Vượt lên bệnh tật, các bệnh nhi ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh vẫn miệt mài với từng con chữ, nét vẽ trong một lớp học "đặc biệt" do bệnh
Cô giáo Phan Thị Rành đang kiểm tra bài. |
viện tổ chức. Trong đôi mắt các em luôn ánh lên một niềm vui, sự hồn nhiên trong sáng nhưng cũng không giấu được sự đau đớn, dày vò của bệnh tật mà hằng ngày các em phải vượt qua.
Để không bị mù chữ
Căn phòng dành cho các em học tập rộng chừng 30m2, nằm trong khu vực khoa Vật lý trị liệu. Khi chúng tôi đến thăm là lúc các em đang say sưa học môn tiếng Việt. Thấy có khách bước vào, các em lập tức đứng hết cả dậy đồng thanh chào. Nhìn em nào nước da cũng đen sạm, dáng người nhỏ thó. Theo bà Lê Thị Đào – Trưởng khoa Vật lý trị liệu, đa số các em bị bệnh suy thận mãn tính giai đoạn cuối phải chạy thận. Nhà ở tỉnh, cách xa thành phố hàng trăm cây số, mỗi tuần phải chạy thận 3 ngày nên các em không thể "chạy đi chạy về" để học hành; mà thời gian điều trị phải kéo dài nhiều năm. Đó chính là lý do khiến chúng tôi quyết định thành lập lớp học này để giúp các em có kiến thức, tránh nguy cơ mù chữ. Dù ngành giáo dục không thừa nhận, nhưng những kiến thức mà các em tiếp thu được ở đây cũng giúp ích rất nhiều cho công việc và cuộc sống sau này!
Ban đầu lớp học được thí điểm ở khoa bỏng chỉnh hình, sau đó mở rộng đến khoa Thận bài tiết với 20 em đang theo học các môn: tiếng Việt, toán, Anh văn, ca hát, hội họa… Đối với những em ở khoa bỏng chỉnh hình do thời gian điều trị ngắn, các giáo viên đứng lớp xin sổ báo bài của trường các em học trước đó để về dạy tiếp, giúp các em theo kịp bài vở khi xuất viện; còn những em bị suy thận mãn tính, việc học được kết hợp với các trò chơi nhằm giúp các em giải tỏa tâm lý, tạo niềm vui trong cuộc sống.
Sự tận tụy chăm sóc
Các em đều biết rằng, mình sẽ chỉ được học và chữa bệnh tại đây đến hết năm 15 tuổi, thế nhưng không một em nào muốn rời "mái trường" này. Bệnh nhi Nguyễn Ngọc Như (12 tuổi) quê ở Cà Mau khoe: ở đây học vui lắm chú ơi! Kể từ ngày được đến đây học, con thấy sức khỏe tốt hơn, những cơn đau bất chợt giảm hẳn lại thêm có nhiều bạn bè nữa. Các cô ở đây rất thương và chăm sóc con chu đáo. Dù phải cầm cố đất đai, tài sản trong nhà để đưa cậu con trai Nguyễn Hoàng Bi (11 tuổi, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) lên chạy thận, nhưng khi hay tin bệnh viện mở lớp học dành cho những bệnh nhi điều trị nội trú dài ngày, cha mẹ Bi mừng cuống quýt liền đưa ngay con đến đăng ký nhập học. Thật vậy, không vui sao được, khi mỗi ngày các em được vui chơi với bạn bè, được các thầy dạy bảo, chăm sóc những lúc lên cơn đau. Vì thế khi được hỏi, đến lúc không còn được ở Bệnh viện Nhi đồng nữa các em có về quê tiếp tục học trở lại không thì nhận được câu trả lời rất ngây ngô: "Con thích được học ở đây hơn, con không về quê học nữa đâu". Theo cô giáo Phan Thị Rành, nhiều em trước đây đã học đến lớp 5 nhưng qua kiểm tra trình độ thì chỉ tương đương lớp 2. Chính vì thế chúng tôi quyết định đưa vào giảng dạy các môn ở chương trình lớp 2 sau đó nâng cao dần. Do các em bị suy thận mãn tính nên người co rút, trí nhớ giảm dần, nhiều em học trước quên sau, nói một đường làm một nẻo. Có những chuyện cười ra nước mắt, nhưng nghĩ lại thấy thương các em nhiều.
Tình thương mà các cô giáo ở đây dành cho các em là sự chăm lo không chỉ vì bệnh tật mà còn đáp ứng sự chăm học, khao khát được đến lớp. Đó cũng chính là lý do vì sao có nhiều em không thuộc diện nội trú nhưng vẫn "phá rào" để có mặt ở lớp học này. Bà Đào cho biết, thật ra ý tưởng thành lập lớp học dành cho những bệnh nhi này có từ lâu, nhưng phải đến tháng 2-2009, khi cô Rành về công tác tại khoa Vật lý trị liệu thì khi đó mới thành hiện thực. Bởi cô từng tốt nghiệp sư phạm ngành địa lý và có thời gian giảng dạy tại một số trường trước khi về phụ trách ngôn ngữ trị liệu tại khoa. Hiện tại chỉ có 3 giáo viên đứng lớp nhưng còn phải làm công tác chuyên môn nên gặp nhiều vất vả. Trong khi đó, số lượng bệnh nhi nội trú ở các khoa còn khá lớn, khi biết được thông tin này chắc chắn số lượng đăng ký học sẽ tăng lên đáng kể. Do đó để đáp ứng nhu cầu, trước mắt bệnh viện đã chủ động hợp tác với trường quốc tế RISS đưa một số giáo viên sang giảng dạy; đồng thời mời các chuyên gia đang làm việc tại bệnh viện tham gia luôn công tác giảng dạy.
Văn Quang (HNM)
Bình luận (0)