Cận kề năm học mới 2024-2025, nỗi lo về việc phải tổ chức đấu thầu khi thực hiện các hoạt động dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục khiến các trường công lập trên địa bàn TP.HCM “đứng ngồi không yên”.
Tổ chức dạy tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống… cũng phải đấu thầu?
Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Trong Điều 2 của Luật về đối tượng áp dụng quy định: “Luật này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu bao gồm: Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để:
– Thực hiện dự án đầu tư, dự toán mua sắm của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân khác.
– Cung cấp sản phẩm dịch vụ công; mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; mua hàng dự trữ quốc gia, thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia, trừ hoạt động mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.
– Thực hiện các công việc khác phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Căn cứ theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023, tại TP.HCM, một số địa phương như quận 12, TP.Thủ Đức đã có nội dung đề cập đến việc nhà trường thực hiện đấu thầu khi triển khai tổ chức các hoạt động giáo dục chương trình liên doanh, liên kết; các hoạt động phụ trợ phục vụ học sinh trong năm học mới 2024-2025. Song, vẫn chờ hướng dẫn chính thức từ thành phố.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác hiện vẫn “án binh bất động” trước thềm năm học mới 2024-2025 với tâm thế chờ đợi văn bản chính thức từ thành phố mà cụ thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở GD-ĐT…
Nỗi lo về việc các cơ sở giáo dục công lập khi tổ chức các hoạt động dịch vụ, phục vụ giáo dục như các chương trình liên doanh, liên kết giảng dạy tiếng Anh, tin học, kỹ năng sống… cho đến các hoạt động ăn bán trú, khám sức khỏe đầu năm cho học sinh, thậm chí là chương trình dạy tiếng Anh theo Quyết định 5695… thì trường học phải tổ chức đầu thầu đang khiến các cơ sở giáo dục “đứng ngồi không yên”.
Theo tìm hiểu, nhiều trường học tại quận 1 đang rục rịch tổ chức đấu thầu khi triển khai các dịch vụ giáo dục trong năm học mới, vì sợ đến khi có hướng dẫn mới làm thì không kịp cho năm học mới.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 cũng cho biết nhà trường đã tìm hiểu về các quy định đấu thầu theo luật mới và thông tin đến các đơn vị đối tác tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ giáo dục cho nhà trường chuẩn bị sẵn tâm thế nếu phải thực hiện đấu thầu khi tổ chức.
Cần có hướng dẫn sớm để đồng bộ, kịp cho năm học mới
Khi năm học mới chỉ còn được tính “bằng ngày, bằng giờ”, ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp kiến nghị thành phố cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc có hay không các cơ sở giáo dục công lập phải tổ chức đấu thầu khi triển khai thực hiện các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, phục vụ giáo dục trong năm học 2024-2025, để các địa phương, nhà trường an tâm.
Nếu quy định bắt buộc phải đấu thầu thì các sở ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn chi tiết, cụ thể nhất để các địa phương, nhà trường căn cứ vào đó thực hiện đúng quy định, kịp thời cho năm học mới.
Trong trường hợp hướng dẫn chưa kịp ban hành trước năm học mới thì cũng cần thiết phải có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện trong thời gian chờ hướng dẫn, vì các hoạt động giáo dục trong năm học không thể chờ đợi.
Tuy nhiên, ông Trịnh Vĩnh Thanh cho rằng, các nội dung liên quan đến hoạt động hỗ trợ phục vụ giáo dục như chương trình hỗ trợ phục vụ giáo dục trong các trường công lập nếu phải qua đấu thầu khi tổ chức là chưa phù hợp.
Lý do theo ông đây là các hoạt động thu hộ – chi hộ, tinh thần tự nguyện tham gia của phụ huynh học sinh, nhà trường không hề có “vốn”, mà chỉ thực hiện chi trả theo từng tháng khi phụ huynh học sinh đóng góp.
Điều quan trọng nhất đó là đặc thù của giáo dục với tính liên tục, ổn định trong từng khối lớp, cấp học. Không thể năm nay chọn đơn vị này, năm sau lại chọn đơn vị khác do trúng thầu. Khi lựa chọn đối tác phối hợp với nhà trường tổ chức các nội dung, chương trình giáo dục hỗ trợ học sinh như tiếng Anh, tin học hoặc kỹ năng sống… ngoài yếu tố về chương trìh, giá thành thì để tổ chức có hiệu quả trong trường học còn đến từ nhiều yếu tố cần phải được quan tâm, ví dụ như đơn vị đã quen với đối tượng học sinh, đặc thù nhà trường, chứ không chỉ thể hiện trên các thủ tục, quy định mang tính hành chính.
Thêm nữa hiện nay khi đã trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục thì cần thêm nữa cơ chế để nhà trường được thực sự tự chủ về chương trình, môi trường giảng dạy…
“Thay vì tổ chức đấu thầu thì cần hơn hết là phát huy tối đa hoạt động của hội đồng trường. Trong đó, nhà trường chịu trách nhiệm về chương trình, mục tiêu, định hướng đầu ra khi triển khai các chương trình liên kết giáo dục trong trường để chọn lựa đơn vị phù hợp; phụ huynh đóng vai trò góp ý, giám sát. Đặc biệt, Sở GD-ĐT cần xác định thật kỹ tiêu chí khi thực hiện các chương trình để phù hợp với các quy định mới” – ông Thanh kiến nghị.
Trong khi đó, trưởng phòng GD-ĐT một địa phương tại TP.HCM nhìn nhận, việc tổ chức đấu thầu khi triển khai các hoạt động giáo dục phục vụ, hỗ trợ giáo dục, kể cả mang tính chất thu hộ – chi hộ sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đặc biệt là hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục cho đơn vị, đối tượng học sinh thụ hưởng.
Theo ông, khi đấu thầu thì nhà trường cần đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể cho từng chương trình mà nhà trường thực hiện, có ý kiến của phụ huynh về chương trình để đảm bảo tính liên tục, ổn định cũng như chất lượng khi triển khai trong nhà trường.
Ví dụ, với việc dạy tin học chuẩn quốc tế thì nhà trường phải xác định là chuẩn nào, yêu cầu đầu ra là gì khi chọn thầu…
“Thành phố cần sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện cho đồng bộ” – vị này kiến nghị.
Yến Hoa
Bình luận (0)