Học sinh Đan Mạch, Na Uy được đo thân nhiệt trước khi vào trường, ngồi cách nhau 1,8 m, tách thành lớp 15-20 em để phòng Covid-19.
Học sinh được nhắc nhở rửa tay cách hai tiếng mỗi lần. Các bề mặt tiếp xúc như bồn rửa, bồn cầu, tay nắm cửa được khử trùng hai lần mỗi ngày. Một số tiết học được tổ chức ngoài trời, tuy nhiên sân chơi, thư viện trường học phải đóng cửa. Học sinh không nhất thiết phải đeo khẩu trang.
Đến ngày 6/5, Đan Mạch ghi nhận 9.821 ca nhiễm nCoV, trong đó 503 người tử vong.
Học sinh Đan Mạch được khuyến khích học tập và vui chơi ngoài trời nhưng phải cách nhau 1,8 m để giãn cách xã hội. Ảnh: BBC.
Tại Na Uy, trẻ mẫu giáo đi học lại từ ngày 20/4, học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 từ ngày 27/4. Học sinh trung học sẽ đến trường muộn hơn. Để khuyến khích giãn cách xã hội, Chính phủ Na Uy yêu cầu trường học chia lớp thành các nhóm không quá 15 em, ngồi cách nhau 1,8 m. Học sinh được đo thân nhiệt, yêu cầu rửa tay thường xuyên, khuyến khích hoạt động ngoài trời nhiều nhất có thể.
Nhân viên nhà trường khử trùng lớp học, đồ chơi, thiết bị điện tử hai lần một ngày. Trẻ mẫu giáo được yêu cầu không mang theo đồ chơi riêng đến trường. Những đồ chơi chung như búp bê, thú nhồi bông được yêu cầu loại bỏ.
Trước đó từ đầu tháng 3, Chính phủ Na Uy ra lệnh đóng cửa trường học, chuyển sang học trực tuyến vì Covid-19. Đến ngày 6/5, Na Uy ghi nhận 7.955 ca nhiễm nCoV, trong đó 215 người chết.
Tại Trung Quốc, học sinh phổ thông lần lượt đi học lại từ cuối tháng 3. Quy định về cấp học, thời gian mở cửa tùy thuộc tình hình dịch bệnh và quyết định của chính quyền từng khu vực. Gần 50.000 học sinh lớp 12 tại thủ đô Bắc Kinh, tâm dịch Covid-19, trở lại trường từ ngày 27/4, học sinh các cấp khác từ ngày 11/5. Học sinh năm cuối THPT, trường dạy nghề tại tỉnh Hồ Bắc sẽ đi học từ ngày 6/5.
Trước mỗi cổng trường, nhân viên y tế dựng lều dã chiến. Học sinh xếp hàng cách nhau một mét đo thân nhiệt. Ở trường, học sinh được yêu cầu đeo khẩu trang, khoảng cách ngồi học giữa các em được quy định theo từng tỉnh. Chẳng hạn, tại Bắc Kinh mỗi lớp học tối đa 25 học sinh. Một lớp có thể chia thành nhiều phòng học, sử dụng riêng nhà vệ sinh. Ngoài đo thân nhiệt, học sinh phải trình báo mã sức khỏe màu xanh trên ứng dụng điện thoại để chứng minh không nhiễm nCoV.
Tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, học sinh lớp 1 đến lớp 3 đi học trở lại. Các em đội "mũ giãn cách" có gắn thanh ngang dài một mét để đảm bảo khoảng cách với các bạn trong lớp.
Trước đó từ cuối tháng 1, các trường phổ thông, mẫu giáo, đại học tại Trung Quốc đã đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến. Quốc gia này cũng thông báo lùi kỳ thi tuyển sinh vào đại học gaokao một tháng, tức vào ngày 7-8/7 vì Covid-19.
Đến ngày 6/5, Trung Quốc ghi nhận 82.883 ca nhiễm nCoV, trong đó 4.633 người tử vong.
Từ ngày 3/5, học sinh lớp 1 đến lớp 3, học sinh giáo dục đặc biệt và học sinh cuối cấp THPT tại Israel đã được đi học trở lại. Học sinh xếp hàng, đo thân nhiệt trước khi vào trường. Phụ huynh phải ký vào mẫu đơn xác nhận sức khỏe cho con để chứng minh các em không nhiễm nCoV. Nếu một thành viên trong gia đình nhiễm bệnh, học sinh không được phép đến trường.
Trên đường đi học, học sinh phải đeo khẩu trang, nhưng trong lớp không bắt buộc. Tại trường, học sinh và giáo viên không được tiếp xúc thân thể. Học sinh không được mượn sách từ thư viện về nhà, không chia sẻ thức ăn, không mượn đồ dùng học tập từ bạn bè hoặc chơi các trò có thể động chạm thân thể.
Giáo viên trên 65 tuổi chưa được phép trở lại làm việc vì có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng hơn đồng nghiệp kém tuổi. Những giáo viên này có thể tiếp tục giảng dạy trực tuyến tại nhà hoặc hợp tác với giáo viên trên trường thông qua phần mềm Zoom.
Học sinh, sinh viên trường mẫu giáo, phổ thông, đại học tại Israel được nghỉ học phòng Covid-19 từ ngày 12/3. Đến ngày 5/5, Israel ghi nhận 16.288 ca nhiễm nCoV, trong đó 237 người tử vong.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã ra thông báo mở cửa trường học từ tháng 5 như Hàn Quốc, Pháp, Phần Lan, Hà Lan. Số khác vẫn đang cân nhắc tình hình, trong đó có Italy, Tây Ban Nha, Anh.
Đến ngày 6/5, Covid-19 đã lan ra 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,7 triệu người nhiễm và hơn 258.000 người chết. UNESCO ước tính đại dịch khiến 188 quốc gia đóng cửa toàn bộ trường học, làm gián đoạn học tập của 91% học sinh toàn cầu, tương đương 1,6 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên.
Tú Anh/Vnexpress (Theo Insider, The Local, CNN)
Bình luận (0)