Giáo viên Trường MN Hương Lan (quận Bình Tân, TP.HCM) chăm sóc các bé từ 18-36 tháng tuổi |
Quận 1, 3, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp… dù gặp khó khăn trong quỹ đất, đền bù giải tỏa nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng đã giúp cho các quận giải quyết được bài toán chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi.
Một vị lãnh đạo quận 1 chia sẻ: Không thể vì khó khăn mà không xây trường – dù khó đến mấy cũng phải xây được trường!
Từ nội thành
Sau khi có chỉ đạo quyết liệt từ ông Trần Hữu Trí – Bí thư Quận ủy thì quận 12 đã triển khai nhiều giải pháp để thu hồi kho bãi, khởi công xây dựng nhiều ngôi trường mới. Trong năm 2015 và 2016, quận sẽ đưa vào sử dụng nhiều ngôi trường khang trang, xinh đẹp. Ông Trần Trung Hiếu – Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 – cho biết: Phường Trung Mỹ Tây có dân số gần 45.000 người (gồm HKTT và KT3), trên địa bàn phường có 2 trường TH, 1 THCS và 1 trường MN (MN Sơn Ca 4). Trường MN này hiện chỉ tiếp nhận được gần 300 trẻ, trong khi nhu cầu thực tế của toàn phường là gần 2.000 trẻ. Theo quy hoạch, phường Trung Mỹ Tây được xây mới thêm 2 trường MN; phường Đông Hưng Thuận cũng được quy hoạch 8 trường MN hay phường Tân Thới Nhất quy hoạch 5 trường MN, còn lại những phường khác cũng được quy hoạch từ 3 đến 4 trường MN/phường.
Còn tại quận Thủ Đức, những ngày cuối tháng 5 vừa qua, UBND quận đã tổ chức khởi công xây dựng mới trường MN Khu chế xuất Linh Trung I. Trường có quy mô 1 trệt 2 lầu gồm 14 phòng học, khối phòng hành chính, phòng chức năng và công trình phụ với tổng diện tích sàn xây dựng 2.607m2, kinh phí xây dựng hơn 40 tỷ đồng từ nguồn vốn vay theo chương trình huy động vốn đầu tư xây dựng các trường MN công lập trên địa bàn TP. “Tính riêng trên địa bàn phường Linh Xuân, số trẻ trong độ tuổi MN là 3.681 cháu, số trường MN công lập và nhóm lớp ngoài công lập hiện có mới chỉ đáp ứng được hơn 50% nhu cầu thực tế. Với khả năng tiếp nhận và nuôi dạy 700 trẻ, Trường MN Linh Trung I sẽ góp phần giải tỏa áp lực thiếu trường MN cho con em công nhân đang làm việc trong Khu chế xuất Linh Trung I”, ông Lê Minh Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT quận Thủ Đức – cho biết.
Nhưng có lẽ vui nhất là phụ huynh trên địa bàn quận Bình Tân, nhất là những người dân đang thuộc diện tạm trú hoặc chỉ có KT3. Mới đây, UBND quận Bình Tân đã tổ chức lễ khởi công xây dựng mới và cải tạo 10 trường MN trên địa bàn. Đó là các công trình Trường MN Bình Hưng Hòa (Khu Tanimex), MN Phường Tân Tạo, MN Bình Trị Đông A, MN An Lạc A, MN Hoa Cúc, MN Khu công nghiệp Tân Tạo, MN Bình Hưng Hòa A, MN Hoa Đào, MN Hoàng Anh và MN Hương Sen. Tổng diện tích đất sử dụng xây dựng các công trình là 37.300m2, diện tích sàn xây dựng mới là 22.600m2 gồm 122 phòng học và các phòng chức năng khác. Thời gian thi công và hoàn thành 10 dự án là 12 tháng với tổng mức đầu tư trên 325,2 tỷ đồng…
Đến ngoại thành
Toàn huyện Củ Chi có 38 trường MN, trong đó có 29 trường MN công lập, 9 trường MN tư thục và 62 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, 41 hộ gia đình giữ trẻ với khoảng 14.600 trẻ, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp MN gần 1.500 người. Nhưng trước chủ trương chung là đảm bảo giữ vững việc phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi và mở rộng trường lớp tiếp nhận trẻ cho con em công nhân từ 6-18 tháng tuổi, huyện Củ Chi rất đặc biệt quan tâm đến đầu tư xây dựng trường lớp, CSVC. “Trên địa bàn huyện hiện đã có 7 trường MN đạt chuẩn quốc gia, 10 trường MN được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 2. Đặc biệt, trong quý III/2015, huyện sẽ triển khai thực hiện 5 dự án trường MN với tổng kinh phí đầu tư trên 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 9 dự án xây dựng trường MN do Ban quản lý nông thôn mới của các xã đang trình và chờ duyệt. Đối với việc thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi”, ông Nguyễn Việt Dũng – Phó chủ tịch UBND huyện – cho biết.
Năm học 2015-2016, nhiều quận/huyện tập trung xây dựng trường MN đáp ứng chỗ học cho trẻ. Trong ảnh là các bé học Trường MN 25A (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vui chơi |
Theo ông Nguyễn Trung Khánh – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè – hiện trên địa bàn huyện có 106 phòng học dành cho MN dân lập, 108 phòng học các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập. Có 40 phòng học được xây mới, trong đó, có 8 phòng học tại cơ sở 2 Trường MN Họa Mi, xây mới bổ sung 4 phòng học Trường MN Đồng Xanh, xây mới Trường MN Nhơn Đức với quy mô 20 phòng học và xây mới Trường MN Phú Xuân với quy mô 8 phòng học. Tổng kinh phí xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các trường MN trên 128,6 tỷ đồng. Năm học 2014-2015, huyện đã tổ chức thực hiện, thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại hai trường MN Họa Mi và Đồng Xanh, kết quả có 22 trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi được thu nhận.
Còn tại huyện Bình Chánh, năm học 2014-2015 vừa qua, huyện đã thực hiện thí điểm giữ trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi tại MN Hoa Phượng Hồng, 1 lớp với 15 trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. “Theo kế hoạch, năm học 2015-2016 này sẽ triển khai thực hiện tại 4 trường MN công lập: Hoa Thiên Lý 1; MN Baby; MN Hoa Mai và MN Thủy Tiên 1… Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, đào tạo nhân lực cho giáo dục MN, đặc biệt quan tâm về bồi dưỡng nâng cao trách nhiệm, y đức của đội ngũ làm công tác tại các trường MN”, ông Nguyễn Trí Dũng – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh – cho biết.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
Bình luận (0)