Triết gia người Mỹ Hannah Arendt (1906-1975) từng nói: “Giáo dục là một trong các hoạt động sơ đẳng và thiết yếu nhất của xã hội loài người, liên tục tự làm mới từ lúc sinh ra, đến với thế giới cho đến lúc chết đi”.
Câu nói ấy như thúc giục con người, cụ thể là người học ngày nay không chỉ dừng lại sau khi hoàn thành một giai đoạn học tập, mà cần thiết lập kế hoạch học tập cho đời mình, đưa bản thân lên những nấc thang mới trong hành trình truy tìm trí tuệ có ý nghĩa cuộc đời. Giáo dục được xem là hoạt động không bao giờ y nguyên, khuôn mẫu và kiến thức khoa học cũng luôn biến đổi, làm mới không ngừng. Vì vậy, giáo dục là quá trình làm mới, không phải học xong một chương trình là kết thúc sự học mà là đang trong trạng thái trở thành, trở thành phiên bản hoàn thiện hơn. Bởi vậy, lãnh tụ cách mạng Nga V. I. Lenin (1870-1924) từng phát biểu định hướng đầy cảm hứng cho con người rằng, cần “học, học nữa, học mãi”.
Một thời kỳ mới đang mở ra, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu định hướng về “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Với nguồn gốc và lịch sử, người Việt Nam từ xưa tới nay đều nhận định dân tộc ta có tinh thần hiếu học. Tiếp nối sự chuẩn bị đã có, các bộ/ngành đang thúc đẩy dạng thức học tập suốt đời với các mô hình xã hội học tập, thành phố học tập, công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập theo các tiêu chí do UNESCO đưa ra. Tuy nhiên, học như thế nào là rất quan trọng, và để biết định hướng học tập suốt đời diễn ra như thế nào thì chúng ta cần lưu ý đến nền tảng lý thuyết và xem xét bối cảnh. Triết gia Karl Jaspers (1883-1969) cho rằng “Trường học như là tấm gương phản chiếu của cấu trúc xã hội”, vì vậy, mọi mô hình dù có tiến bộ, có hiện đại nhưng tùy thuộc cấu trúc xã hội, sự vận hành đặc thù của từng địa phương và cơ sở giáo dục. Dưới đây là gợi ý về triết lý giáo dục được tổng quan để nhìn rõ tiến trình đi tới một xã hội học tập suốt đời, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của nhà trường trong sự chuyển hóa con người.
Thứ nhất, thông qua trường học, giáo dục phải chuyển hóa con người toàn diện. Đây được coi là nhiệm vụ nặng nề cho ngành giáo dục, nhưng chắc chắn không tổ chức nào có đủ sức thay thế. Trường học phải là nơi hun đúc tinh thần học tập suốt đời, tinh thần tự học, tự khám phá bản thân. Nếu học sinh chỉ thủ đắc những sự kiện từ tài liệu để phục vụ cho các kỳ thi thì mau chóng lãng quên kiến thức và lòng ham học sẽ giảm sau khi có đủ bằng cấp. Vì vậy, trường học phải là nơi thúc đẩy động lực từ bên trong học sinh, khai thác những tiềm năng cá nhân và khơi gợi sự sáng tạo, sự tò mò để nuôi dưỡng lòng ham học mọi nơi, mọi giai đoạn cuộc đời.
Thứ hai, giáo dục là một tiến trình nhắm đến sự tự do đầy ý nghĩa, tức là đòi hỏi người học một lòng hiếu tri tiếp diễn. Lòng hiếu tri được nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn giải thích: “Đó là sự tò mò, khám phá bất tận tri thức, không bao giờ thỏa mãn”, đây chính là tinh thần sâu xa của sự học của con người. Vì vậy, sự học của con người là một công cuộc đời người, là tham gia vào đời sống trí tuệ, mở rộng tinh thần, khám phá khoa học. Ngày nay, tri thức không chỉ đạt được ở trường học mà còn ở khắp nơi trên các nền tảng khác nhau. Giờ đây chỉ với một thiết bị kết nối internet, mỗi cá nhân có thể truy cập nguồn học liệu vô tận. Tuy nhiên, trường học là nơi kết tụ những giá trị tinh thần, những đổi mới sáng tạo được vận dụng nên thực tiễn đòi hỏi không gian này kết hợp được môi trường giáo dục truyền thống và dữ liệu số trên không gian mạng.
Thứ ba, giáo dục hiện đại không thể mãi chỉ truyền thụ “kiến thức chết” mà không ngừng gợi mở tiến trình kiến thức được sản xuất và tái sản xuất. Trước đây, người thầy có quyền uy của thầy trên học sinh và nhận được sự kính trọng của xã hội. Điều này được thể hiện rõ qua cơ hội tiếp cận tri thức, lãnh hội tri thức, tuổi đời, kinh nghiệm, về vị trí xã hội hay vị thế có “quyền” giáo dục trong phạm vi học đường. Bởi sự chênh lệch ấy, người thầy có đầy đủ quyền uy để truyền thụ kiến thức đã được hệ thống hóa qua sách giáo trình, sách giáo khoa. Hậu quả có thể đẩy các cuộc tranh luận dẫn tới việc người học không thể tranh luận, rồi bị áp đặt, tuân thủ, thực thi. Nếu sự kính trọng uy quyền của người thầy được duy trì một cách mù quáng sẽ làm cho tiến trình sản xuất tri thức mới ngừng trệ. Những học sinh chỉ biết vâng lời mù quáng sẽ lệ thuộc vào quyền uy cá nhân nguời thầy. Triết gia người Đức Karl Jaspers từng nói: “Sự kính trọng là bản chất của mọi nền giáo dục và không thể thiếu đối với giáo dục”, nhưng cũng nói: “Không ai trở thành quyền uy” để nhắc nhở rằng kính trọng người thầy là điều nên làm nhưng xã hội học tập cần xem xét nhân tố quan trọng khác là tri thức được hình thành như thế nào trong nhà trường, người thầy đã cùng học sinh hình thành nên những tri thức mới nào.
Để minh họa cho những gợi ý trên đây, tôi xin đề cập tới ba mô hình học tập mà triết gia Jaspers từng nhắc tới, có thể cân nhắc áp dụng vào các bối cảnh khác nhau. Dạng thứ nhất là mô hình giảng dạy chuyển giao truyền thống, mọi tri thức đã được hệ thống hóa, xem đó như là tri thức đóng cố định. Vai trò của người thầy chỉ đơn thuần là truyền dạy, truyền thụ cái đã có sẵn, vô tư và khách quan, chuyển trao tri thức từ người đi trước sang người đi sau. Dạng thứ hai là mô hình thể hiện rõ những phẩm chất của người thầy trong môi trường giáo dục. Thầy được xem là một nhân cách mà người học cảm nhận được, người học cảm nhận được quyền uy của người thầy, xem đó như là một nhân cách duy nhất. Tức là trong trường hợp này, phẩm chất của người thầy được hình tượng hóa với đầy đủ những đặc tính mà người học noi theo. Dạng thứ ba là mô hình mà trong đó thầy và trò đứng trên một bình diện là tự do, cùng nhau đồng hành truy tìm cái trạng thái “siêu việt của trí tuệ”, tức là người thầy giúp học sinh để sản sinh những khả năng và sức mạnh của mình, đánh thức những khả năng tiềm ẩn của học sinh để các em nhận rõ những năng lực của chính mình. Một tên gọi khác cho mô hình này, tạm gọi là “giáo dục hộ sinh”, hàm ý nhấn mạnh tới hành động “thoát ra cái bóng” của người thầy. Cụ thể hơn, trong không gian giáo dục này, người thầy đưa học sinh của mình ra khỏi sự ảnh hưởng của mình, thúc đẩy học sinh quay lại với bản thân, chất vấn bản thân để cùng thầy mình truy tìm những chân trời mới.
Từ những gợi ý trên đây cho thấy, định hướng lấy học sinh làm trung tâm là lựa chọn phù hợp với sự thay đổi mô hình học đường so với trước đây. Lấy học sinh làm trung tâm đòi hỏi sự giảm đi sức ảnh hưởng của người thầy, người thầy dành nhiều khoảng không gian hơn cho học sinh được thể hiện, được khám phá, được phản biện. Từ đó, học sinh cùng với thầy hình thành tri thức mới, người thầy như người đỡ đầu cho học sinh thể hiện khả năng, phẩm chất riêng. Hoàn thành một nhiệm vụ học tập là một sản phẩm giáo dục mang tính cá nhân hóa cao của thầy và trò, khi đó xã hội Việt Nam sẽ nhanh chóng bước vào thời kỳ xã hội học tập.
Nguyễn Minh Thanh
Bình luận (0)