Trường trung học High Tech không thi đầu vào, tuyển học sinh ngẫu nhiên dựa vào mã xổ số, dạy đan xen các môn, nhưng sau ba năm 95% đỗ đại học.
Sophia Morrison, 17 tuổi, theo học tại hệ thống trường High Tech từ lúc 13 tuổi. Phong thái tự tin và đĩnh đạc, Sophia đưa khách tham quan trường trung học, nằm ở miền Nam Califonia, để giới thiệu về các hoạt động của học sinh và cách giáo dục đặc biệt của High Tech.
Tại tầng trệt, Sophia và đoàn khách bắt gặp nhóm học sinh ăn mặc giản dị đang tán gẫu về những bài học sắp tới. Lúc đầu, học sinh High Tech được yêu cầu mặc sơ mi có cổ, được tùy chọn kiểu dáng, kích thước và họa tiết để trông "thông minh và chuyên nghiệp".
Tuy nhiên, một học sinh 14 tuổi đã viết thư cho giáo viên, nói "Bố em là công nhân, ông mặc quần yếm và áo bảo hộ lao động đi làm. Điều đó có nghĩa là ông trông không thông minh và chuyên nghiệp trong công việc của mình phải không?". Sau đó, High Tech bãi bỏ quy định đồng phục, học sinh được mặc những gì ưa thích.
Là ngôi trường bán công do nhà nước tài trợ, High Tech sử dụng hệ thống xổ số dựa trên mã địa phương để tuyển sinh. Hệ thống này không quan tâm đến trình độ học vấn của các em, nhưng sau ba năm học 95% vẫn đỗ đại học.
Tại High Tech, ranh giới giữa các môn học gần như không có. Toán và Lý được dạy như một, tiếng Anh và Lịch sử học cùng nhau. Một dự án môi trường gần đây lại kết hợp tiếng Tây Ban Nha với Sinh học để tạo ra cuốn sách cho trẻ em.
Thông qua các môn học, học sinh luôn được dạy cách làm việc nhóm và nâng cao tinh thần đồng đội. "Tại lớp học toán, giáo viên sẽ giải thích khái niệm, sau đó chúng em phải tự tìm vấn đề và giải quyết bằng khái niệm đó rồi giải thích cho các bạn còn lại. Đây là cách rất tích cực để học hỏi. Việc được bạn bè giảng lại đôi khi dễ hiểu hơn từ giáo viên", Sophia nói.
Làm việc nhóm tại High Tech không chỉ dừng ở đó. Sophia giải thích học sinh luôn ở cùng một nhóm nhỏ 6-8 người từ khi bắt đầu năm học. Nhóm này được duy trì và các thành viên phải gắn kết, giải quyết tất cả nhiệm vụ cùng nhau. Các cá nhân thay phiên nhau đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo qua từng dự án để rèn khả năng chịu trách nhiệm trước mọi quyết định.
Trường Trung học High Tech. Ảnh: Telegraph |
Các kỳ thi được loại bỏ hoàn toàn tại High Tech. Thay vào đó, khi kết thúc mỗi môn học sinh sẽ làm dự án. Những dự án phải có mục đích thực tế như nghiên cứu Hóa học liên quan đến thử nghiệm đường thủy, sau đó được trưng bày khi kỳ học mùa thu kết thúc. Những khán giả thưởng thức và đánh giá dự án là phụ huynh, cựu học sinh và người dân địa phương.
High Tech đi đầu trong học tập đến mức mỗi năm 5.000 nhà giáo và những người có ảnh hưởng từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Bill Gates và Oprah Winfrey đến thăm trường, học hỏi cách giáo dục mà High Tech đang áp dụng.
Một trong những khu vực quan trọng nhất của trường là Maker Space, căn phòng chứa đầy gỗ và dụng cụ. "Tại đây, chúng em được học các kỹ năng nền tảng của nghề thợ mộc và sáng tạo mọi thứ mình thích từ gỗ", Sophia nói.
Học sinh High Tech phải tham gia kỳ thực tập kéo dài hai tháng tại các công ty công nghệ, trung tâm huấn luyện thể thao hoặc triển lãm nghệ thuật. Sophia đã dành hai tháng thực tập tại phòng hộ sinh và dự định quay lại đó vào tháng 12 này. "Trải nghiệm đó giúp em nhận ra em muốn làm hộ sinh", Sophia nói.
Khi gần tốt nghiệp, học sinh được cung cấp một số dạng đề để ôn tập. Nếu có nhu cầu, các em được tham gia khóa học ngắn hạn tại các trường khác.
Các học sinh tại trường Trung học High Tech đang cùng nhau giải quyết bài tập toán theo nhóm. Ảnh: Ilona Szwarc/ Telegraph |
Trường Trung học High Tech được thành lập năm 2000 dựa trên tư tưởng của nhà lãnh đạo giáo dục Larry Rosenstock kết hợp với tỷ phú công nghệ Irwin Jacobs và một nhóm giáo viên ở San Diego (Mỹ).
Những nhà sáng lập đã xem xét tất cả yếu tố của một nền giáo dục dành cho trẻ em, từ đồng phục cho đến hệ thống cấp bậc, thi cử, sau đó so sánh với môi trường làm việc hiện đại. Những người đứng đầu đặt ra câu hỏi: Làm thế nào thiết lập được hệ thống giáo dục tạo ra những học sinh đáp ứng yêu cầu việc làm của xã hội hiện đại đang thay đổi từng ngày?
Bước sang thế kỷ 21, người lao động cần học hỏi sự linh hoạt, khả năng thích nghi và kỹ năng làm việc nhóm. Ngoài kỹ năng học tập, môi trường công việc cũng đòi hỏi nhân lực tập trung hơn vào công nghệ, chính trị và ngôn ngữ. Ngay từ sớm, Rosenstock đã phát hiện trẻ em làm mọi thứ khi chúng học, sự hiểu biết và ghi nhớ của chúng về từng chủ đề được cải thiện so với trẻ em thế kỷ trước.
Ban đầu, High Tech dạy học sinh từ 14 đến 18 tuổi, dến nay mở rộng từ mầm non đến hết trung học. Toán là môn học bắt buộc, các môn tự chọn rất đa dạng, gồm: mã hóa, làm mộc, lãnh đạo, thể thao… Các em khác lứa tuổi có thể học cùng môn tự chọn. Rosenstock, nhà sáng lập High Tech, tin rằng cung cấp kiến thức chuyên môn cần được kết hợp với đào tạo kỹ năng nghề.
Các quan điểm của Rosenstock bắt nguồn từ việc học sâu (deep learning), khái niệm giáo dục được mô tả lần đầu vào năm 2010 bởi Quỹ William và Flora Hewlett, tổ chức từ thiện của Mỹ, cam kết vì sự tiến bộ của giáo dục cho mọi người. Học sâu dựa trên việc khuyến khích tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, học cách hợp tác và kỹ năng thuyết trình hiệu quả.
Tại đây, không phải tất cả học sinh là người ưu tú với 15% các em có nhu cầu giáo dục đặc biệt, cần được hỗ trợ thêm; 50% xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp (đủ điều kiện ăn trưa miễn phí hoặc giảm chi phí) và 44% học sinh tốt nghiệp của trường là người đầu tiên trong gia đình đi học ở bậc cao hơn.
Theo kết quả nghiên cứu được báo cáo vào năm 2016 của Viện nghiên cứu Mỹ, những học sinh theo học trường được thực hành, trải nghiệm nhiều có kết quả học tập tích cực hơn so với những người không tham gia.
High Tech đang ngày càng mở rộng quy mô của mình tại San Diego với 15 trường từ mẫu giáo đến trung học với hơn 6.000 học sinh. Những nhà lãnh đạo của High Tech vẫn kiên trì theo đuổi chủ trương giữ số lượng thành viên trong nhóm, quy mô lớp học và trường ở mức độ nhỏ, tin tưởng quan điểm giáo dục của mình đang đi đúng hướng.
Thanh Hằng/Vnexpress (Theo Telegraph)
Bình luận (0)