Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Trường lớp cho năm học mới: Kỳ 1: Nhật ký những ngôi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Các em HS Trường MN 10 (quận 11) trong giờ học ở ngôi trường mới

Có những trường, không đạt chuẩn theo quy định: Phòng học chỉ khoảng 20m2, tuyển sinh đầu cấp phụ huynh không dám nộp hồ sơ cho con em mình vì… sợ trường sập. Có những trường, cơ sở vật chất (CSVC) còn sử dụng tạm được thì phụ huynh e ngại: Vào học rồi có “yên” vì có kế hoạch xây mới nên không được đầu tư trang thiết bị hoặc các quận, huyện “mỏi cổ” đợi chờ các đơn vị trả đất để xây trường…

Thiếu chỗ học

Từ gần 700 HS nhưng cứ vào mùa tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh lại tìm cách cho con “chạy” trường, đơn giản: CSVC không đạt chuẩn, xuống cấp, chắp vá không an toàn… và đến nay số HS còn khoảng 500 em. Đó là thực trạng mà Trường TH Nguyễn Thi (Q.11) đang gặp phải. “Hàng xóm” với TH Nguyễn Thi là TH Âu Cơ cũng buồn không kém dù trường đã được quy hoạch hơn 10 năm nay, học trò và thầy cô vẫn sinh hoạt ngay trong các lớp học được bố trí chẳng khác nào… địa đạo. Những lớp học bé tẹo, xuống cấp. Theo chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT, một phòng học phải có diện tích 6x8m thì phòng học ở Trường TH Âu Cơ chỉ đạt 3x5m. Mỗi phòng học chỉ có một cửa ra vào.

Trường THPT Tenlơman (Q.1) nằm trong khuôn viên khu nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc nên đã xuống cấp trầm trọng, mùa mưa thì dột, mùa nắng thì nóng như xông hơi. Có dãy phòng học phải dùng loại cây sắt vuông phi 12 gắn vào kính cho cửa sổ, cửa ra vào. Thậm chí, nhà trường phải cho tháo hết kính chắn gió vì sợ HS trong khi học, vui chơi không may va chạm vỡ kính gây tai nạn… Dự án xây mới trường cũng có trên 10 năm nhưng không thể triển khai, vì không thu hồi được mặt bằng…

Tại hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh) có lẽ là địa bàn “nóng” nhất vì thiếu trường lớp. Đây là hai xã có khu công nghiệp Lê Minh Xuân và Vĩnh Lộc, dân nhập cư năm sau luôn cao hơn năm trước. Lãnh đạo huyện và Phòng GD-ĐT tham mưu, hiến kế cho UBND TP trong việc xây trường mở lớp và quyết liệt trong việc phân tuyển HS đầu cấp để tất cả con em nhân dân dù có hộ khẩu TP, KT2, 3 hoặc tạm trú đều có chỗ học nhưng không xuể. Cụ thể, xã Vĩnh Lộc A, ba năm trở lại đây năm nào cũng có gần 1.200 HS (diện KT2, 3 và tạm trú) đầu cấp của bậc TH phải “phân tuyến” về các trường TH của xã Phạm Văn Hai hoặc sang “học ké” bên H.Hóc Môn.

Ông Trần Quốc Quay – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A – chia sẻ: “Năm nào vào mùa tuyển sinh đầu cấp, xã cũng phải phân công cán bộ trực xuyên suốt để trao đổi, giải thích cho phụ huynh vì sao con em họ phải đi học ở xã khác, HS đó thuộc diện đối tượng nào nhưng rất ít khi được phụ huynh hiểu và hỗ trợ”. Theo ông Quay, năm 2015, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A sẽ được xây dựng 3 trường MN, 2 trường TH, 1 trường THCS và 1 trường THPT. Đất người dân hiến và đất trong quy hoạch trường lớp mới đã có nhưng hiện tại xã và huyện đang hoàn chỉnh thiết kế xây dựng.

Tương tự, xã Vĩnh Lộc B nằm ở cuối cánh Bắc của H.Bình Chánh. Là xã ngoại thành TP nhưng tổng dân số vượt trên 65.000 nhân khẩu. Theo quy hoạch, Vĩnh Lộc B sẽ được xây dựng thêm 6 trường MN; 1 trường TH; 1 THCS và mở rộng THCS Vĩnh Lộc B hiện hữu đang chờ phê duyệt dự án. Bên cạnh đó thực hiện đề án nông thôn mới, xã đã đầu tư xây dựng nâng cấp TH Lại Hùng Cường (10 phòng học). “Năm nào Vĩnh Lộc B cũng phải “gánh” phụ cho Vĩnh Lộc A khoảng 500 HS (TH và THCS) khiến trường lớp trên địa bàn xã lúc nào cũng bị quá tải, giáo viên mệt mỏi, phụ huynh của xã Vĩnh Lộc A cũng không vui vẻ gì vì phải đưa con đi học quá xa. Trong khi đó các dự án xây mới trường học của xã, cái thì chờ phê duyệt đồ án xây dựng, cái thì đợi vốn…”, ông Nguyễn Minh Hiền – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B – trăn trở.

Gắng đợi để có đất xây trường!

Q.3 thuộc quận trung tâm của TP, mỗi năm trẻ bước vào lớp 1 năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng trường lớp được xây mới hạn chế, vì không có quỹ đất hoặc có nhưng vướng đền bù, giải tỏa. Vì vậy, việc trường lớp trên địa bàn Q.3 luôn bị quá tải HS, thiếu chỗ học và không đáp ứng đủ chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn quận năm nào cũng xảy ra. Đơn cử, phường 7 trẻ đến tuổi vào lớp 1 bình quân hàng năm cũng xấp xỉ khoảng 400 HS nhưng hiện tại phường 7 chỉ có duy nhất một trường TH là TH Nguyễn Thanh Tuyền (trước có thêm Trường TH Trần Minh Quyền nhưng đã bị giải tỏa để thực hiện dự án mở rộng cầu Nguyễn Văn Trỗi và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), hàng năm cũng chỉ tiếp nhận được gần 200 HS.

Trường THCS Đồng Đen (H.Bình Chánh) đã xuống cấp và quá tải nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được sửa chữa, xây mới

Để giải quyết bài toán quá tải HS thì cấp thiết phường 7 phải có thêm trường TH mới, điều này đã được lãnh đạo quận và Phòng GD-ĐT tham mưu và được UBND TP.HCM phê chuẩn. Tháng 8-2009, Ban chỉ đạo 09 đã có công văn số 8128 về xử lý nhà – đất số 20 Ngô Thời Nhiệm (thuộc phường 7, Q.3) gửi UBND TP nhằm thu hồi mặt bằng số 20 để xây trường TH cho quận. Nội dung công văn nêu rõ: Nhà, đất số 20 Ngô Thời Nhiệm có diện tích gần 5.000m2, diện tích sàn sử dụng trên 7.000m2, do Trường ĐH Sài Gòn quản lý (nhà, đất này trước đây là Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục thuộc Sở GD-ĐT quản lý và sau đó giao lại cho ĐH Sài Gòn tạm thời quản lý). Sau khi ĐH Sài Gòn xây dựng cơ sở chính tại phường Tân Phong, Q.7 hoàn thành, ĐH Sài Gòn có trách nhiệm bàn giao lại khu nhà, đất trên cho UBND Q.3 để làm trường TH thuộc quận. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 ông Phạm Hùng Dũng, 6 năm qua, phường 7 tiếp tục tình trạng quá tải HS đầu cấp, con em nhân dân trên địa bàn phường đi học vất vả. Điều mà lãnh đạo quận và Phòng GD-ĐT mong muốn đến bao giờ ĐH Sài Gòn có trách nhiệm bàn giao nhà, đất cho quận để xây trường TH?

Q.12 có quy hoạch chi tiết trường lớp nhưng lại vướng trong việc thu hồi kho bãi nên việc xây trường, mở lớp triển khai còn rất chậm. Bà Lê Thị Hồng Nga – Phó chủ tịch UBND Q.12 – cho biết: “Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đem tới hệ lụy trong năm học 2014-2015, theo kế hoạch toàn quận sẽ xây dựng gần 10 ngôi trường mới nhưng kết thúc năm học này quận chỉ khởi công chưa được 1/3. Do đó, năm học 2015-2016 sẽ có khoảng 8.000 trẻ thiếu chỗ học, đặc biệt là hệ MN với số trẻ trên 4.000 cháu”. Trước thực trạng này, ông Trần Hữu Trí – Bí thư Quận ủy Q.12 – chỉ đạo: “Trong năm học 2015-2016, các ban ngành của quận phải tập trung mạnh vào việc di dời các cơ sở, nhà xưởng sản xuất công nghiệp khỏi các khu dân cư, tạo quỹ đất cho việc xây dựng các công trình công ích phục vụ xã hội, trong đó có xây dựng trường học. Bằng mọi giá, mạng lưới giáo dục đến năm 2020 sẽ đạt bình quân về diện tích là 8m2/HS. Phấn đấu 100% HS được học 2 buổi/ngày. Đặc biệt, Ban quản lý dự án của quận phải đẩy nhanh tốc độ, tập trung, hoàn chỉnh 13 dự án xây dựng trường đã được phê duyệt”.

Bài, ảnh: Lê Quang Huy

LTS: Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, học sinh (HS) trên toàn địa bàn TP.HCM sẽ bước vào năm học mới 2015-2016, TP sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng trên 1.500 phòng học đầy đủ tiện nghi. Đấy chính là sự vào cuộc “quyết liệt” của các cấp ủy Đảng, đã giúp cho nhiều ngôi trường “trên giấy” được triển khai xây dựng mới với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.

 

Bình luận (0)