lợi ích cho người học, người quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố.
Trong Kết luận số 91 ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị, “Trường học hạnh phúc” được nhắc đến: “Khuyến khích phát triển các mô hình trường học mới như trường học số, trường học thông minh, trường học hạnh phúc”. Như vậy, việc TP.HCM phát triển, xây dựng trường học hạnh phúc tại tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu đặt ra hiện nay.
Giáo dục là tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục để đảm bảo cho học sinh và các lực lượng giáo dục trong nhà trường được an toàn, tôn trọng, phát triển và hạnh phúc. Khi học sinh hạnh phúc và thoải mái đến trường thì thành tích học tập sẽ được nâng cao và cảm xúc xã hội, nhân cách đạo đức cũng sẽ được hình thành phát triển tích cực. Đối với mỗi nhà trường, xây dựng trường học hạnh phúc không hề tách rời những mục tiêu của ngành giáo dục và định hướng chiến lược phát triển của nhà trường. Mỗi nhiệm vụ đặt ra đều phải làm sao hướng tới giúp học sinh, đội ngũ cảm thấy thoải mái khi thực hiện, thực hiện một cách tích cực, chủ động, sáng tạo và hăng say. Nói một cách khác, trường học hạnh phúc sẽ thúc đẩy sự hạnh phúc của học sinh, thúc đẩy sự phát triển của mỗi nhà trường…
+ Năm 2025, việc xây dựng trường học hạnh phúc sẽ được TP.HCM triển khai với những điểm mới nào, thưa ông?
– Trong thời gian tới, ngành giáo dục TP.HCM tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá thực tế để có những điều chỉnh bộ tiêu chí trường học hạnh phúc sao cho phù hợp với các yêu cầu mới của công tác GD-ĐT, với nhu cầu thực tiễn của xã hội.
TP.HCM là địa bàn có quy mô trường lớp với số lượng học sinh, giáo viên vào nhóm lớn nhất của cả nước nên việc triển khai xây dựng trường học hạnh phúc cần được quan tâm đúng mức và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá để có những điều chỉnh kịp thời với các vấn đề phát sinh, tạo nên sự đồng đều trong chất lượng của quá trình xây dựng trường học hạnh phúc tại các cơ sở giáo dục.
Để các cơ sở giáo dục thực hiện tốt bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, ngành giáo dục sẽ tiếp tục phối hợp với các trường ĐH, viện nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân uy tín thực hiện những buổi chuyên đề để hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm ứng xử các tình huống sư phạm; mời chuyên gia tư vấn, nhận diện, xử lý các tình huống vi phạm quy định đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong lao động nghề nghiệp; tổ chức tọa đàm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên, cha mẹ học sinh về trường học hạnh phúc, về sự đồng cảm, khoan dung, xây dựng mối quan hệ tích cực, sáng tạo, hình thành và phát triển khả năng, kỹ năng, sẵn sàng hợp tác, phát triển tối đa năng lực, sở trường của bản thân; thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, học viên. Đưa giáo dục học tập, cảm xúc, xã hội và đạo đức vào giảng dạy cho học sinh. Đồng thời, tổ chức thực hiện các hoạt động như: thực hành lòng biết ơn, nâng cao lòng trắc ẩn, tỉnh thức… để gia tăng cảm nhận hạnh phúc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên.
Tổ chức xây dựng các tư liệu về “xử lý tình huống sư phạm”, các câu chuyện đạo đức, về truyền thống tôn sư trọng đạo, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống… phục vụ cho công tác thông tin, truyền thông và hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, học viên trong ứng xử sư phạm…
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến (thực hiện)
Bình luận (0)