Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trường học nên “gần” bảo tàng hơn nữa

Tạp Chí Giáo Dục

Thi gian qua, ti TP.HCM, “Hành trình đến vi bo tàng” đã đưc nhiu trưng hc, c bc ph thông ln đi hc, t chc cho hc sinh, sinh viên tham quan, tìm hiu.


Hc sinh TP.HCM đến bo tàng hc văn (nh minh ha). Ảnh: Y.Hoa

Hoạt động này là dịp để giới trẻ tìm hiểu nhiều hơn về các sự kiện lịch sử, về các anh hùng của dân tộc, về những câu chuyện thú vị trong tiến trình phát triển của thành phố… thông qua những hiện vật, hình ảnh đang trưng bày tại các bảo tàng. Nhiều địa chỉ như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP.HCM, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn… đã được nhiều cơ sở giáo dục quan tâm đưa học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu. Trên thực tế, bảo tàng là một trong những nơi trưng bày và lưu giữ tài liệu, hiện vật cổ liên quan đến một hoặc nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa của một dân tộc, một địa phương hay một giai đoạn lịch sử nào đó. Mục đích xây dựng và tổ chức các bảo tàng là giáo dục, học tập, nghiên cứu và thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu về quá khứ. Vì vậy, bảo tàng không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học mà còn nhằm phục vụ rộng rãi các nhóm công chúng, trong đó có nhóm học sinh, sinh viên và người trẻ tuổi nói chung.

TP.HCM hiện có khá nhiều bảo tàng, có thể giới thiệu nhiều khía cạnh về văn hóa, lịch sử của riêng thành phố và của đất nước. Dù thành phố chưa có bảo tàng thực sự nổi tiếng và trở thành điểm đến ưu tiên hàng đầu khi du khách đến thăm thành phố hoặc tìm hiểu về thành phố nhưng bao nhiêu đó cũng rất có ý nghĩa trong việc giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh hệ thống bảo tàng của Nhà nước thì còn có nhiều bảo tàng tư nhân, đó là Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Y học cổ truyền, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San, Bảo tàng Sâm Ngọc Linh, Phòng Trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn – Chợ Lớn… Các bảo tàng này tuy thu phí khá cao nhưng cũng là những địa chỉ có thể cung cấp thêm nhiều thông tin, kiến thức có ý nghĩa giúp bạn trẻ hiểu thêm về các mặt đời sống cũng như nâng cao nhận thức của mình trên nhiều lĩnh vực.

Có thể nói, giáo dục được coi là một khía cạnh nghiệp vụ quan trọng của các bảo tàng, nhất là giáo dục truyền thống. Theo cách hiểu phổ biến, giáo dục bảo tàng là một tập hợp các giá trị, khái niệm, kiến thức và thực hành nhằm đảm bảo sự phát triển của khách tham quan là giáo viên, học sinh, sinh viên. Thí dụ, tại TP.HCM, giáo dục của bảo tàng là việc tạo cơ hội để khách tham quan (đối tượng hướng tới chủ yếu là học sinh, sinh viên) học tập, trải nghiệm thông qua việc tìm hiểu hiện vật và tham gia các hoạt động của bảo tàng, với mục đích cung cấp đầy đủ, hấp dẫn những thông tin, kiến thức mà bảo tàng muốn truyền tải về các nội dung liên quan đến lịch sử và tiến trình phát triển của đất nước nói chung và của TP.HCM nói riêng. Theo Thông tư 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31-12-2010 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về tổ chức và hoạt động của bảo tàng, hoạt động giáo dục bao gồm hướng dẫn tham quan, tổ chức các chương trình giáo dục, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề, xuất bản ấn phẩm. Do đó, các bảo tàng thực sự là một môi trường giáo dục ngoài nhà trường, thể hiện rõ sự kết hợp hài hòa giữa học tập và giải trí, có khả năng ảnh hưởng đến mỗi cá nhân và cộng đồng, nhất là giới trẻ.

Theo Quyết định 208/2014/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, bảo tàng tỉnh/thành phố phải trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời nêu rõ nhiệm vụ: phấn đấu 100% bảo tàng cấp tỉnh ký kết với sở GD-ĐT các địa phương chương trình phối hợp giáo dục thông qua di sản văn hóa, tổ chức học tập về lịch sử, văn hóa địa phương ngay tại bảo tàng… Bởi trong quá trình hoạt động, các bảo tàng thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các hiện vật (thông qua việc tổ chức trưng bày, giới thiệu về tự nhiên, xã hội, văn hóa của địa phương trên cơ sở các hiện vật gốc, sưu tập hiện vật gốc tiêu biểu), từ đó tổ chức tuyên truyền, giáo dục, giúp giới trẻ có được hiểu biết về tự nhiên, xã hội và đặc điểm văn hóa của đất nước, vùng đất Nam bộ và thành phố. Đương nhiên, việc thực hiện chức năng, hoạt động giáo dục của bảo tàng phải khắc phục một số hạn chế như nội dung trùng lặp, đơn điệu, nặng về tuyên truyền, dẫn đến tình trạng kém hấp dẫn, không phù hợp với giới trẻ. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, cần có sự thay đổi trong nhận thức và tổ chức về vai trò giáo dục của bảo tàng, đặc biệt trên phương diện giao tiếp, phục vụ cộng đồng, truyền thông, quảng bá, phối hợp…

Từ ý nghĩa và bối cảnh đó, ngành giáo dục nên phối hợp với ngành văn hóa để xây dựng, giáo dục một hình thức văn hóa có thể gọi là “văn hóa bảo tàng”, tức là tạo thói quen, lòng yêu thích, sự quan tâm đến bảo tàng của học sinh, sinh viên. Dù nhiều năm qua, thành phố có phong trào “Hành trình đến với bảo tàng” nhưng sức hút chưa nhiều, ý nghĩa chưa sâu, lại thực hiện không thường xuyên nên giá trị của hoạt động này chỉ có mức độ. Điều này có thể thấy, một bộ phận đáng kể học sinh, sinh viên của thành phố ít quan tâm đến các bảo tàng, ít kiến thức về các bảo tàng hoặc có đến bảo tàng nhưng điều đọng lại còn chưa nhiều, tình cảm, sự quan tâm đến bảo tàng cũng chưa sâu. Điều này cần được khắc phục quyết liệt.

Do đó, công tác truyền thông về bảo tàng cần được thực hiện tốt hơn để thu hút được nhiều người đến với bảo tàng. Chương trình ngoại khóa của học sinh, sinh viên nhất thiết phải có nội dung đến thăm các bảo tàng và thực hiện việc tìm hiểu, ghi chép, viết thu hoạch về các bảo tàng, tùy theo điều kiện lứa tuổi, nội dung môn học… Hay các hoạt động kết nạp Đội, kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng nên được tổ chức tại một bảo tàng phù hợp gắn với việc tham quan, tìm hiểu và các hoạt động có ý nghĩa khác. Hoặc trong các dịp kỷ niệm, ngày lễ…, nhà trường nên tổ chức đến bảo tàng hoặc có hình thức tìm hiểu về bảo tàng để gắn ý nghĩa kỷ niệm với mục tiêu giáo dục truyền thống, tìm hiểu lịch sử – văn hóa – nhân vật…

Để góp phần thực hiện có hiệu quả những điều đó, bản thân ngành giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố nói riêng phải đặt mình vào tâm thế “gần” với các bảo tàng hơn nữa, xem bảo tàng là một trong những địa chỉ cần đến, nên đến và đến thường xuyên chứ không phải tổ chức đến theo thói quen, theo thông lệ. Còn các bảo tàng nên thực sự chú trọng đến đối tượng khách tham quan là học sinh, sinh viên với những chương trình, cách thức tổ chức nội dung, hình thức quảng bá… có liên quan đến hoạt động giáo dục nhiều hơn, gắn với giới trẻ nhiều hơn.

Ngành giáo dục và ngành văn hóa nên gắn kết nhiều hơn trong một số hoạt động, để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành mình. Thí dụ, ngành văn hóa có thể chỉ đạo Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM để xây dựng một bảo tàng sách, là nơi giới thiệu kỹ thuật in ấn sách từ buổi đầu xây dựng thành phố, giới thiệu các loại sách quý của thành phố, các công đoạn tạo ra một cuốn sách…, từ đó khơi gợi và phát triển văn hóa đọc trong dân cư thành phố. Còn ngành giáo dục tổ chức đều đặn, thường xuyên cho học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu, quảng bá hoạt động này bằng nhiều hình thức.

Nguyn Minh Hi

Bình luận (0)