Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường học tại TP.HCM, Vũng Tàu, Tiền Giang… đóng cửa tránh bão

Tạp Chí Giáo Dục

Trưa 6-11, nhiều trường học ở quận 2, quận 9, Thủ Đức… tại TP.HCM đã thông báo phụ huynh đón con để đề phòng cơn bão số 13 dự kiến đổ bộ vào đất liền chiều tối 6-11.

Người dân Cần Giờ di dời tránh ATNĐ được bố trí ở tạm tại Nhà thiếu nhi huyện – Ảnh: Quang Khải
Cụ thể, tại quận 9, từ 10g sáng, nhiều trường mầm non, tiểu học dán thông báo mời phụ huynh đón con về nhà trong buổi trưa ngày 6-11. Nếu phụ huynh không có điều kiện đón con thì nhà trường chịu trách nhiệm giữ và có phương án chăm lo cho học sinh tại trường.
Bà Lê Thị Minh Loan, trưởng phòng giáo dục quận 9, cho biết: “Chúng tôi cũng thông báo rõ với những phụ huynh chưa đón con trưa 6-11 rằng không nên đến đón con vào khoảng từ 15 đến 16g chiều. Các trường đã chuẩn bị các phương án về an toàn, thực phẩm, nhân sự… để có thể đảm bảo chăm lo cho học sinh ở trường trong thời gian có bão. Ngày mai 7-11 nếu trời vẫn dông và mưa thì đề nghị cho học sinh tiếp tục nghỉ học, nếu không mưa thì học sinh vẫn đến trường như bình thường”.
Tại các quận huyện khác, phụ huynh cũng đã được thông báo đến đón con sau khi kết thúc buổi học sáng.
Sáng 6-11, Sở GD – ĐT TP.HCM cũng đã có công văn gửi trưởng phòng giáo dục các quận huyện, hiệu trưởng các trường phổ thông về việc khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với cơn bão số13.
Sở yêu cầu hiệu trưởng các trường phối hợp với phụ huynh học sinh lưu ý không cho học sinh ra đường trong tình huống bão xảy ra và nghiêm cấm học sinh di chuyển bằng đường sông từ nay cho đến khi bão đi qua. Nghiêm cấm việc tổ chức tham quan, sinh hoạt ngoại khóa tại Cần Giờ trong thời gian cơn bão số 13 đang hoạt động.
Về việc cho phép học sinh nghỉ học trong trường hợp không đảm bảo an toàn do bão, Sở đề nghị các cơ sở giáo dục báo cáo xin ý kiến giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM và chủ tịch UBND quận, huyện.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Cho học sinh, sinh viên nghỉ học chiều 6-11
Lúc 10g15 sáng 6-11, ông Lê Thanh Dũng- phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ký công văn “thượng khẩn” chỉ đạo cho Sở Giáo dục và đào tạo, UBND các huyện, thành phố, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh này, cho phép tất cả học sinh, sinh viên trên địa bàn nghỉ học vào chiều 6-11.
Một người dân cưa cây tràm trước cửa nhà để phòng cây gãy, đổ khi bão đến trên đường 30-4, phường 12, TP Vũng Tàu – Ảnh: Đông Hà
Đại tá Trương Văn Tài, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, từ chiều 5-11, các lực lượng biên phòng chốt ở cửa khẩu, cửa biển ra vào đã cấm tất cả các ghe, tàu xuất bến. Đồng thời, biên phòng đã tổ chức lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm- nơi có ghe tàu đậu nhiều, bến cảng, âu thuyền phối hợp cùng với lực lượng tại chổ để neo giữ thuyền bè, giằng chắc nhà cửa, kho tàng,… 
“Tất cả các ghe tàu ở ngoài biển đều phải vào bờ hoặc phải cưỡng ép vào bờ. Đến đầu giờ chiều nay, công tác phòng, chống áp thấp nhiệt đới phải cơ bản xong”, đại tá Tài cho biết. Đại tá Đào Quang Hiển, tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, đến 11g ngày 6-11, BĐBP tỉnh đã kêu gọi được 3.505 tàu cá/15.687 ngư dân vào bờ, còn lại hơn 1.500 tàu cá cùng hơn 10.000 ngư dân đánh bắt xa bờ và gần 400 tàu cá/hơn 1.600 ngư dân đánh bắt gần bờ chưa vào bờ. Không có tàu cá không liên lạc được. 
Tại UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, các cuộc họp vào chiều 6-11 cũng phải tạm hoãn để tập trung phòng, chống bão. Từ tối 5-11, các loa phóng thanh của các phường, xã cũng đã kêu gọi người dân cảnh giác với bão, có biện pháp giữ gìn tài sản, nhà cửa của mình.
Theo ghi nhận của PV TTO, nhiều người đã kiểm tra mái nhà, giằng nhà cửa và cưa những cây ở gần nhà.
Bến Tre: Thông báo cho gần 1.000 tàu thuyền tránh bão
Trưa 6-11, ông Nguyễn Khánh Hoan, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai tỉnh Bến Tre, cho biết đến thời điểm này bộ đội biên phòng đã liên lạc thông báo cho 587 tàu thuyền hoạt động gần bờ và 333 tàu thuyền (với gần 3.000 người) biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh, trú bão an toàn.
Hiện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã bố trí lực lượng với 400 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện chuyên dụng, xe cấp cứu sẵn sàng ứng phó, giúp dân khi bão đổ bộ vào đất liền…
Tỉnh Bến Tre cũng đang tích cực bố trí lực lượng hướng dẫn, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản, tàu thuyền tại khu neo đậu đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển. Ngoài ra, các địa phương thông báo cho người dân ở vùng ven biển, cửa sông, cồn bãi thuộc vùng nguy hiểm di chuyển đến nơi an toàn.
Các lực lượng khác cũng triển khai lực lượng chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình. Các địa phương tiến hành di chuyển phương tiện, vật tư tại chỗ gồm bao tải đất, cừ tràm… đến những địa điểm xung yếu để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra tràn, vỡ đê do mưa lớn kết hợp với đợt triều cường trong tỉnh đang tiếp tục lên cao.
Tiền Giang: Học sinh Gò Công Đông nghỉ học tránh bão
Ông Phạm Văn Bé – phó chủ tịch huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang – cho biết tất cả các trường học trên địa bàn huyện sẽ được nghỉ học chiều 6-11 để đề phòng bão số 13.
Chèn bao cát chống bão ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông – Ảnh: Sơn Lâm
Giữa trưa 6-11, hai huyện ven biển Tiền Giang gồm Gò Công Đông và Tân Phú Đông trời vẫn nắng ráo.
Vùng ven biển có đê bao bờ biển gồm thị trấn Vàm Láng, xã Tân Phước, Gia Thuận, Tân Đông, Tân Thành đang có hơn hai ngàn hộ dân đang sống ngoài vành đê bao. Tất cả đều đã được huy động sẵn sàng với tình trạng di dời khẩn cấp sang các điểm nhà trường, ủy ban,… phía trong đê bao nếu có lệnh di dời khẩn cấp.
Phía huyện Tân Phú Đông, ông Đoàn Văn Thơ – chủ tịch huyện Tân Phú Đông – cũng cho biết tất cả các người dân đều đã được thông tin về cơn áp thấp có thể biến thành bão số 13, và sẵn sàng di dời khẩn cấp.
Một số hộ dân sống cập bờ biển vẫn đang cố sức chèn chắn bao cát lên mái.
Tại trụ sở Ban quản lý các dự án nuôi trồng thủy sản, xã Phú Tân, Tân Phú Đông, các nhân viên đã chèn chắn được hơn 70 bao cát lên mái nhà.
Ông Trương Văn Hoanh – phó giám đốc Ban quản lý – cho biết từ sáng, các trưởng ấp đã đi thông tin các phương án sẵn sàng đối phó bão cho từng nhà.
“Năm 2006, bão đã vào đây một lần nên người dân ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm rồi, họ sẵn sàng đi nếu có lệnh di tản của chính quyền.”, ông Hoanh nói.

Theo Tuổi Trẻ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)