Sở GD-ĐT dự kiến 50 cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) hoàn thiện mô hình giáo dục số vào năm 2025 với 10 thành tố được phân chia thành 4 phạm vi: chiến lược, chỉ đạo điều hành, vận hành và nền tảng…
TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng 50 trường học số đến năm 2025
Chia sẻ về việc đề xuất mô hình giáo dục số tại các cơ sở giáo dục TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay, mặc dù hoạt động CNTT của giáo viên và học sinh trong giai đoạn hiện nay được đánh giá là phổ biến và thường xuyên hơn, nhưng việc sử dụng các nền tảng và thiết bị số đa số phục vụ cho việc kết nối giải trí mua sắm nhiều hơn việc nghiên cứu phục vụ cho việc học tập trong nhà trường.
Chương trình GDPT 2018 được đánh giá là chương trình hiện đại có nhiều đổi mới, nổi bật là quan điểm giáo dục hướng đến năng lực học sinh. Từ quan điểm này phát sinh những yêu cầu về đổi mới phương pháp tổ chức dạy học lấy học sinh làm trung tâm phát triển kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, tự định hướng của học sinh. Công nghệ số vì thế trở thành một yếu tố bắt buộc để triển khai thành công chương trình.
Hệ sinh thái đa dạng, phong phú trong môi trường học tập
Sở GD-ĐT kỳ vọng, với mô hình giáo dục số học sinh có động lực nội tại để học hỏi, làm chủ việc học của mình, có khả năng tự quản lý và theo dõi việc học của mình một cách độc lập, có điều kiện để khám phá và duy trì sở thích ngoài chương trình giảng dạy; Học sinh được kết nối và liên tục học hỏi thông qua việc hợp tác với các học sinh khác, với cộng đồng thế giới và với nhiều nguồn thông tin trực tuyến, ngoại tuyến; Học sinh có khả năng tận dụng công nghệ để học tập tìm tra cứu thông tin; Tự tư duy suy nghĩ đánh giá nội dung áp dụng và sáng tạo trên nền tảng kỹ thuật số hoạt động trên không gian số một cách an toàn và có trách nhiệm.
Đối với giáo viên, giáo viên có khả năng thiết kế những trải nghiệm học tập, trao quyền học tập lại cho học sinh; Có khả năng tùy chỉnh việc học để đáp ứng nhu cầu của từng học sinh, thay đổi thiết kế trải nghiệm học tập để cải tiến liên tục chất lượng của lớp học. Những giáo viên ứng dụng CNTT một cách hiệu quả có khả năng tạo điều kiện cho học sinh học tập tích cực bằng các phương pháp sau: Lấy công nghệ làm trung gian cho các tương tác học tập giữa học sinh với nội dung, giáo viên, học sinh khác và cộng đồng; Tận dụng dữ liệu học tập để cung cấp phản hồi tốt hơn và can thiệp một cách hiệu quả, có mục đích quá trình học tập của học sinh; Giáo viên thông qua các lớp bồi dưỡng và công nghệ hàng ngày liên tục phát triển bản thân một cách chuyên nghiệp thông qua việc tìm hiểu và chia sẻ các công nghệ, kỹ năng số và luôn cập nhật những phát triển công nghệ mới phục vụ cho việc dạy và học.
Đối với mỗi trường học, ngành giáo dục thành phố kỳ vọng mỗi trường học phát triển một môi trường học đường hỗ trợ học tập liền mạch bằng cách không ngừng nâng cao cơ sở hạ tầng và hệ thống CNTT hỗ trợ việc dạy và học ở trường và ở nhà, mở rộng tái tạo không gian học tập trên các nền tảng số để làm phong phú thêm các tương tác học tập bên ngoài lớp học.
Để thực hiện mô hình trường học số, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất các trường học tổ chức hội thảo để hoàn thiện mô hình và ghi nhận các kinh nghiệm triển khai thiết kế thích ứng, đặc biệt quan tâm kinh nghiệm của các đơn vị có những thành công để có cơ hội nhìn lại từ bên ngoài về các nội dung đã thực hiện. Chú trọng vào quy định của công tác phát triển chuyên môn và xây dựng cộng đồng chuyên môn có năng lực phẩm chất đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Đề cao vai trò của hệ sinh thái bao gồm các thành phần bên ngoài nhà trường chứ không chỉ các hoạt động xây dựng bên trong nội bộ nhà trường…
Mở rộng học tập, học sinh tiếp cận với giáo dục chất lượng cao
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trường học số tại TP.HCM là mô hình sử dụng CNTT và truyền thông để nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục.
Trường học số được triển khai sẽ giúp học sinh được tiếp cận với nguồn học liệu phong phú, đa dạng thông qua các thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh.
TP.HCM kỳ vọng trường học số sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho cả người học, người dạy và cơ sở giáo dục
Ngoài ra, trường học số tại thành phố giúp học sinh có cơ hội tương tác với giáo viên và bạn bè trong môi trường số. Trường học số tại TP.HCM được triển khai dưới hình thức kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, học sinh sử dụng phần mềm, ứng dụng CNTT và truyền thông để hỗ trợ việc tự học, học theo hướng dẫn tại nhà và học tập tại trường.
Trường học số tại TP.HCM có các hoạt động dạy học hướng đến mục tiêu mang lại nhiều lợi ích cho người học: Nâng cao chất lượng dạy và học, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận với nguồn học liệu phong phú, đa dạng, hiện đại, giúp giáo viên và học sinh tương tác với nhau một cách hiệu quả.
Tăng cường tính cá thể hóa trong học tập, giúp giáo viên và học sinh thiết kế các hoạt động học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng cá nhân. Mở rộng cơ hội học tập, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng cao.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, một số tiêu chí cơ bản trường học số TP.HCM phấn đấu đạt được đến năm 2025 bao gồm:
Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Trên 50% cán bộ quản lý, nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số.
Có trên 50% giáo viên các cơ sở giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng phát triển học liệu số.
Hoàn thiện và phát triển cơ sở dữ liệu, nội dung học liệu số tương tác; Hạ tầng, nền tảng, học liệu số.
Quản lý số và quản trị số: Thực hiện số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng nghề nghiệp…; Có hệ thống thời khóa biểu, hệ thống sổ liên lạc điện tử, hệ thống quản lý tài chính, tài sản, hệ thống quản lý bán trú, nội trú, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục; kết nối hệ thống trung tâm điều hành giáo dục; kết nối hệ thống tuyển sinh, hệ thống quản lý học tập LMS, LCMS, hệ thống hỗ trợ chấm kiểm tra, kho học liệu…
Xây dựng thư viện điện tử; Ứng dụng công nghệ AI, VR/AR; Ứng dụng IoT.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)