Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường học trầy trật định hướng học nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường THCS ở Hà Nội thực hiện phân luồng, hướng nghiệp nhiều năm qua, nhưng hiệu quả rất thấp. Đại đa số phụ huynh học sinh vẫn nóng lòng, tìm mọi cách để con học tiếp bậc THPT, thay vì chọn nghề từ sớm.

Phụ huynh, học sinh không mặn mà

Cô T.D, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 một trường THCS tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), nói rằng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là công việc rất gian nan và nhạy cảm. Thông thường, giáo viên sẽ dựa trên kết quả học tập của học sinh để động viên, khuyến khích các em nỗ lực nếu vẫn có mục tiêu thi vào THPT. Trên thực tế, sau một thời gian học tập, thông qua các bài kiểm tra, đánh giá hằng tháng, học kỳ…, học sinh không tiến bộ, giáo viên thường sẽ tư vấn cho các em và phụ huynh về việc học nghề. “Kinh nghiệm các năm cho thấy, những em điểm kiểm tra thấp, dự thi tuyển sinh lớp 10 cũng không đỗ, nhưng phụ huynh, học sinh rất khó chấp nhận định hướng đi đó. Thậm chí, nếu giáo viên tư vấn không khéo léo sẽ bị phụ huynh cho là ép học sinh không thi”, giáo viên này nói.

Trường học trầy trật định hướng học nghề ảnh 1

Tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề chỉ khoảng hơn 10%

Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (Hà Nội), cho biết, tỉ lệ học sinh quyết định lựa chọn hướng học nghề sau tốt nghiệp THCS hiện chưa cao. Lý do là nhiều phụ huynh muốn cho con học tiếp lên bậc THPT để thi vào ĐH. Do đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp ở trường THCS gặp khó khăn. “Một số em không hứng thú với việc học, kết quả kiểm tra, đánh giá không cao, nhưng gia đình không định hướng cho con học nghề”, bà Hiền nói.

PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH QG Hà Nội, chỉ ra nguyên nhân không nhiều học sinh, phụ huynh mặn mà với học nghề là do ở những thành phố lớn như Hà Nội, người dân có điều kiện kinh tế, có nhu cầu cho con học tiếp THPT và ĐH. Do đó, không nên siết tỉ lệ học sinh vào trường THPT công lập xuống mức thấp như hiện nay (chỉ 55,7%). Ngoài ra, công tác tư vấn, hướng nghiệp các trường hiện làm không bài bản, giao cho giáo viên kiêm nhiệm, trong khi họ định kiến “học sinh dốt” thi không đỗ THPT mới đi học nghề.

Vài tháng nay, phụ huynh có con thi tuyển vào lớp 10 Hà Nội nháo nhào tìm phương án 2 là các trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, đối với những trường có chất lượng, hằng năm đã đưa ra phương thức tuyển sinh xét tuyển hồ sơ học bạ kết hợp điểm kỳ thi chung của Sở GD&ĐT. Những trường tốp dưới, phụ huynh phải cân nhắc nhiều điều kiện như: chất lượng dạy học, môi trường giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất, học phí… Một số phụ huynh “hết cửa” để con vào THPT công lập vẫn tặc lưỡi, cố gánh học phí 3 năm trường ngoài công lập vì chính mình và cả con đều không muốn học nghề.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, hằng năm các cơ sở giáo dục nghiêm túc thực hiện việc phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh THCS. Ngành GD&ĐT đã phối hợp với các đơn vị tuyên truyền nhằm giúp học sinh THCS, THPT và gia đình tiếp cận thông tin qua các hoạt động như: ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu nghề nghiệp, kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động… Trong đó, lấy giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các nhà trường. Hà Nội cũng có chính sách trợ giúp giáo dục hướng nghiệp, phân luồng bằng việc đầu tư mở rộng qui mô trường, lớp, mua sắm, trang bị cơ sở vật chất… Kết quả, số lượng học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề tại các trung tâm GDNN-GDTX hằng năm có tăng nhưng chỉ dừng lại ở con số rất khiêm tốn. Năm 2023-2024, Hà Nội có hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng dự kiến tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như trung tâm GDNN – GDTX liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hoá chương trình GDTX cấp THPT khoảng 17.210 học sinh (chiếm tỉ lệ 13,4%).

Thay đổi tư duy hay cách làm?

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội, cho rằng, ông khá bất ngờ khi trong một hội thảo vẫn có học sinh lớp 8, bậc THCS có tầm nhìn muốn định hướng sớm cho tương lai. Vì làm công tác tư vấn tuyển sinh tương đối lâu, ông gặp nhiều học sinh học đến lớp 12 rồi cũng không định hình được sẽ làm gì, thi gì. Theo GS Thảo, việc định hướng nghề nghiệp nên được bắt đầu từ sớm, tốt nhất là từ bậc THCS. Học sinh nên xác định xem mình ở đâu, phân luồng vào học nghề, học ĐH hay học nhóm ngành nào. “Các em cũng không nên suy nghĩ rằng ta chỉ có một con đường vào ĐH. Có thể vào ĐH thì có nhiều cơ hội nhưng cũng không phải con đường duy nhất. Đến lớp 9 mình đã có thể định hướng học nghề và cũng nên thay đổi suy nghĩ, bởi nếu ta là một người thợ giỏi còn hơn là một người thầy tồi”, GS Thảo nói.

Ông Ngô Minh Tuấn, Chủ tịch tập đoàn CEO Việt Nam Global, cho rằng, ngày nay nhiều học sinh băn khoăn về việc học nghề hay tiếp tục học để thi vào ĐH trong khi nhiều em không hiểu rõ được sự khác biệt giữa học nghề và học ĐH. Phải nói cho học sinh hiểu được bản chất của đi học nghề là làm một việc cụ thể, có tính ứng dụng ngay, dành cho những người muốn tốn ít tiền nhưng nhanh chóng kiếm tiền. Còn học ĐH mang tính hàn lâm hơn, khi ra trường, sinh viên tự đi tìm công việc phù hợp và trên thực tế không ít người thất nghiệp. Các quốc gia văn minh họ phân luồng ngay từ sớm, tạo điều kiện cho những em xuất sắc tiếp tục học ĐH, nếu không vẫn thông qua học nghề rồi học liên thông lên ĐH. Ông khuyên học sinh không nên chạy theo nghề “hot”mà cần tập trung vào năng lực sở trường của bản thân và thật giỏi trong nghề mình chọn.

Theo Hà Linh/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)