Hội nhậpGiáo dục phát triển

Trường học trong doanh nghiệp: Mô hình đào tạo “thực nghề” hiệu quả

Tạp Chí Giáo Dục

“Thực nghề” là cách nói chuẩn xác khi đánh giá trình độ tay nghề của người lao động. Bởi vì theo thống kê mới nhất, hiện nay, nước ta đang có khoảng trên 40 triệu người lao động, nhưng chỉ 26 % trong số này được đào tạo nghề. Có một bất cập mà khi đặt vấn đề cho “Đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu của xã hội”, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân nêu lên được toàn xã hội thừa nhận: Phát triển giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng mong mỏi của những nhà quản lý, của nhân dân và của nền kinh tế. Từ sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, doanh nghiệp để giải bài toán bất cập này đã bắt đầu cho dấu hiệu xoay chuyển thực trạng; những mô hình mới trong đào tạo nghề ra đời.

Sự kém thu hút trong đào tạo nghề do đâu?

Trước hết, đó là tâm lý tồn tại từ lâu nay trong xã hội: chỉ có vào đại học mới có danh tiếng, mới có tương lai. Các bậc phụ huynh có điều kiện khá giả bằng mọi cách để cho con thi vào đại học đã đành, nhiều gia đình khó khăn, thiếu thốn vẫn “thắt lưng buộc bụng” cho con học đại học với hi vọng đổi đời. Khoảng 5 năm trở về trước, khi Bộ GD&ĐT chưa triển khai cuộc vận động “Hai không”, có nhiều học sinh học lực trung bình, thậm chí là yếu chỉ cần đỗ tốt nghiệp vẫn dự thi một lúc vài ba trường đại học. Tâm lý này cũng liên quan tới nạn “bằng cấp” khi tuyển dụng ở các cơ quan, doanh nghiệp, mà lẽ ra trong thực tế, nhu cầu về nguồn nhân lực không chỉ cần “thầy” mà cần cả “thợ”. Tại Singapore, một nước công nghiệp được coi là một trong bốn “con rồng châu Á”, thu nhập đầu người so với nước ta gấp 40 lần nhưng cứ khoảng 100 HS tốt nghiệp lớp 12 mới có 35 HS vào đại học, còn lại theo học trung cấp, học nghề. Tâm lý chuộng bằng cấp đã làm cho đa số các trường nghề phải chật vật về chỉ tiêu tuyển sinh trong nhiều năm qua. Một khi không đảm bảo chỉ tiêu đầu vào thì cũng kéo theo khó khăn về kinh phí đào tạo. Với điều kiện hiện nay, để đóng học phí đầy đủ, đảm bảo cho đào tạo nghề chất lượng cao là khá tốn kém. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từ cách đây 2 năm đã nhận rõ thực tiễn: “Chúng ta đang đứng trước một vòng luẩn quẩn: dựa vào khả năng đóng tiền thì đóng ít, đóng ít thì đào tạo chất lượng thấp, chất lượng thấp thì không có việc làm không ai muốn học. Vậy phải phá vỡ cái vòng luẩn quẩn ấy như thế nào?”.

Góp phần vào nguyên nhân của chất lượng đào tạo thấp không chỉ có sự sơ sài, thiếu thốn ở cơ sở hạ tầng, trang thiết bị mà còn ở sự lạc hậu về giáo trình, giáo án, sự chậm trễ, ít đổi mới ở phương pháp dạy. Giáo viên dạy ở trường nghề còn ít có sự tuyển lựa kỹ càng, đòi hỏi cao về năng lực tay nghề nên không thể có “chuẩn đầu ra” như ý muốn. Hầu hết HS ở các trường nghề ra trường, khi đi tuyển dụng, doanh nghiệp, nhất là nước ngoài phải đào tạo lại là một thực tế. Ngay như ngành CNTT đang được coi là “thịnh” nhất hiện nay, giữa đào tạo nguồn nhân lực và yêu cầu sử dụng lao động trong ngành cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong khi đó, nhu cầu cho sự phát triển nhân lực CNTT của cả nước đến năm 2015 là một triệu người.

Kinh nghiệm từ doanh nghiệp

Hơn ai hết, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là nơi kiểm định chính xác trình độ tay nghề và kỹ năng làm việc của người được tuyển dụng. Một câu hỏi: trường học, lớp học trong doanh nghiệp, tại sao không? Hiện tại, một số trường đào tạo nghề đã ký kết hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, để cập nhật nguồn tài nguyên khoa học kỹ thuật, bổ sung các thiết bị, công nghệ mới phục vụ cho đào tạo. Một vấn đề cốt lõi là sự đổi mới phương thức đào tạo nghề. Chúng tôi có trực tiếp dự một lớp học nghề “Bác sỹ máy tính thực hành” tại Công ty Cổ phần Phú Việt Thành Đà Nẵng, chi nhánh nhượng quyền thương mại của Trường Cao đẳng nghề CNTT iSPACE. Một lớp học gồm 20 học viên, phần lớn là học sinh tốt nghiệp từ THCS đến THPT không thi được vào đại học hoặc không có điều kiện học lên. Công ty Cổ phần Phú Việt Thành là đơn vị đầu tiên thực hiện sứ mệnh đào tạo đội ngũ bác sỹ máy tính vững kiến thức, am hiểu công nghệ, giỏi chuẩn đoán và chữa trị của iCARE –iSPACE tại Đà Nẵng. Ông Phạm Trường Thi, Phó GĐ Công ty Phú Việt Thành nêu quan điểm về đào tạo “thực nghề” của công ty mình: Ngành CNTT ngày nay rất phát triển, công nghệ thay đổi hằng ngày, chương trình đào tạo thì rút ngắn (7 tháng có một nghề), chúng ta không thể tham vọng cung cấp đầy đủ kiến thức ngành cho học viên và cũng như không nên dạy kỹ quá một vấn đề công nghệ cho học viên mà nên quan tâm đào tạo tăng cường cho học viên những kỹ năng tư duy, kỹ năng nghề để học viên trang bị cho mình sự chủ động học tập suốt đời và tư duy cho công việc. Phương pháp đào tạo cần tích cực và thực tế, kho sự cố thực hành phải là những “hồ sơ thực” để tạo sự mới mẻ, tạo môi trường để học viên thực sự tư duy trên nền kiến thức đã học”.

Trao đổi với chúng tôi về phương thức đào tạo “cầm tay chỉ việc”, ông Hồ Chí Thanh, giám đốc Công ty Nước Việt (Đà Nẵng) nhấn mạnh: Không phải dạy cho các em làm thầy, làm kỹ sư, bác sĩ mà là để các em có được một nghề đúng nghĩa “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Phải hiểu các em đến từ đâu, được học cái gì, muốn làm nghề phải thực hành thao tác. Tại sao lại không tận dụng những cái đã có sẵn, những tư duy từ văn bản không hiếm hiện nay để mà tích luỹ, lắp ghép cho gần với thực tế, từ đó mà phát triển lên, thay vì phải đi một con đường vòng vèo trở lại từ đầu tốn kém thời gian, công sức, tiền của?

Theo GD&TD

Bình luận (0)