Y tế - Văn hóaThư giãn

Trường làng tôi (*)

Tạp Chí Giáo Dục

Thuở nhỏ, tôi học đến cả mấy nơi: trường A, trường B, trường Chùa, trường Nhà thờ. Hồi đó, phòng học còn thiếu, cơ sở chính chỉ có 5 phòng học nên trường làng tôi phải mượn tạm phòng của trạm y tế, của các đình, thờ trong làng làm phòng học. Tôi nhớ trong sách tập đọc lớp 1, học kỳ 2 có bài thơ: Trường em mái ngói đỏ hồng/ Mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh/ Gió về đồng lúa reo quanh/ Vẫy chào những bước chân nhanh tới trường. Trường làng tôi cũng được bao quanh bởi những ruộng lúa và khi tôi học đến cấp 2 thì trường mới có mấy phòng học được xây dựng mới và lợp ngói hồng…

1. Từ nhà tôi đến trường A chỉ chừng 300m, ngồi ở nhà có thể nghe tiếng kẻng rồi sau này là tiếng trống đánh báo đi học trước 15 phút giờ vô học là cắp sách vở tới trường. Hồi đó, chẳng ai đi xe đạp đến trường cả, tất cả học sinh đều cuốc bộ, dù có đứa nhà xa trường đến 2 cây số. Nhà tôi gần, nên có những ngày bất chợt mưa giông, rứa là cởi luôn quần áo chỉ còn lại chiếc quần đùi chạy ù về nhà.

Ký ức những năm học cấp 1 của tôi bây giờ chỉ còn lơ mơ, như cái chuyện cô giáo chủ nhiệm thường đặc cách cho tôi chạy lên văn phòng của trường để coi đồng hồ cứ đúng 3 giờ rưỡi chiều là đánh trống ra chơi. Có lần không biết răng coi trật đồng hồ mới có 2 rưỡi thôi mà tưởng 3 rưỡi rồi nên đánh trống ra chơi luôn. Cô giáo chủ nhiệm của tôi bị thầy hiệu trưởng quở trách còn tôi thì mất quyền đi coi giờ và đánh trống ra chơi từ đó. Rồi chuyện làm “kế hoạch nhỏ”. Cứ những buổi nghỉ học là mấy thằng đi khắp bụi bờ trong làng lượm mảnh chai. Rứa mà mỗi đứa cũng được 5-7 cân mảnh chai để nộp. Rồi những lần sinh hoạt đội vào chiều thứ năm, khổ nhất là chuyện xoay vòng tròn con trai con gái chẳng chịu nắm tay nhau vì ốt dột. Cách giải quyết là chọn đứa mô trai gái có họ hàng với nhau để nắm khi nớ mới xoay được cái vòng tròn. Mà hồi cấp 1 đi học hấp dẫn nhất là đến cuối tháng cô giáo chủ nhiệm đọc vị thứ. Đứng thứ nhứt tháng ni mà tháng sau xuống thứ nhì thì buồn lắm; rồi có khi lớp tôi có đến 5 đứa đồng điểm đứng thứ nhứt luôn.

Hồi đó đời sống giáo viên còn khổ lắm. Thầy cô ở những phòng tập thể nhỏ lợp bằng tôn xi măng, vách thì bằng giấy dầu. Trường được hợp tác xã phân mấy sào ruộng ngay cạnh trường để cô thầy tăng gia. Nhớ một lần coi mấy cô thầy cắt lúa; có cô giáo bị đĩa đeo chân la vang trời vang đất chạy tới một thầy giáo nhờ giải cứu. Một thằng bạn của tôi ở xóm chợ ranh mãnh nói: Tau nhìn biết là cô không sợ đĩa mô, cô làm bộ để được thầy chăm sóc thôi! Rồi hắn giải thích là đã sợ thì chỉ đứng một chỗ thôi chộ chi nữa mà chạy. Tình yêu của cô thầy hồi đó đôi khi chỉ bắt đầu đơn giản là vậy!

Có lần về làng, ngồi ở nơi đầu chợ chờ xe buýt ngay đối diện trường cũ tôi mới lục lọi trí nhớ của mình về phong cảnh trường xưa. Là cái sân cỏ khá rộng đủ để chia phe đá banh, là mấy hàng dương liễu, bạch đàn cao vút bên sân trường; là cái giếng bằng gạch rêu phong và cả cái hồ nước cạn ếch nhái, ễnh ương kêu inh ỏi mỗi khi chiều về… Rồi mấy luống rau xanh cô thầy trồng để có thêm chút xanh tươi trong bữa ăn thời khó và cả con heo cọc van màu đen mà cô giáo chủ nhiệm của lớp tôi nuôi thả chạy loanh quanh sân trường làm bạn với lũ học trò.

2. Tôi cũng không còn nhớ chính xác là năm tôi học lớp mấy thì phải học ca trưa vì thiếu phòng học. Có lẽ là sau cơn bão lịch sử năm 1985, khi đó những phòng học ở chùa, nhà thờ, trạm xá đều bị bão làm sập hoặc tốc mái hết mà không có tiền làm lại; chỉ có mấy phòng học ở trường A là lợp lại nhanh chóng để học sinh đến trường sau bão. Học ca trưa, đi học từ 9 giờ sáng, 2 giờ chiều thì tan học. Là những cái ngáp dài vì buồn ngủ, là gương mặt nhễ nhại mồ hôi của những đứa học trò làng vì quá nóng. Nhưng nhớ nhất là những ngày mùa đông, đói lắm, ngồi học mà bụng cồn cào. Tan học chạy một mạch về nhà, ba mạ đã ra đồng, nhưng cơm canh khi mô cũng còn ấm nóng vì mạ đã cẩn thận ủ mền…

Rồi năm học lớp 9, trường tổ chức học phụ đạo 2 môn văn, toán cho học sinh. Lớp học vào ban đêm ở trường B. Đó cũng là lần đầu tiên tôi và bạn bè cùng lớp được học dưới ánh đèn điện. Hai cái bóng tròn được câu từ máy nổ hợp tác xã ra phòng học. Cứ đúng 7 giờ tối, đài truyền thanh hợp tác xã phát sóng là điện đỏ, học đến 9 giờ khi đài tắt là điện tắt. Thực ra học phụ đạo vào những buổi tối đó cũng chẳng hiệu quả chi, chủ yếu là lạ và vui. Có những đêm, lớp đang học, có mấy thanh niên trong làng lởn vởn ngoài sân để chờ mấy đứa con gái lớp mình học về để “cưa”. Rứa mới sinh chuyện là có đêm, khi cô giáo chưa lên lớp, mấy thanh niên nhảy vô cửa sổ đánh thằng C lớp mình. Hình như là thằng C có thách thức chi đó với mấy eng đêm trước, đêm sau mấy eng cho “bài học” liền. Mà có ai xa lạ mô, cũng là mấy đứa học trên chúng tôi một lớp và có cả đứa học cùng lớp đã bỏ học; trong đó có chú N con mụ cô của tôi nữa…

3. Những cô giáo dạy trường làng của tôi đã lần lượt về hưu hết rồi. Mới đây nhất là cô Loan dạy văn lớp 9. Trước đó cô An chủ nhiệm năm lớp 9 của tôi, cô Lành dạy văn năm lớp 8, cô Phúc dạy toán… cũng đã về hưu. Cô Lành là giáo viên dạy văn giỏi ở Quảng Điền, sinh con thứ ba bị kỷ luật nên phải về trường tôi dạy một năm. Một tay nách ba đứa con vì chồng cô dạy ở bên kia phá, nhưng cô Lành luôn giữ được phong thái nền nã, nhẹ nhàng mà nghiêm khắc của mình mỗi lần lên lớp. Mà cô ngâm thơ hay lắm, cứ như mấy nghệ sĩ trên đài. Dạy một năm, cô trở lại trường cũ. Nhớ buổi chia tay cô Lành ở dưới gốc cây đào vào một đêm trăng sáng trước mấy phòng tập thể, học sinh đến cả mấy lớp. Câu chuyện cô Lành kể buổi chia tay là một câu chuyện vui: “Chú tiểu được sư phụ dẫn xuống núi chơi. Qua đò, gặp mấy cô gái đẹp. Một chú tiểu hỏi thầy: “Đó là chi thầy?”, thầy bảo: “là cái nón!”. Trở về núi, chú Tiểu ra ngẩn vào ngơ, sư phụ hỏi vì răng? “Dạ con nhớ cái nón!”…

Cô Loan về dạy ở trường làng tôi đúng 1 tuần thì cơn bão số 8 – năm 1985 ập đến. Đó là nghe cô kể lại như vậy. Cô dạy văn lớp tôi năm lớp 9 nhưng từ lớp 8 tôi đã được cô cho mượn sách văn học để đọc. Đó là những cuốn sách quý mà ở trường làng không có được từ những tác giả tiền chiến đến các tác giả nước ngoài. Nhớ cái đêm cuối cùng cô dạy phụ đạo văn cho chúng tôi, cô nói sau buổi học này cô sẽ chia tay các em, chia tay trường để đi dạy nơi khác. Rứa là mấy đứa con gái sụt sịt khóc, rồi mấy đứa con trai cũng khóc; chỉ có thằng Sơn “thột” ngồi cười khì khì. Tan học hắn nói tau chộ cả cô cả trò khóc bui quá, đã chia tay chi mô mà khóc… Mà hắn nói đúng thiệt, sau đó cô vẫn ở lại dạy ở trường làng tôi một thời gian nữa rồi theo chồng về Điền Hải dạy. Sau này gặp lại cô, tôi ngạc nhiên vì cách nói chuyện cô như một người Điền Hải chính gốc từ cách dùng từ đến giọng điệu tếu táo dễ gây cười. Nhưng tôi biết cô Loan cũng như cô An, thầy Hạp, thầy Hoàng… vẫn rất thương, rất nhớ những đứa học trò quê mùa Điền Lộc trong đó có tôi…

… Mùa hè này là đúng 30 năm ngày chúng tôi chia tay trường làng. Có mấy đứa học tiếp cấp 3. Có đứa đi học nghề chừ sống rải rác Bắc có, Nam có. Có đứa ở nhà làm ruộng. Có ai nhớ cái buổi chiều mùa hè năm 1987, lớp mình liên hoan chia tay ở bãi cỏ dưới chân cột cờ trước sân trường. Mấy cái bánh, cái kẹo rồi ngồi vỗ tay hát tập thể, trong tiếng hát có cả tiếng sụt sùi của mấy đứa bạn gái: “Ôi Điền Lộc, trường em yêu quý, bóng dương soi xanh mát dịu dàng. Ôi Điền Lộc trường em nhớ mãi, bến Ô Lâu vang tiếng hò khoan…”.

Lê Phi Tân

(*) Trưng TH Đin Lc (Phong Đin, Tha Thiên – Huế)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)