Chấp nhận kể cả những lớp mẫu giáo có sĩ số tới 60-70 trẻ, nhưng nhiều gia đình ở không ít khu đô thị mới (ĐTM) trên địa bàn Hà Nội vẫn không thể chen chân xin được một chỗ học cho con trong độ tuổi mầm non vào trường công lập. Với các cấp học khác như tiểu học, THCS… tình cảnh cũng chẳng khá hơn. Để có chỗ học, nhiều bố mẹ phải chấp nhận đèo đưa con đi học xa, hay sáng- chiều chầu chực đón con ở các điểm ô tô nhận- trả trẻ học từ một số trường ngoài công lập cách nơi ở nhiều cây số. Trường cũ nếu có thì quá tải, ĐTM thì không xây đủ trường mới, thậm chí để “trắng” trường công lập… đó là thực tế chung ở nhiều ĐTM- nơi tưởng là mang lại cho người dân điều kiện sống hiện đại và đầy đủ hơn trước đó.
Thiếu trường học trong nhiều đô thị mới
Bà Bùi Thị Vân Anh (Trưởng phòng GD- ĐT quận Cầu Giấy) bức xúc nói về tình cảnh học sinh trong ĐTM thiếu trường công lập để học: Tại quận Cầu Giấy, khu đô thị Trung Yên có trường công lập cũ nên còn đỡ, khu Trung Hoà thì chẳng có trường mầm non công lập, chỉ có mầm non tư thục. “Hàng ngày trẻ con từ mầm non, tiểu học, THCS… vẫn phải băng qua con đường lớn để đến các trường học ngoài khu ĐTM, lấy đâu ra đủ trường, lớp trong ĐTM để trẻ con đi học được thuận tiện”.
Khẳng định một thực trạng không vui, bà Vân Anh cho biết: “Các khu ĐTM ở quận Cầu Giấy hiện vẫn trong tình trạng thiếu trường, lớp ở tất cả các bậc học, thiếu nhất vẫn là ở mầm non và tiểu học. Trường mầm non công lập cũ thì luôn ở tình trạng quá tải”.
Sau khi dư luận lên tiếng về việc khu đô thị Trung Hoà- Nhân Chính không có đất xây trường công lập, UBND quận đã đề nghị UBND thành phố cho xây dựng trường công lập ở những khu đô thị còn lại. Kết quả từ phản ứng này là khu đô thị Nam Trung Yên đã có được trường phổ thông công lập cho khu đô thị. Cho đến nay, Nam Trung Yên cũng là khu đô thị duy nhất trong thành phố có được “may mắn” ấy.
Quận Hoàng Mai có 4 khu ĐTM đã đông dân từ gần chục năm nay, nhưng hiện đều đang trong tình trạng “trắng” trường phổ thông, mà 5 năm qua dân số của quận Hoàng Mai đã tăng từ 18 vạn lên 26 vạn dân.
Bà Đinh Thanh Hằng (Phó trưởng phòng GD- ĐT quận Hoàng Mai) cho biết phát triển hệ thống trường học ở quận đã không kịp với tốc độ phát triển dân số. Chủ trương của thành phố là đẩy mạnh mô hình xã hội hoá GD trong các khu ĐTM (dành đất quy hoạch để các nhà đầu tư xây trường học ngoài công lập). Song dù có đẩy mạnh xã hội hoá GD thì vẫn phải đảm bảo mỗi phường có ít nhất ở mỗi cấp học một trường công lập. Bà Hằng cho rằng: “Quá tải là tình trạng chung của trường công lập. Những ĐTM như Định Công phát triển chủ yếu các trường mới là tư thục, công lập vẫn là trường cũ có trước khi hình thành ĐTM”.
Sức ép nặng thêm cho trường công lập cũ, người dân phải tìm giải pháp… khó
Cả khu đô thị Linh Đàm rộng và đông dân song chỉ có một trường mầm non bán công duy nhất là mầm non Linh Đàm và dù muốn thì cũng không phải gia đình nào ở ĐTM Linh Đàm cũng xin được cho con vào học ở trường này. Biết rằng “cầu” (số trẻ trong độ tuổi) ở khu đô thị này lớn hơn rất nhiều so với khả năng đáp ứng của “cung” (trường học), song số học sinh mỗi lớp đã lên tới 60- 70 trẻ và trường này khó mà “phình to” để nhận trẻ vào nhiều hơn. Trong khi đó, người dân ở ĐTM Linh Đàm chỉ biết thêm một “sự lựa chọn” khác (một trường mầm non khác) trong khu vực, nhưng đó lại là trường tư thục có mức thu tiền học phí hàng triệu đồng/ tháng.
Tại khu ĐTM Định Công – Đại Kim còn vài ha đất quy hoạch trường học, nhưng đã 7 năm kể từ khi ĐTM này được đưa vào sử dụng, đất vẫn bỏ hoang vì không hiểu chưa có chủ đầu tư hay chủ đầu tư được giao đất xây trường nhưng không đủ năng lực để đầu tư? Đã vậy còn có cảnh trường mầm non tư thục có đất xây trường ngay giữa khu đô thị mới Định Công, song từ nhiều năm nay vẫn bỏ hoang, đó là trường mầm non tư thục Bình Minh. Bà Đinh Thị Hằng (Phó phòng GD- ĐT quận Hoàng Mai) cho biết: “Trường bỏ hoang vì mâu thuẫn nội bộ trong hội đồng quản trị của họ chưa giải quyết được. Thậm chí, đã phải kiện nhau ra toà. Chúng tôi cũng chưa hề nhận được sự bàn giao để quản lý chuyên môn trường học này”.
Trên thực tế thì người dân ở các khu đô thị như Linh Đàm, Đại Kim rất ít sự lựa chọn về trường học, thậm chí nhiều gia đình không có sự lựa chọn nào khác là đưa con em vào các “làng” để học.
Thiếu trường học khiến không ít người dân sống trong ĐTM phải loay hoay với việc học của con em, thâm chí phải chọn giải pháp… khó.
Chị M.A một người dân từng sống ở ĐTM Pháp Vân- Tứ Hiệp vừa qua đã phải bán nhà chuyển đến nơi ở khác để “trẻ con trong gia đình có điều kiện học hành”. Trước, khi vừa đến ở ĐTM Pháp Vân- Tứ Hiệp gia đình chị M.A đã phải “ngao ngán” vì không có trường học nào trong khu ĐTM kể cả mầm non và tiểu học. Người ta đã chỉ cho chị chỗ duy nhất có thể cho con đi học gần nơi ở là phải vào trường ở làng Tứ Hiệp. Song cũng chỉ là “để có chỗ học”, chứ gia đình chị sau khi tham khảo một vòng các cơ sở mầm non ở “làng” đã quyết định không xin học cho con vì thấy gọi là “trường”, “lớp học” mà không khác gì “chỗ trông giữ trẻ”.
Người dân sống trong ĐTM ở quận Hoàng Mai đang phải đối diện cảnh thiếu trường học trong ĐTM và phải chấp nhận sự quá tải khi chen chân đến trường công lập gần nơi ở. Chẳng hạn, ĐTM Nguyễn An Ninh chưa có trường học mới, còn các trường công lập cũ mà người dân mong mỏi kiếm được một chỗ cho con học như ở Mầm non Tương Mai, Mầm non 10/10… thì vẫn trường diễn cảnh vào ngày tuyển sinh mỗi năm đến hẹn người dân lại phải nườm nượp xếp hàng từ nửa đêm hôm trước để mong có được một “suất” xin học.
Chấp nhận đi học xa, học “nhờ”….
Người dân phải đưa con em đến các trường học xa nơi ở, học trái tuyến không còn là chuyện hiếm gặp ngay ở nhiều ĐTM hiện nay tại Hà Nội.
Không vượt qua được tâm lý phải chấp nhận gửi con vào “trường làng” vì ĐTM không có trường, không đủ trường, nhiều bậc phụ huynh ở một số ĐTM đã phải ngược xuôi để con được học trái tuyến trong các trường công lập ở phường khác, quận khác, thậm chí đi học xa nhà cả chục cây số. Còn nếu có điều kiện kinh tế thì xin vào các trường ngoài công lập và chấp nhận mức tiền học cao hơn rất nhiều so với công lập, các trường có xe ô tô đưa đón ở điểm đỗ gần nhà, có dịch vụ GD chất lượng cao và mức đóng học không dành cho “con nhà nghèo” như: Đoàn Thị Điểm, Lomonoxop, Nguyễn Siêu…
Có khả năng và điều kiện để xin học và đưa con đến những trường học khác (công lập hoặc ngoài công lập) ở phường khác, quận khác vẫn là may với những người dân sống trong những khu đô thị thiếu trường học, thậm chí “trắng” trường học. Khu ĐTM Việt Hưng rộng lớn là vậy mà không có một trường công lập nào trong đó, kể cả mầm non, tiểu học và phổ thông. Ông Đặng Việt Hà (Trưởng phòng GD- ĐT quận Long Biên) cho biết: Trẻ em sống trong khu ĐTM Việt Hưng đang phải “học nhờ” các trường tiểu học và THCS ngoài khu đô thị như trường Ngô Gia Tự, trường Long Biên… Trường mầm non tư thục trong khu ĐTM này thì vẫn chưa đáp ứng được điều kiện về CSVC, trường lớp chật chội.
Dù là thiếu và “trắng” trường học trong ĐTM nhưng khi “xã hội hoá” được việc xây trường học thì tại một số ĐTM lại xảy ra tình trạng có phản ứng của người dân vì không muốn mọc lên trong ĐTM toàn trường ngoài công lập thay vì là trường công lập có mức chi phí đóng góp thấp. Trường hợp xây Trường phổ thông dân lập Văn Hiến tại khu ĐTM Đầm Trấu (quận Long Biên) là một ví dụ. Dù đã hoàn thành các thủ tục để xây trường, song chủ đầu tư vẫn phải đối diện sự phản đối của một số người dân trong ĐTM này. Người dân không muốn mọc lên một trường ngoài công lập mà muốn có trường công lập trong ĐTM để không phải đóng học phí nặng. Để “dự án” tiếp tục được thực hiện, chủ đầu tư xây trường phổ thông dân lập Văn Hiến đã đưa ra cam kết với người dân trong ĐTM là khi xây trường sẽ xây dựng thêm cả chỗ học cho một bộ phận HS mà nhà trường sẽ không thu bất cứ một đồng học phí nào. Song người dân vẫn không chấp thuận mà chỉ muốn khu đất xây trường dân lập này được dành cho việc xây trường tiểu học công lập. Vậy là suốt 5-6 năm qua, dự án xây dựng Trường phổ thông dân lập Văn Hiến ở ĐTM Đầm Trấu vẫn phải… nằm trên giấy.
Lời giải nào cho trường học trong ĐTM?
Nói về giải pháp cho trường học trong khu ĐTM, bà Bùi Thị Vân Anh (Trưởng phòng GD- ĐT quận Cầu Giấy) giãi bày: “Nói mãi rồi nhưng giờ cũng đành chịu thôi, ĐTM đã xây dựng xong, trong các khu đất chỗ nào cũng thấy xây kín hết cả, lấy đâu ra đất để xây trường công lập nữa. Ngành GD của quận chỉ biết đến khu ĐTM này hay ĐTM kia có trường học mặt mũi như thế nào khi được bàn giao để quản lý về chuyên môn. Mà đến lúc bàn giao thì sự đã rồi, kêu thiếu trường thì cũng không biết phải làm thế nào”.
Cũng theo bà Vân Anh, trong khi ĐTM xuất hiện ngày càng nhiều thì có một điều khó chấp nhận là khi quy hoạch ĐTM thì ngành GD của quận (huyện) không được tham gia góp ý kiến về việc quy hoạch trường, khu ĐTM có xây trường học hay không và xây bao nhiêu trường học thì ngành GD quận (huyện) không được biết. ĐTM xây dựng xong, “mời” GD quận (huyện) về nhận trường thì mới biết trường đó là công lập hay ngoài công lập. Ông Đặng Việt Hà cũng khẳng định: “Chưa bao giờ tôi được làm việc với các chủ dự án khu đô thị để góp ý hay đề xuất việc xây dựng trường học hay giải quyết nhu cầu học tập cho dân cư trong ĐTM”.
“Những sự đã rồi kiểu ấy cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc để có được một cái nhìn xa hơn cho GD trong các ĐTM”- bà Vân Anh đưa ra quan điểm- “Theo tôi quan trọng là phải xem lại cơ chế, trước khi xây dựng ĐTM phải để GD các quận (huyện) được tham mưu với phòng xây dựng, chủ đầu tư (chủ dự án) về nhu cầu xây dựng trường học trong đó”.
Để ĐTM có đủ trường học phục vụ nhu cầu cho chính người dân sống ở đấy, liệu có cần xem xét đến việc đưa ra những quy định ràng buộc chủ đầu tư trước khi quy hoạch ĐTM phải ứng trước một phần vốn để xây dựng các trường công lập, hay có cam kết cụ thể về số trường công lập cần thiết trong mỗi khu đô thị… Đó có thể coi như là điều kiện trước khi xây dựng các khu ĐTM?
Có ý kiến cho rằng, nếu Sở GD- ĐT có được tham gia góp ý, tham mưu cho các dự án ĐTM trên toàn thành phố thì Sở cũng không thể nắm được “ngóc ngách” tình hình GD trong từng quận, huyện. Các chủ đầu tư (chủ dự án) khi xây dựng quy hoạch ĐTM cần lấy cả ý kiến của GD quận (huyện) thì mới chính xác, cụ thể được về nhu cầu trường học như thế nào.
Trên thực tế, bình thường mỗi phường đã cần phải có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS công lập. Khi xây dựng ĐTM, thấy khu vực đó đã có trường công lập cũ thì cũng không thể tính là ĐTM ấy đã có trường học. Xây dựng ĐTM thì trường học cũ không thể đáp ứng đủ thực tế dân cư tăng. Trường học phải được xây dựng theo mật độ dân cư để phục vụ nhu cầu của người dân, đó là chưa kể các nhu cầu bình dân hay cao cấp. Cũng không thể để trong ĐTM chỉ phát triển trường ngoài công lập để người dân phải chấp nhận “không có sự lựa chọn”.
Theo GD&TĐ
Bình luận (0)