Một cuộc thi robot của học sinh tiểu học
|
Vừa qua, Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) phối hợp với Công ty Lego Education tổ chức hội thảo giới thiệu Chương trình kỹ sư robot bậc tiểu học đến lãnh đạo các trường trên địa bàn thành phố. Chương trình được đánh giá là ý nghĩa, mang lại sân chơi khoa học hữu ích cho học sinh (HS)…
Tuy nhiên, khi bàn đến việc tham gia, lãnh đạo nhiều trường lo ngại về kinh phí và băn khoăn về tính liên tục của chương trình.
Khuyến khích các trường tham gia
Chương trình kỹ sư robot Lego Education được chia thành 3 giai đoạn: Cơ bản, nâng cao và chuyên sâu. Khi tham gia chương trình, dưới hướng dẫn của giáo viên, HS được học các kỹ năng lắp ráp, lập trình robot với những bước cơ bản. Để làm được điều này đòi hỏi các em phải vận dụng các kiến thức về kỹ thuật, tin học, khoa học và toán đã học trong nhà trường.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), cho rằng sân chơi này hết sức thiết thực, ý nghĩa bởi các em sẽ có cơ hội vận dụng kiến thức tổng hợp để tạo ra sản phẩm. Hoạt động sẽ kích thích sự khám phá, phát huy đam mê và thúc đẩy tinh thần học tập, niềm say mê nghiên cứu khoa học và tư duy sáng tạo của HS.
Trong khi đó, cô Phan Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3), cho biết học tập về lắp ráp robot là một sân chơi ngoại khóa hữu ích bên cạnh các hoạt động thể dục thể thao. Đây là nơi để các em trải nghiệm các kỹ năng thực hành, tìm tòi, giải quyết vấn đề thông qua thử thách của giáo viên. Mặt khác, sân chơi còn hình thành tinh thần làm việc nhóm, tính mạnh dạn – những kỹ năng hết sức quan trọng đối với học sinh tiểu học.
So với bậc THCS và THPT, chương trình kỹ sư robot Lego Education ở bậc tiểu học còn khá mới mẻ. Chính vì thế, bước đầu hội thảo chỉ nhằm giới thiệu để các trường nắm bắt, tham gia. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Tổ chức chương trình này là nhằm tạo ra sự đa dạng trong sân chơi học đường, qua đó giúp HS có điều kiện chọn lựa sân chơi phù hợp với mình nhất để phát triển năng lực bản thân. Chúng tôi khuyến khích các trường đưa sân chơi này vào nhà trường, tuy nhiên cần lưu ý tổ chức trên tinh thần tự nguyện, không được lấy thành tích của chương trình để làm tiêu chí thi đua”.
Các trường còn e dè
Theo Công ty Lego Education, để tổ chức được lớp dạy, yêu cầu mỗi lớp phải có trung bình 15-20 HS tham gia và mỗi trường có ít nhất 150 em đăng ký. HS sẽ trải qua 12 buổi học/khóa (3 tháng); mỗi buổi 2 giờ; học phí 450 ngàn đồng/khóa. Học phí này cũng là khoản thu để trả kinh phí trang thiết bị dạy học, lương giáo viên. Công ty Lego Education sẽ chịu trách nhiệm mua sắm, cung cấp trang thiết bị (các gói robot) cho nhà trường và nhà trường có trách nhiệm hoàn lại kinh phí cho đơn vị trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo nhiều trường tỏ ra e ngại đăng ký mở lớp.
“Chúng tôi khuyến khích các trường đưa sân chơi này vào nhà trường, tuy nhiên cần lưu ý tổ chức trên tinh thần tự nguyện, không được lấy thành tích của chương trình để làm tiêu chí thi đua”, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, cho biết.
|
Cô Phạm Thúy Hà chia sẻ: “Để thực hiện được chương trình này ít nhất số HS tham gia phải đảm bảo một lượng nhất định. HS trường tôi tham gia ít quá nên nhà trường không tổ chức vì sợ không biết lấy tiền ở đâu để trả kinh phí trang thiết bị cho công ty. Mặc dù công ty cho thời gian hoàn trả trong 6 tháng và sau khi hoàn phí nhà trường cũng có những khoản lời nhất định ở các năm sau nhưng chúng tôi vẫn không dám làm”. Tương tự, cô Phan Thị Yến cho rằng, sân chơi rất hay nhưng không phải HS nào cũng có điều kiện về kinh tế, vì thế nhà trường cũng chưa nghĩ đến việc tổ chức.
Theo bảng giá mà phía công ty đưa ra cho các trường, chúng tôi được biết, chỉ tính riêng chi phí đầu tư các gói robot (chưa kể kinh phí điện nước, tiền mua máy tính), sau khi được nhà cung cấp ưu đãi giảm 20% thì còn khoảng 104 triệu đồng cho 18 lớp học trong vòng 1 năm. Đây là một khoản tiền không nhỏ nên hầu hết các trường đã không mở lớp.
Ngoài kinh phí, một số ý kiến băn khoăn về tính liên tục của chương trình. Nếu một khóa học diễn ra trong vòng 3 tháng, vậy 3 khóa cơ bản, nâng cao, chuyên sâu chỉ cần 1 năm để hoàn thành. Như thế khoảng thời gian tiếp theo, HS sẽ làm gì? Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.Tân Bình băn khoăn: “Giả sử, một HS lớp 2 đăng ký học khóa cơ bản ngay từ đầu năm học, nếu em này học liên tục 3 khóa thì sẽ hoàn thành trước khi lên lớp 3. Vậy khoảng thời gian còn lại em sẽ làm gì? Nếu ngừng lại, đợi lên THCS học tiếp thì chương trình vừa bị gián đoạn, thời gian sẽ lãng phí và kiến thức liệu có đảm bảo là không bị xao nhãng?”.
Có thể thấy sân chơi robot hết sức thiết thực, ý nghĩa, tuy nhiên không phải trường nào cũng có thể đăng ký mở lớp khi mà những khó khăn trước mắt chưa được tháo gỡ. Chúng tôi được biết, hiện tại toàn thành phố mới chỉ có Trường Tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) giới thiệu đến HS và phụ huynh. Theo đó, toàn trường chỉ có khoảng 150 em đăng ký tham gia.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
Nỗi lo sau chiến thắng
Mới đây, hai HS tại một trường THCS (có tổ chức giảng dạy chương trình robot của Lego Education) được vinh dự sang Nga tham dự World Robot Olympiad 2104. Tuy nhiên, niềm vui lớn bao nhiêu thì nỗi lo kinh phí lại tỉ lệ thuận bấy nhiêu. Một phó hiệu trưởng trường này tâm tư: “Nhận được tin ra nước ngoài thi đấu các em vui mừng, hạnh phúc lắm. Nhưng khi nhìn vào khoản kinh phí đi lại rất cao mà không có nguồn hỗ trợ nào (gia đình phải tự túc) khiến các em lo lắng nhiều hơn vui. Nếu như gia đình có khó khăn thì chắc chắn các em không thể thi đấu tiếp và điều này thật đáng tiếc!”.
|
Bình luận (0)