Trường lớp xanh – sạch – đẹp, nhà vệ sinh được cải thiện, đổi mới phương pháp dạy học tích cực dẫn đến chất lượng giáo dục trường học cho các em dân tộc ít người chuyển biến. Từ 40-50 học sinh bỏ học đã giảm còn 8 học sinh.
Chuyển biến ý thức thầy và trò
Đến trường vào đúng những ngày hè, công trình xây dựng còn đang ngổn ngang nhưng đập vào mắt chúng tôi là sự khang trang của một ngôi trường vùng cao. Là một trong những trường miền núi của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, sau một năm hưởng ứng phong trào "Trường học thân thiện, HS tích cực", Trường THCS Phú Cường đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Tiếp chúng tôi là dàn giáo viên còn rất trẻ, nhưng ở họ là sự tận tâm, nhiệt huyết phơi phới. Điều đó như nguồn sinh khí tiếp thêm sức mạnh cho giáo dục vùng cao. Qua những câu chuyện với họ, chúng tôi hiểu, để có được ngôi trường như ngày hôm nay họ đã phải nỗ lực rất nhiều.
Những chiều chiều, tối tối lần mò hàng cây số đến nhà vận động HS ra lớp. Đêm đêm vẫn thắp đèn soạn giáo án và tìm phương pháp giảng dạy sao cho HS, chủ yếu dân tộc Mường, dễ hiểu nhất.
Giáo viên "chịu" đổi mới phương pháp giảng dạy mối quan hệ thầy trò được cải thiện và đặc biệt các em HS dân tộc thích ra lớp hơn
|
Cô Dương Thị Hải Long, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự, các giáo viên ở đây ngoài buổi sáng dạy chính khóa đều phải tham gia dạy phụ đạo buổi chiều để bổ sung kiến thức cho HS. Nhờ đó, HS nắm vững kiến thức tốt hơn và học tích cực hơn.
Ngoài ra, trong 38 giáo viên, chỉ có 8 giáo viên là người dân tộc, 30 giáo viên còn lại đều tư nơi khác đến, nhà trường đã phải vận động, khuyến khích họ học tiếng dân tộc, để hiểu, gần gũi với học trò hơn, và thuận tiện trong việc đưa HS ra lớp.
"Góp gió thành bão", từ chỗ, năm học 2007-2008 có 4% HS bỏ học thì năm học này chỉ còn 1,8% với 8 HS. Tỷ lệ HS yếu kém cũng giảm từ 22% còn 7%. Ngược lại, chất lượng học lực khá giỏi tăng khá cao, từ 64 HS lên 112 HS.
Đến trường tham gia sinh hoạt hè, nhóm HS lớp 7A phần khởi nói với chúng tôi, mọi năm trường chỉ tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ nhỏ, nhưng năm qua, quy mô tổ chức đã lớn hơn nhiều. Những cuộc thi cắm trại nhân ngày 26/3, thi "nét đẹp tuổi hoa", thi "" Tiếp bước cha anh", rồi đưa cho chơi dân gian vào nhà trường đã khiến không khí học tập sôi động hơn trước. Qua các hoạt động, thầy và trò gần gũi nhau hơn, các HS trong lớp học tập tích cực và chơi cũng tích cực hơn trước.
Phát huy phong trào rất dễ, cô Long cho biết, nhưng để trở thành phong trào "chúng tôi đã tổ chức thi giữa các lớp, giáo viên trẻ cũng tham gia nên tạo sự hứng khởi".
Cũng trên địa bàn huyện Tân Lạc, Trường THCS Kim Đồng nằm dựa sát vách núi cao dựng đứng, dù hơn 10 năm tuổi đời nhưng đã khẳng định được vị trí giáo dục như một trường "điểm" của huyện Tân Lạc.
Từ khi phát động phong trào thân thiện, tích cực, trường đã tăng cao số lượng HS giỏi, chiếm 24% với 97/402 em. Hiệu trưởng, cũng là trưởng ban chỉ đạo xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực cho biết, trường đã bám sát mục tiêu yêu cầu của phong trào. Đặc biệt, việc xây dựng trường lớp xanh – sạch – đẹp và yêu cầu cảnh quan môi trường đã có sự thay đổi rõ rệt. Hình thành được kỹ năng vứt rác, thu thập rác của HS dân tộc khiến cho môi trường được bảo vệ tốt hơn.
HS được phân công chăm sóc từng khóm hoa, cây cảnh quanh sân trường. Ngoài ra, trường còn nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ của huyện, cách trường vài cây số.
"Phạt" đất cứu chữ
Ông Bùi Văn Ục, Phó Chủ tịch xã Phú Cường trăn trở, đây là xã 135 của Chính phủ và là xã khó khăn thứ 2 của huyện Tân Lạc, chiếm đến 96% là dân tộc Mường. Đời sống của nhân dân chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán nhỏ, thu nhập khoảng 4,5-5 triệu/năm nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì lẽ đó, để chăm lo đầy đủ trường lớp cho con em còn gặp nhiều chật vật. Nhân dân đóng góp cho trường lớp chủ yếu bằng sức người, góp ngày công. Mặc dù vậy nhưng xã vẫn phấn đấu đến năm 2010 không còn phòng học tranh tre nứa lá.
Đại diện hội cha mẹ HS Trường THCS Phú Cường, bà Bùi Thị Vân, dân tộc Mường chầm chậm nói còn chưa rõ tiếng Việt cho chúng tôi hay, xã có chủ trương "phạt" gia đình nào không cho con em ra lớp bằng cách giữ 500 m2 đất không cho canh tác. Tuy đến nay chưa phải thực hiện nhưng đều đưa ra để vận động bà con.
Ông Ục cũng nói thêm, giao cho trưởng xóm, bí thư nâng cao trách nhiệm và coi đó là một trong những tiêu chí thi đua của thôn, xóm, nếu có con em bỏ học sẽ bị hạ bậc.
Còn ông Nguyễn Minh Hiền, Trưởng ban đại diện phụ huynh Trường THCS Kim Đồng tâm huyết, ý thức của bà con cho con em đến trường đã được cải thiện. Đồng thời, khi phong trào trường thân thiện phát động, phụ huynh đã vận động, ủng hộ con em tích cực tham gia công tác nhà trường, chăm sóc di tích lịch sử bên cạnh việc phấn đấu học tập tốt.
Trường Phú Cường vào năm học mới sẽ có thêm 6 phòng học kiên cố và giáo viên có thêm 4 nhà công vụ xây mới để sinh hoạt. Trường chuẩn quốc gia Kim Đồng vẫn đang tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo. Cuộc vận động "Trường học thân thiện, HS tích cực" 1 năm qua đã giúp cho việc học của trò được tích cực hơn, giáo viên "chịu" đổi mới phương pháp giảng dạy mối quan hệ thầy trò được cải thiện và đặc biệt các em HS dân tộc thích ra lớp hơn.
- Bảo Anh (Vietnamnet)
Bình luận (0)